Khi đó, chính quyền Bắc Kinh đã phóng 1.104 quả pháo cao xạ chứa i-ốt bạc lên bầu trời để mưa đổ xuống thành phố trước khi tổ chức lễ khai mạc.
12 năm kể từ sau kỳ Thế vận hội, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng quy mô dự án kiểm soát thời tiết. Quốc gia tỷ dân dự kiến bao phủ mưa và tuyết nhân tạo lên hơn 5,5 triệu km vuông, tương đương 1,5 lần lãnh thổ Ấn Độ và lớn hơn 1 triệu km vuông diện tích khu vực Đông Nam Á.
Một binh sĩ Trung Quốc đang chuẩn bị những "hạt giống mưa". Ảnh: Xinhua. |
Ngày 2/12 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua những biện pháp “phát triển chất lượng chương trình điều chỉnh thời tiết”. Kế hoạch này nhằm hỗ trợ dự báo thiên tai như hạn hán, mưa đá và một số công tác phân vùng trong khu vực sản xuất nông nghiệp.
Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2025 sẽ hoàn tất thiết lập một hệ thống kiểm soát thời tiết tiên tiến. Đây được xem là bước đột phá, làm nền tảng cho công cuộc nghiên cứu và phát triển nhiều công nghệ trọng điểm, giúp phòng chống toàn diện các rủi ro thiên tai.
Theo nội dung thông tư, Trung Quốc sẽ ứng dụng các công nghệ ngăn chặn mưa đá trong một khu vực có diện tích 580.000 km vuông. Chương trình sẽ góp phần phát triển nông nghiệp, cứu trợ thiên tai như cháy rừng vào mỗi đợt khí hậu nóng lên đột ngột.
Công nghệ làm mưa nhân tạo của Trung Quốc rất đơn giản. Các nhà khí tượng sẽ xác định đâu là những đám mây ẩm và phân tán một lượng nhỏ hóa chất, thường là bạc iotua có khả năng đóng băng hơi nước. Khi đạt ngưỡng nhiệt độ nhất định, đám mây sẽ chuyển sang dạng nước và tạo thành mưa.
Phương pháp gieo hóa chất lên mây cũng được áp dụng tại Mỹ, nơi khoa học kỹ thuật phát triển vào năm 1946. Tương tự, nhiều nước trên thế giới đã thử nghiệm thành công mưa nhân tạo.
“Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sử dụng quyền lực nhà nước vào lĩnh vực điều chỉnh thời tiết, qua đó giúp quá trình tăng lượng mưa diễn ra nhanh hơn”, tạp chí khoa học Geoforum trích dẫn lời ba nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
Mặt khác, các chuyên gia cảnh cáo việc triển khai rộng rãi chương trình điều chỉnh thời tiết có thể gây xung đột quốc tế, khi mà lượng mưa tại các quốc gia láng giềng đều đổ dồn sang Trung Quốc.