Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc quyết tâm loại bỏ 'tiếng Anh kiểu Trung'

Trung Quốc sẽ đưa ra tiêu chuẩn quốc gia về việc sử dụng tiếng Anh trên biển báo công cộng nhằm loại bỏ những bản dịch kém và "tiếng Anh kiểu Trung" để cải thiện hình ảnh.

Chính sách mới có hiệu lực vào ngày 1/12 sẽ thiết lập các hướng dẫn cho các bản dịch tiếng Anh trong 13 lĩnh vực bao gồm vận tải, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và dịch vụ tài chính.

Hướng dẫn cũng sẽ bao gồm các bản dịch tiêu chuẩn cho 3.500 cụm từ thông dụng cho thông tin công cộng, cũng như tên của các món ăn nổi tiếng từ bánh Trung Thu đến đậu phụ, thông cáo báo chí của chính phủ cho hay.

Những bản dịch tiếng Anh lạ lùng, được gọi là "tiếng Anh kiểu Trung", từ lâu đã phổ biến ở Trung Quốc. Thậm chí có những trang web chuyên tìm kiếm và đăng tải những bản dịch được cho là ngớ ngẩn này.

bien tieng Anh o Trung Quoc anh 1
Tấm biển cảnh báo đường trơn trượt bị dịch sai gần một nhà ga ở Bắc Kinh. Ảnh: South China Morning Post.

Nâng cao hình ảnh quốc tế

Theo People's Daily, trong khi nhiều người thấy chúng hài hước, những bản dịch kiểu này "làm hỏng hình ảnh của đất nước", đặt ra những thách thức cho "sự phát triển của một xã hội đa ngôn ngữ" và gây ra các vấn đề xã hội.

Tiêu chuẩn mới được Cơ quan Tiêu chuẩn hóa, Bộ Giáo dục và Tổng cục Quản lý Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch ban hành sẽ chú trọng ngữ pháp và văn phong phù hợp.

Những từ ngữ và cách diễn đạt không thông dụng, phân biệt đối xử, gây tổn thương hay có thể "chứa nội dung làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc hoặc các nước khác" sẽ bị phản đối hoặc bị cấm.

Chính sách cũng cảnh báo về những bản dịch trực tiếp theo từng từ, nguyên nhân tạo ra những văn bản kỳ quặc.

Ông Tian Shihong, giám đốc Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn, cho biết tiêu chuẩn mới là một công cụ quan trọng nhằm nâng cao hình ảnh quốc tế và quyền lực mềm của Trung Quốc.

Các biển báo công cộng bằng tiếng Anh là một cách tốt để khuyến khích du khách, "đặc biệt nếu chúng chính xác", Bernard Spolsky, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Bar-Ilan, Israel, nói với South China Morning Post. Ông cũng nói thêm rằng những bản dịch sai cũng có thể thu hút.

Theo ông Spolsky, kế hoạch cải thiện tiếng Anh cho thấy sự công nhận của Trung Quốc đối với toàn cầu hóa và có thể thúc đẩy phát triển một khung giáo dục quốc gia cho việc giảng dạy tiếng Anh.

"Hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào các dịch giả giỏi, cảnh báo chống lại các bản dịch theo nghĩa đen là một cách khôn ngoan", ông nói.

Nỗ lực nhiều năm

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng khắc phục những biển báo bị dịch sai, đặc biệt sau khi Bắc Kinh giành được quyền đăng cai Thế vận hội 2008.

Một số ví dụ đáng nhớ bao gồm tấm biển cảnh báo đường trơn trượt trên một đường phố lớn của Bắc Kinh với nội dung "Chú ý an toàn; Sự trơn trượt rất xảo trá".

Một số trường hợp còn phản cảm hơn, chẳng hạn như Công viên Các Dân tộc Thiểu số được dịch thành "Công viên Phân biệt chủng tộc".

bien tieng Anh o Trung Quoc anh 2
Biển chỉ đường tới Công viên Các Dân tộc Thiểu số bị dịch thành "Công viên Phân biệt Chủng tộc". Ảnh: South China Morning Post.

Một tháng sau khi giành quyền đăng cai Thế vận hội vào năm 2001, chính quyền thủ đô đã cố gắng giải quyết vấn đề. Một năm sau, Cục Du lịch Bắc Kinh đã đưa ra đường dây nóng để người dân báo cáo về "tiếng Anh tồi", theo China Daily đưa tin.

Năm 2007, Bắc Kinh đã ban hành tiêu chuẩn địa phương cho bản dịch tiếng Anh ở nơi công cộng.

Mọi người phản ứng khá khác nhau trước thông tin về tiêu chuẩn quốc gia mới. Một số vui mừng, số khác tỏ ra tiếc nuối.

Một người dùng Twitter hoan nghênh các tiêu chuẩn mới và cho rằng chúng sẽ "giúp tránh sự hiểu lầm và lạm dụng".

Tuy nhiên, Ray Kwong, cố vấn cao cấp của Viện Mỹ - Trung của Đại học Nam California, lại có một chút buồn bã.

"Những bản dịch kém trên bảng hiệu, thực đơn và những thứ khác đã là một phần trong sự hấp dẫn của Trung Quốc từ khi tôi đến đây lần đầu tiên vào 30 năm trước", ông nói.

Cuộc sống "khó thở" vì quá tải dân số ở Trung Quốc Dân số quá tải tại Trung Quốc khiến cho cuộc sống trở nên vô cùng ngột ngạt

Trung Quốc và Hong Kong là hai trung tâm hàng giả toàn cầu

Đó là khẳng định của cơ quan cảnh sát châu Âu Europol trong bối cảnh cuộc chiến chống hàng giả tinh vi ngày càng trở nên phức tạp.

'Xe buýt khổng lồ' ở Trung Quốc chính thức chết yểu

Dự án Transit Elevated Bus (TEB), xe buýt khổng lồ có thể di chuyển như đang bay trên các phương tiện lưu thông cùng lúc ở bên dưới, đã chính thức phá sản tại Trung Quốc.


Tuyết Mai

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm