Mặt tiền khách sạn Waldorf-Astoria. |
Khách sạn Waldorf Astoria nằm trên Đại lộ số 5 danh tiếng của New York đã luôn được coi là một phần linh hồn của thành phố này. Đó là nơi Hollywood đã quay bộ phim tình cảm lừng danh Cuối tuần ở Waldorf vào năm 1945. Đó là nơi nhà phát minh vĩ đại Nikola Tesla (người đầu tiên tạo ra dòng điện xoay chiều) đã sống, là nơi hai đời tổng thống Mỹ, gồm Hebert Hoover và Eisenhower sống kể từ lúc nghỉ hưu đến khi qua đời...
Tòa nhà này chứa đựng rất nhiều câu chuyện văn hóa của nước Mỹ. Ngay cả người phụ trách salon tóc của khách sạn này, cũng là một huyền thoại. Nhà tạo mẫu tóc Kenneth từng một thời là người làm đầu cho những ngôi sao danh tiếng nhất nước Mỹ.
Nhưng biểu tượng 121 năm tuổi của nước Mỹ sắp về tay người Trung Quốc. Tập đoàn bảo hiểm Anbang, một cái tên xa lạ từ Trung Quốc đang đặt vấn đề mua lại khách sạn với giá 1,95 tỷ USD. Đây sẽ là mức giá biến Waldorf thành khách sạn đắt giá nhất trong lịch sử New York, và cũng là giá cao nhất mà một nhà đầu tư Trung Quốc từng trả cho một bất động sản tại Mỹ.
Chính phủ Mỹ đang xem xét thương vụ này. Đây không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn là vấn đề an ninh. Vào các cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LIên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ sẽ ở tại khách sạn Waldorf như một truyền thống - ngoài ra chính phủ Mỹ còn thuê trọn hai tầng để làm chỗ nghỉ cho hàng trăm quan chức của họ. Nếu về tay người Trung Quốc, truyền thống này sẽ bị phá bỏ và tổng thống sẽ phải tìm chỗ nghỉ chân khác.
Thông tin khách sạn Waldorf bị bán cho người Trung Quốc đang khiến nhiều người Mỹ trăn trở. Nó không chỉ là một phần hồn của nước Mỹ, mà còn là ví dụ tiêu biểu cho một "làn sóng" người Trung Quốc mua tài sản ở Mỹ. Chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, các đại gia Trung Quốc đã chi đến 22 tỷ USD để mua bất động sản tại Mỹ.