Trung Quốc ngang nhiên tập trận ở Hoàng Sa
Trung Quốc vừa tiến hành một loạt cuộc tập trận tăng khả năng tác chiến ở “Tam Sa” nhưng thực chất là bao gồm nhiều quần đảo tranh chấp trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Đây là động thái gây hấn mới nhất trong một loạt những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam nghiêm trọng trong thời gian qua của Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam dẫn nguồn tin từ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho biết, Trung Quốc đã thực hiện một loạt cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu ở Thẩm Dương (Shenyang), Tế Nam (Jinan) và ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa tin, các cuộc tập trận trên được khởi động từ hôm 2/1, ngay trong những ngày đầu năm mới 2013. Loạt cuộc diễn tập này được Trung Quốc tuyên bố là nhằm để nâng cao tư thế sẵn sàng cũng như tăng cường năng lực chiến đấu của các binh lính.
Các binh lính thuộc Hạm đội Hải Nam Trung Quốc đóng quân trái phép tại đảo Quang Hòa Đông thuộc nhóm đảo Quang Hòa ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã được đánh thức bởi tiếng còi báo động từ một sân bay trên quần đảo Hoàng Sa lúc khoảng 4h30 sáng. Lực lượng này đã nhanh chóng chuẩn bị tư trang và lên tàu chiến vài phút sau đó, tờ báo trên cho hay.
Tờ báo của Trung Quốc còn nói, quần đảo Quang Hòa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một trong những quần đảo chiến lược quan trọng nhất gần cái gọi là “thành phố Tam Sa” nên lực lượng đóng trái phép của họ tại đây được “đào tạo để luôn cảnh giác cao độ trong mọi thời điểm, đặc biệt trong các mùa lễ hội”. Quân đội Trung Quốc trắng trợn tuyên bố, họ đã triển khai thêm binh lính tuần tra ở đây.
Nhóm đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
Ông Ni Lexiong, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách quốc phòng và sức mạnh trên biển thuộc Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, cho biết các cuộc tập trận trái phép trên của Trung Quốc là nhằm để nâng cao khả năng của PLA trong việc đối phó với các cuộc tấn công quân sự bất ngờ có thể xảy ra, đặc biệt là từ quân đội Nhật Bản.
"Tất cả các cuộc tập trận diễn ra ở những thành phố nằm dọc Biển Đông và biển Hoa Đông – nơi các cuộc tranh chấp lãnh hải giữa chúng ta với các nước láng giềng chưa được giải quyết”, ông Ni cho biết. Theo ông này, “trong số các đối thủ, Nhật Bản là nước gây thách thức lớn nhất bởi quân đội nước này nổi tiếng bởi đòn tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng năm 1941".
Hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã khiến không chỉ Việt Nam tức giận mà còn gây bất bình cho nhiều nước có tranh chấp khác ở Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế khi tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam). Việt Nam đã lên tiếng phản đối gay gắt hành động vô lý này. Ngay cả người dân và chuyên gia Trung Quốc cũng phản đối hành động thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của Việt Nam cũng như sự lên án của dư luận quốc tế, những ngày sau đó, Trung Quốc lại ngang nhiên tiến hành những bước đi nhằm dựng lên một chính quyền ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" – nơi đang có khoảng 1.100 cư dân Trung Quốc sinh sống bất hợp pháp ở đây.
Trắng trợn hơn nữa, giới lãnh đạo quân sự trung ương của Trung Quốc còn triển khai các đơn vị quân đội đồn trú ở cái mà nước này gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam bao gồm ít nhất 6.000 binh lính.
Việc ngay trong những ngày đầu năm mới, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành tập trận quân sự ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một hành động gân hấn thêm nữa trong một loạt những động thái đầy hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua. Động thái đó đã đốt nóng thêm căng thẳng ở Biển Đông. Trong khi các nước có tranh chấp ở Biển Đông luôn tìm cách nỗ lực giải quyết các cuộc tranh chấp của mình thông qua con đường ngoại giao, hòa bình thì Trung Quốc liên tục có những động thái hung hăng, hiếu chiến khiến tình hình không thể êm ả.
Trung Quốc đưa tàu chiến mạnh nhất ra Biển Đông
Trong một bước đi chắc chắn khiến cho tình hình ở Biển Đông thêm phức tạp, Trung Quốc đưa tàu chiến mới và mạnh nhất của họ là Liễu Châu loại 054A ra vùng biển này.
Ảnh minh họa. |
Theo tờ China Times của Đài Loan (Trung Quốc), chiến hạm trên, được biên chế vào hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc, trở thành chiếc tàu thứ 6 thuộc kiểu này hiện diện trong khu vực.
Dù tàu chiến loại 054A không phải là thiết kế mới nhưng chiếc Liễu Châu vừa bổ sung cho Hải quân Trung Quốc được trang bị những công nghệ tiên tiến hàng đầu với một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 50 km.
Vì tàu Liễu Châu nằm dưới sự chỉ huy của Hạm đội Nam Hải đóng ở Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, giới phân tích cho rằng nhiệm vụ chính của con tàu đa năng được trang bị vũ khí tinh vi này là nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hôm 27/12, Trung Quốc cũng đưa một tàu tuần tra đại dương lớn có trang bị bãi đáp trực thăng ra Biển Đông.
Bản đồ 1919 của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Chiều 3/1, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho hay vừa nhận được 43 tờ bản đồ cổ và cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919 có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3 cuốn atlas quý
Số atlas và bản đồ quý này do anh Trần Đình Thắng (thường gọi là Trần Thắng), Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ chuyển tặng và vừa về đến Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội (KT - XH) Đà Nẵng sáng 3/1. Tối cùng ngày, TS Trần Đức Anh Sơn đã có cuộc trao đổi về số bản đồ này.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (kích thước 61 x 71cm) do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, trong đó gồm một Index map và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc lúc bấy giờ.
"Đây là cuốn atlas rất quý, vì theo lời giới thiệu in trong đó thì đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Hoa Dân Quốc chính thức xuất bản atlas và chỉ in với số lượng hạn chế", TS Trần Đức Anh Sơn nói.
Ông cho hay, cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ năm 1919 được Trần Thắng phát hiện từ tháng 11/2012 nhưng lúc đó một người chơi đồ cổ ở Ba Lan đang sở hữu nó ra giá đến 9.000 USD mới chịu bán. Do không đủ tiền nên anh vận động một số cơ quan chính thức của Việt Nam bỏ tiền ra mua, nhưng vì lý do nào đó hầu như chưa nơi nào hưởng ứng.
"Sau đó tôi có đề nghị một cán bộ Sở VH - TT - DL Khánh Hoà đang được cấp kinh phí 1,5 tỷ đồng làm đề tài Văn hoá biển đảo Khánh Hoà dùng số tiền đó mua cuốn atlas kể trên. Sau khi ông này báo cáo lãnh đạo Sở VH - TT - DL và tỉnh Khánh Hoà thì được trả lời là không có kinh phí. Mặc dù vậy, Trần Thắng vẫn cố gắng mặc cả với bên bán và nhờ bạn bè quyên góp. Cuối cùng bên bán đồng ý hạ giá còn 5.000 USD và anh đã quyên góp đủ số tiền để mua cuốn atlas này", TS Trần Đức Anh Sơn cho hay.
Trước đó, ngày 23/11/2012, Trần Thắng đã trao tặng Viện Nghiên cứu Phát triển KT - XH Đà Nẵng cuốn atlas Trung Quốc địa đồ xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh do anh mua được từ một nhà sưu tập sách cũ ở Anh. Cuốn atlas này (kích thước 31 x 41cm) do phái bộ The China Inland Mission có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melburn biên soạn và phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh. Atlas này gồm một Index map (bản đồ tổng thể) vẽ toàn bộ lãnh thổ và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc.
"Đây là bản đồ đầu tiên của Trung Quốc được nhà Thanh in theo kiểu Phương Tây, rất là quý, trong đó hoàn toàn không thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc", TS Trần Đức Anh Sơn cho hay.
Cũng trong ngày 23/11/2012, Trần Thắng đã chuyển nhượng cho UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) cuốn atlas "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (kích thước 61 x 71cm), do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933, cũng in bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, gồm một Index map và 29 bản đồ các tỉnh. Chủ sở hữu atlas 1933 là một người thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan có gốc từ Trung Quốc đại lục. Tháng 9/2012, atlas này vừa được chuyển đến New York thì Trần Thắng phát hiện và chỉ sau 2 tuần anh đã mua được với giá 3.000 USD.
"Cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ 1933 cũng tương tự cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ 1919 nhưng đây là lần tái bản và nội dung có một số điều chỉnh cho phù hợp với địa lý hành chính của Trung Quốc lúc bấy giờ, trong đó có có điều chỉnh địa dư từ 46 tỉnh ở thời kỳ trước xuống còn 29 tỉnh, bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ.
Đặc biệt tấm bản đồ số 23 trong atlas này là bản đồ tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam. Vì không thể in đảo Hải Nam nằm trọn trong tờ bản đồ tỉnh Quảng Đông nên người ta đã in riêng bản đồ đảo Hải Nam nằm ở góc trái tờ bản đồ này, và trong đó cũng không có Hoàng Sa và Trường Sa", TS Trần Đức Anh Sơn cho hay.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, điểm rất thú vị của cả 3 cuốn atlas này là phần Index phía bên trong, tức là phần tổng chỉ mục liệt kê hết tất cả các địa danh thuộc Trung Quốc lúc bấy giờ nhưng hoàn toàn không có địa danh nào ghi chữ "Xisha" và "Nansha" (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Các bản đồ in trong 3 cuốn atlas này chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam, không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Các tập atlas này được đặt tên Trung Hoa bưu chính dư đồ vì đây là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh (1644-1912) vạch ra năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kế tục. Các bản đồ trong atlas được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Vì thế, nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì họ không đưa vào atlas.
"Như vậy không những họ không ghi trên bản đồ mà cũng không ghi trong các trang Index ở cuối các tập atlas. Điều đó chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc Trung Quốc. Một điểm đáng chú ý nữa là các bản đồ này được điều chỉnh liên tục, các địa danh hành chính thay đổi thì họ điều chỉnh. Bản đồ in lần đầu năm 1908 có 22 tỉnh, in lần thứ 2 năm 1919 có 46 tỉnh, đến lần in thứ 3 năm 1933 còn 29 tỉnh; Index map ở bên trong cũng được điều chỉnh liên tục. Nghĩa là họ luôn luôn cập nhật chứ không phải bản đồ cũ, nhưng hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là những tài liệu chính thống do hai triều đại nối tiếp nhau của nhà nước Trung Quốc (là nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc) phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc về chủ quyền của họ. Điều này khẳng định những tuyên bố Trung Quốc về việc có "chủ quyền lịch sử" hay "vùng nước lịch sử" đối với Hoàng Sa, Trường Sa là hoàn toàn không có cơ sở", TS Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh.
Theo Vietnamplus, Vnmedia, Infonet