Tại cuộc họp báo ngày 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng "phía Trung Quốc bày tỏ sự bất mãn lớn và kiên quyết phản đối" đối với hoạt động diễn ra gần hai rạn san hô ở quần đảo Trường Sa.
Quân đội Mỹ trước đó cho biết các tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ, gồm tàu USS Preble và USS Chung Hoon, đã tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hai thực thể này đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Preble (DDG 88) của Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Trung tá Clay Doss, phát ngôn viên của Hạm đội 7, nói rằng hoạt động "đi lại vô hại" nhằm "thách thức các yêu sách hàng hải phi lý và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế".
Theo Reuters, đây là hoạt động mới nhất nhằm chống lại những gì Washington coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược, nơi hải quân Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á hoạt động.
Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhiều thực thể của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần công kích lẫn nhau về những gì Washington gọi là hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh với việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo và rạn san hô nhân tạo.
Ngày 9/1, sau khi tàu USS McCampbell của Mỹ đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.