Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc mượn tên công ty Việt tranh mua trà ở Việt Nam

Điều này, đè nặng lên các doanh nghiệp trong nước từ hơn một tháng qua trong khi người Trung Quốc vẫn tranh mua nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội trà Việt Nam, tại Họp thường niên nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV), hôm 16/8, cho biết: “Ngành trà đang xáo động”.

Bán chè rất khó

Việt Nam hiện có khoảng 130.000 ha trà, tập trung ở 34 tỉnh, thành trên cả nước. Với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha đối với trà giống thường và 60 - 90 triệu đồng/ha đối với trà cao sản, ngành không những mang lại giá trị kinh tế lớn mà còn giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 6 triệu lao động trên cả nước. 

Tổng thư ký hiệp hội trà Việt Nam cho biết biến động tỷ giá, ngành không chịu nhiều tác động, nhưng hơn một tháng nay bán chè rất khó, trong khi vẫn phải bảo đảm thu mua nguyên liệu cho dân.

Bà Hồng nói: “Điều này đang đè nặng lên các doanh nghiệp trong nước”.

thuong lai trung quoc tranh mua che viet nam anh 1
Các doanh nghiệp cho biết việc thu mua trà nguyên liệu rất khó khăn do thương lái Trung Quốc tranh mua.

Cũng theo Tổng thư ký Hiệp hội trà Việt Nam, ngày một nhiều công ty tên Việt Nam nhưng do người Trung Quốc đi thu mua nguyên liệu. Nếu doanh nghiệp trong nước mua giá 20.000 đồng/kg, người Trung Quốc mua giá 30.000 đồng/kg. Doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được.

Đến nay, 80% sản lượng trà được xuất khẩu nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Quy định hoàn thuế sau 30 tháng xuất khẩu, với những thủ tục rườm rà, đang gây đọng vốn của doanh nghiệp.

Thêm nữa, việc cấp phép mở thêm nhiều xưởng chế biến đang gây khó khăn cho tiêu thụ. Đến nay, trên cả nước không có thêm vùng nguyên liệu nào.

Doanh nghiệp đang đưa trà Việt Nam tới nhiều thị trường trên thế giới. Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty phát triển công nghệ và thương mại Tân Binh, cho biết công ty của ông đang xuất khẩu sang thị trường Nga.

“Tại thị trường Nga, trà Việt Nam được bán với giá cao hơn trà Trung Quốc”, ông Ái cho biết.

Theo ông, có tình trạng người Trung Quốc phải “mượn” nhãn “trà Việt Nam” đế bán được hàng do người tiêu dùng Nga thích sử dụng các sản phẩm trà của Việt Nam hơn chè Trung Quốc.

Xuất khẩu có xu hướng giảm

Theo các báo cáo của đơn vị thống kế và nghiên cứu ngành nông nghiệp, trà xuất khẩu tháng 7/2018 ước đạt 10.000 tấn với giá trị đạt 18 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm 2018, ước đạt 67.000 tấn, tương đương 109 triệu USD, giảm 12,9% về lượng và 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Các thị trường chính của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 tiếp tục là Pakistan với 29,9 triệu USD, chiếm 32,8%; Đài Loan với 12,6 triệu USD, chiếm 13,8%; Nga với 11,1 triệu USD, chiếm 12,1%; Trung Quốc với 7,2 triệu USD, chiếm 7,9%; Indonesia với 4,4 triệu USD, chiếm 4,8% và Mỹ với 3,8 triệu USD, chiếm 4,1%. 

Điểm nhấn của xuất khẩu trà trong tháng 6/2018 là sự khởi sắc trở lại của thị trường Pakistan, thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Lượng xuất khẩu sang Pakistan tháng 6/2018 tăng tới 62,6% so với tháng 5/2018 và tăng 62.5% so với tháng 6/2017.

Do đó, lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 sang thị trường Pakistan, tăng đến 1.300 tấn (tương đương 10,9%) so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường có mức tăng trưởng mạnh tiếp theo trong 6 tháng đầu năm 2018 là Đài Loan tăng 510 tấn (tương đương 6,7%), Mỹ tăng 429 tấn (tương đương 14,9%), Trung Quốc tăng 412 tấn (tương đương 7,9%) và Malaisia tăng 350 tấn (tương đương 21,0%) so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu đầu năm 2018 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017, là do sự tăng trưởng từ các thị trường trên không đủ bù đắp cho sự suy giảm liên tục tại các thị trường chính khác.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng mạnh tại thị trường mới nổi Philippines. Tổng xuất khẩu trà sang Philippines trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng đến 8,4 lần về lượng và 21,7 lần về giá trị, mặc dù Philippin không nằm trong top 10 thị trường chính của Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 376 tấn và 979.000 USD trong 6 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu sang Nga, thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam – chiếm 13% thị phần, giảm đến 1,23 nghìn tấn (tương đương 14,3%), Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất giảm 1,19 nghìn tấn (tương đương 57,0%) và Indonesia giảm 427 tấn (tương đương  8,7%) so với cùng kỳ năm 2017.

Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.627 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá trà tháng 7/2018 tiếp tục giữ ở mức ổn định 105.000 đồng/kg đối với trà xanh búp khô, 200.000 đồng/kg trà cành chất lượng cao tại thị trường Thái Nguyên; và 9.000 đồng/kg đối với trà nguyên liệu (búp tươi) sản xuất trà xanh loại 1, 6.000 đồng/kg đối với trà nguyên liệu sản xuất trà đen tại thị trường Lâm Đồng.

Giá trong nước được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức ổn định như hiện tại trong các tháng cuối năm 2018, do chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá sẽ biến động mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, ngành cần có biện pháp khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm như hiện nay. Cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm vào các phân khúc như hữu cơ, đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng cho chè.

https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/trung-quoc-tranh-mua-nguyen-lieu-nganh-che-xao-dong-3325496/

Theo Vân Nguyễn/Nhịp cầu đầu tư

Bạn có thể quan tâm