Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc phá giá đồng tiền, hàng Việt gặp khó

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tác động theo hướng gây bất lợi cho các mặt hàng của Việt Nam sang thị trường tỷ dân này.

Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc trong ngày 5/8 đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009. Đồng CNY đang ở mức giá thấp nhất trong 11 năm qua. 

Việc "phá giá" đồng tiền của đối tác thương mại chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến các mặt hàng.

Giá hàng Việt đắt lên tương đối

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng phân tích Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Thậm chí có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc.

Khi đồng CNY bị phá giá so với đồng USD, chắc chắn về mặt quan hệ quy đổi sẽ bị ảnh hưởng giữa đồng CNY và VNĐ.

“Xuất khẩu sang Trung Quốc tính quan hệ trên tỷ giá giữa VNĐ và đồng CNY. Khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đương nhiên bị thiệt thòi bởi thực chất là giảm giá hàng hóa trong nước họ. Đây là thách thức không nhỏ với Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Không chỉ với các mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc cũng được nhận định sẽ đối diện nhiều khó khăn. 

Trung Quoc pha gia dong tien,  hang Viet gap kho anh 1
Nông sản Việt vào Trung Quốc đang đắt tương đối khi nước này phá giá đồng tiền.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ rõ đồng CNY liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VNĐ trước đồng USD, tạo ra chênh lệch mất giá lớn giữa đồng CNY so với VNĐ. Vì thế, giá trị của VNĐ so với CNY tăng lên.

Hệ quả là giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với CNY ít hơn so với đồng VNĐ. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Hiện, Ecuador và Ấn Độ đang đứng đầu về xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, chiếm 75% khối lượng nhập khẩu tôm của nước này, trong khi Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau cả Thái Lan, Arghentina và Canada.

Sức mua của Trung Quốc giảm

Việc mất giá của đồng CNY cũng được chỉ ra là một trong các nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chững lại 6 tháng đầu năm 2019.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD).

Trong đó, 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là điện thoại và gạo. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD, đóng góp lớn nhất vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cụ thể giảm 329,3 triệu USD.

Tương tự, với mặt hàng thủy sản, theo VASEP, xuất khẩu sang Trung Quốc quý I giảm 5% trong khi quý II giảm nhẹ 0,3%. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 2,3% đạt 572 triệu USD, trong đó xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất, gần 5%. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, lý do một phần đến từ nhu cầu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế nước này trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Việc đồng CNY yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài, bao gồm hàng Việt, đắt lên tương đối.

Tìm thị trường ngoài Trung Quốc

Theo ông Phạm Tất Thắng, trước tình hình chiến tranh thương mại Trung - Mỹ ngày càng leo thang, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, làm ăn với thị trường Trung Quốc cần đặc biệt lưu ý. Thay vì buôn bán sang thị trường này phần lớn theo đường tiểu ngạch, thanh toán bằng đồng CNY và VNĐ, về dài lâu cần giảm xuất khẩu tiểu ngạch, thúc đẩy xuất khẩu theo con đường chính ngạch.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin hiện nay, hơn 70% trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ NN&PTNT đã có có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Mặt hàng đang được thúc đẩy khá thích cực là sầu riêng. Bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu năm 2019, hy vọng đến năm 2020, sầu riêng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sau sầu riêng, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc là dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ…

Trung Quoc pha gia dong tien,  hang Viet gap kho anh 2
Vải thiều Lục Ngạn đã tiếp cận được các thị trường khó tính. 

Điều quan trọng hơn, theo ông Thắng, là cần thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam cũng đã làm được điều này.  Điển hình như mặt hàng thanh long trước đây xuất khẩu sang Trung Quốc là chủ yếu, nay đã mở rộng sang thị trường Mỹ, Australia…

Tương tự, các mặt hàng vải thiều Lục Ngạn hay nhãn Hưng Yên đã nỗ lực sản xuất đáp ứng các thị trường khó tính. Trước đây, các mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc thì nay đã xuất đi Mỹ, Nhật, Australia… với mức giá cao gấp 10-20 lần so với giá bán tại thị trường nội địa.

“Muốn chinh phục các thị trường khó tính, về dài lâu cần từ bỏ cách làm ăn manh mún, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo cái thị trường cần chứ không phải bán thứ Việt Nam có sẵn… Khi đã có năng suất, chất lượng tốt, vào được thị trường thì cần xây dựng được các kênh phân phối, ban đầu có thể thông qua kênh phân phối của người Việt Nam sống tại thị trường sở tại,…”, ông Phạm Tất Thắng phân tích.

Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc trong ngày 5/8 đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009. Trong một động thái gần như lập tức, Bộ Tài chính Mỹ trong ngày 5/8 đã thông báo xếp Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ ngay sau khi Trung Quốc hạ giá đồng CNY xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Với Việt Nam, tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của đồng CNY.

Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VNĐ giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.



Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm