Hiện tại, không ít hộ nông dân lỗ nặng, thậm chí phải bỏ chuồng trại đi làm thuê do phía thị trường chính là Trung Quốc ngừng thu mua khiến giá rắn rớt thê thảm.
Theo thống kê của Phòng khuyến nông xã, năm 2015, làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã còn 267 hộ với tổng đàn khoảng 33.000 con. Trước đó, vào thời điểm hoàng kim, làng có tới 430 hộ làm nghề. Tổng doanh thu đạt 40-50 tỷ đồng mỗi năm.
Là người tiên phong trong việc nuôi rắn thương phẩm ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Huyến cho biết, những năm trước, rắn có giá tương đối cao, khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, gần một năm nay, giá liên tục giảm mạnh.
Hiện tại, ở làng nghề Tứ Xã, người dân không còn mặn mà với việc nuôi rắn thương phẩm bởi giá rắn thịt rớt thảm hại, thương lái Trung Quốc ngưng thua mua. Ảnh: Cường Ngô |
Thời điểm này, rắn thương phẩm từ 2 kg trở lên có giá dao động từ 350.000 đồng đến 400.000 đồng/kg, có lúc chỉ còn 200.000 đồng/kg. Giá rớt mạnh, nhưng người dân muốn bán cũng không dễ bởi hiện tại vấn đề đầu ra rất hạn chế.
“Trước đây, ở Tứ Xã, hộ nào cũng nuôi rắn nhưng nay nhiều người không còn mặn mà với nghề nữa. Như gia đình tôi, vụ vừa rồi phải bù lỗ vì ế ẩm, rắn không bán được nhiều. Chuồng trại lâu nay cũng không ngó ngàng tới”, ông Huyến chia sẻ.
Không chỉ có rắn thịt rớt giá, rắn giống và trứng rắn cũng sụt giảm mạnh so với trước.
Ông Dương Xuân Thắng, ở khu 12, xã Tứ Xã cho hay, ông bán rắn giống với giá 400.000 đồng một con, nay chỉ còn 200.000 đồng nhưng vẫn không có người mua. Giá trứng cũng giảm từ 150.000 đồng xuống còn 35.000-40.000 đồng một quả.
“Nhiều người chuyển sang nghề khác hoặc đi làm công nhân chứ còn mấy ai nuôi rắn nữa đâu. Những hộ còn lại cũng chỉ nuôi cầm cự qua ngày. Hơn một tuần nay, tôi chưa cho đàn rắn ăn vì thức ăn cũng khan hiếm”, ông Thắng nói.
Chu kỳ nuôi đối với rắn thịt khoảng 6 tháng sẽ cho xuất bán. Thức ăn của rắn chủ yếu là cóc, gà, vịt con. Tuy nhiên, với giá cóc khoảng 40.000 đồng/kg, để duy trì đàn rắn 300-500 con mỗi tháng, nhiều chủ trại cũng phải bỏ ra trên dưới chục triệu đồng. Không kham nổi, không ít hộ phải thu hẹp quy mô chăn nuôi.
Thức ăn của rắn chủ yếu là cóc, gà, vịt con được dự trữ trong tủ đông lạnh. Ảnh: Cường Ngô. |
Vì giá rẻ, hạch toán chăn nuôi không có lãi, thương lái liên tục ép giá khiến cho các chủ trại rắn đứng ngồi không yên.
Chị Nguyễn Thị Giang, một hộ dân nuôi rắn cho tiếng ở Tứ Xã cho biết, lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm khoảng 90%, số còn lại được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, bà con nuôi rắn phụ thuộc tương đối nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo chị Giang, thời điểm rắn “sốt giá”, người dân có thể bán quanh năm nhưng hiện giờ chỉ xuất bán được theo thời điểm. Tháng 2 đến tháng 3, thương lái Trung Quốc chủ yếu mua trứng rắn, tháng 8 đến tháng 10 bán rắn thịt, còn mùa đông không bán được.
Khi được hỏi về nguyên nhân chính khiến giá rắn giảm mạnh như vậy, ông Nguyễn Quang Trúc, Trưởng làng nghề nuôi rắn Tứ Xã cho biết, trước đây, rắn thịt được thương lái gom mua rất nhiều sang Trung Quốc nên cung không đủ cầu, giá tăng khiến nông dân nuôi ồ ạt. Sau một thời gian, thị trường xuất khẩu rắn bão hòa, cung vượt cầu khiến cho giá rắn giảm mạnh.
“Khi gọi điện mời chào thương lái ở Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn mua, người dân nhận được câu trả lời là thị trường Trung Quốc hiện tại không nhập loại rắn thịt này nữa. Do đó, việc thu mua của các đầu mối trong nước cũng phải tạm ngừng lại”, ông Trúc chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn của người nuôi rắn gặp phải hiện nay, ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết, nhiều lần chính quyền UBND huyện phối hợp với Ban khuyến nông xã họp bàn tìm hướng giải quyết cho làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Lãnh đạo xã Tứ Xã băn khoăn, hiện tại, nông dân làng nghề Tứ Xã vẫn còn phó mặc cho thương lái. Họ không chủ động tìm kiếm mối hàng, chỉ chờ thương lái đến thu mua và xuất bán sang thị trường chính là Trung Quốc.
“Người dân chỉ có nghĩa vụ nuôi rắn, còn giá mua là do thương lái tự đặt ra. Nghĩa là người nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi rắn thương phẩm cũng như đời sống của bà con nhân dân”, ông chia sẻ.