Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc ra luật lạ, đưa 50 cầu thủ trẻ vào 'trại lính'

Dư luận Trung Quốc đang bày tỏ sự phẫn nộ với chiến lược nâng cao sự phát triển cho cầu thủ trẻ nước này theo cách hết sức lạ lùng của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc.

Hôm 2/10 được dân mạng Trung Quốc miêu tả như "ngày tàn của bóng đá nước này" sau khi LĐBĐ Trung Quốc triệu tập 55 cầu thủ dưới 25 tuổi đang chơi tại giải đấu cao nhất Chinese Super League và China League One, sau đó tập trung hết vào khu tập huấn được ví như doanh trại quân đội.

Lúc này, các cầu thủ phải tập trung tới tháng 12, như vậy họ sẽ bỏ lỡ 6 vòng đấu cuối của giải Chinese Super League và nhiều gương mặt sẽ vắng mặt ở trận chung kết cúp Quốc gia. Một số nguồn tin cho biết nhóm cầu thủ được đưa vào trại lính sẽ được huấn luyện theo khuôn phép quân đội.

bong da Trung Quoc anh 1
LĐBĐ Trung Quốc liên tục ra luật mới để nâng sự phát triển cho bóng đá trẻ. Ảnh: Getty Images.

Cũng có tin đồn 55 cầu thủ có độ tuổi dưới 25 được triệu tập và đưa tới trại lính sẽ được hợp nhất thành một đội riêng biệt, sau đó tranh tài ở mùa giải tiếp theo. Động thái này để nâng cao chất lượng bóng đá trẻ Trung Quốc, vốn thất bại từ giải U23 châu Á 2018 đến ASIAD 2018.

Một số người còn xem danh sách 55 cầu thủ Trung Quốc được triệu tập vào trại lính như "đội hình hai" của HLV Marcelo Lippi đang dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước này. Không biết cách làm của LĐBĐ Trung Quốc mang đến hiệu quả ra sao, nhưng từ giờ cộng đồng mạng đang phản đối ý tưởng này dữ dội.

Đã vậy, truyền thông Trung Quốc cũng đặt dấu hỏi lớn về cách làm của Liên đoàn. Tờ Beijing Evening News gọi hành động trên thật sự "chưa từng có trong lịch sử". Trong khi đó, Chủ tịch một số đội bóng có cầu thủ bị đưa vào trại lính cũng bày tỏ sự bất bình. 

"Tôi tin cội rễ những vấn đề của bóng đá Trung Quốc vẫn còn nằm ở hệ thống quản lý. Cách duy nhất để bóng đá Trung Quốc phát triển là thay đổi hệ thống quản lý hiện hữu", Chủ tịch Zhou Jinhui của CLB Beijing Guoan chỉ trích kế hoạch của LĐBĐ Trung Quốc kịch liệt.

Thời gian qua, bóng đá Trung Quốc liên tục cải tổ để nâng tầm phát triển bóng đá. Họ đưa ra nhiều điều luật mới áp dụng tại giải quốc nội nhằm tăng cơ hội thi đấu cho cầu thủ U23, thuê cả Guus Hiddink, một trong những chiến lược gia xuất sắc của bóng đá thế giới, dẫn dắt đội tuyển trẻ.

Năm ngoái, truyền thông Anh cho biết Liên đoàn bóng đá Trung Quốc rất nỗ lực đầu tư vào công tác đào tạo bóng đá trẻ. Họ xây dựng nhiều học viện hiện đại với hy vọng sản sinh ra lứa cầu thủ tài năng. Trung Quốc muốn "hóa rồng" trong tương lai, từ đó trở thành siêu cường bóng đá của thế giới.

Dù vậy, nhà báo Bai Guohua của Soccer News vẫn cảm thấy bi quan. Ông cho rằng bóng đá Trung Quốc vẫn còn kém khoảng cách rất xa so với những gã khổng lồ trong châu lục. Trước đây, tuyển Trung Quốc cũng mới chỉ một lần lọt đến vòng chung kết World Cup. Đó là giải đấu diễn ra vào năm 2002. 

'Người giàu cũng khóc' - nghịch lý của bóng đá Trung Quốc

Những nỗ lực đầu tư quyết liệt vào bóng đá để thực hiện giấc mơ giành quyền dự World Cup của bóng đá Trung Quốc vẫn chưa cho thấy tín hiệu tích cực.


Nguyên Trí (Theo AFP)

Bạn có thể quan tâm