Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc phạt hơn 20.000 sao mạng

Những lý do phạt khá đa dạng, từ “lạm dụng sức ảnh hưởng” cho đến “không thúc đẩy giá trị xã hội cốt lõi”, theo SCMP.

Trong năm nay, cơ quan kiểm duyệt Internet của Trung Quốc đã gỡ bỏ hoặc đình chỉ hơn 20.000 tài khoản mạng xã hội của các influencer, bao gồm cả những người sở hữu hàng chục triệu lượt theo dõi được tích lũy trong thời gian dài.

Cuộc đàn áp này là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được sự kiểm soát tuyệt đối với tất cả nội dung trực tuyến.

Siết chặt kiểm soát

Cựu phóng viên điều tra Luo Changping, một trong số những sao mạng có sức ảnh hưởng lớn nhất mạng xã hội xứ tỷ dân, đã bị bắt vì đăng “bình luận xúc phạm” về bộ phim bom tấn gần đây nói về chiến tranh Triều Tiên.

Theo đó, tài khoản hơn 2 triệu người theo dõi của ông đã bị gỡ vào tháng 10.

sao mang Trung Quoc bi trung phat anh 1

Zhu Chenhui (bên trái) và Lin Shanshan bị phạt vì trốn thuế. Ảnh: Weibo.

Ở trường hợp khác, 2 ngôi sao livestream nổi tiếng Zhu Chenhui và Lin Shanshan bị Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân bằng cách thành lập các doanh nghiệp tư nhân ở Thượng Hải, Quảng Tây và Giang Tây.

Theo nền tảng giám sát livestream Huitun, Zhu đứng thứ ba trong bảng xếp hạng người phát trực tiếp của Taobao, một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc.

Với hơn 33 triệu người theo dõi, cô chỉ xếp sau những cái tên hàng đầu là "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ và "nữ hoàng livestream" Vi Á.

Còn Lin đứng ở vị trí thứ 6 với hơn 10 triệu follower.

Mặc dù các hoạt động trên không gian mạng của 2 cô gái chỉ bao gồm bán quần áo và mỹ phẩm cho người hâm mộ, cơ quan quản lý cho biết họ vẫn bị xóa tài khoản.

Theo một tuyên bố do CAC đưa ra, cơ quan này đã yêu cầu các nền tảng Internet phải kiểm soát những người “lạm dụng sức ảnh hưởng trực tuyến và lưu hành thông tin sai lệch”.

“Các tài khoản nổi tiếng không chỉ là công cụ giao tiếp cá nhân, mà còn mang bản chất truyền thông và chức năng vận động xã hội”, CAC cho biết trong tuyên bố.

Do đó, những người có ảnh hưởng hàng đầu, cho dù là cá nhân hay tổ chức, đều phải chịu trách nhiệm tuân thủ luật pháp và “thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị xã hội cốt lõi”.

sao mang Trung Quoc bi trung phat anh 2

"Nữ hoàng livestream" Vi Á chuẩn bị cho buổi phát trực tiếp tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) hồi tháng 5/2019. Ảnh: VCG.

Cơ quan quản lý tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát những người có sức ảnh hưởng lớn, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho mọi nền tảng Internet về cách xử lý các tài khoản “có vấn đề”, như “lan truyền tin đồn thất thiệt”, “khiêu dâm dạng nhẹ” hoặc “quảng cáo thô tục”.

Tháng 9, Weibo đã cấm ít nhất 52 tài khoản của người có ảnh hưởng. Nhiều trong số đó sở hữu hàng triệu người theo dõi như Stock Community và Michael Chen. Hành động này nhằm hưởng ứng chiến dịch mới nhất của Bắc Kinh trong việc xóa bỏ “cách hiểu sai” về chính và kinh tế trên phương tiện truyền thông xã hội.

CAC cũng đã xóa 150.000 nội dung “có hại” được đăng tải trực tuyến, đồng thời trừng phạt hơn 4.000 tài khoản liên quan đến các câu lạc bộ người hâm mộ, theo báo cáo của Xinhua hồi tháng 8.

Cùng tháng, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành các quy định dự thảo cho ngành livestream, trong đó nêu rõ những sản phẩm không được bán trên sóng trực tiếp, bao gồm đồ chơi tình dục, thiết bị theo dõi, báo nước ngoài và thuốc.

Nữ nhân viên Alibaba bị sa thải vì tố cáo sếp cưỡng bức

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã sa thải một nữ nhân viên từng lên tiếng cáo buộc cấp trên lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp cô.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm