"Đó là mục tiêu chính mà chúng ta nên quan tâm", AFP dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun nói với các phóng viên sau cuộc họp kín kéo dài hai giờ của Hội đồng Bảo an.
Ông cho biết đặc phái viên mới của Liên Hợp Quốc về Myanmar Noeleen Heyzer đã yêu cầu chính quyền ở nước này cho phép đến thăm.
"Chúng ta cần cho bà ấy thêm thời gian. Bà ấy đang nói chuyện với tất cả bên liên quan. Bà ấy cũng đã yêu cầu đến thăm", ông Zhang nói.
Quân đội Myanmar trước một cuộc biểu tình của người dân năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Phó đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc James Kariuki cũng cho biết đặc phái viên bày tỏ mong muốn trong cuộc họp hội đồng rằng bà sẽ sớm đến Myanmar.
"Bà ấy sẽ cố gắng bắt đầu chuyến đi sớm nhưng phải trong điều kiện phù hợp", ông nói.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - gồm 15 nước thành viên - đã kêu gọi chấm dứt giao tranh và yêu cầu quân đội Myanmar kiềm chế tối đa các hành động bạo lực.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo đầy đủ, an toàn và không bị cản trở cho tất cả người có nhu cầu, đồng thời bảo vệ an ninh cho nhân viên cứu trợ, y tế.
Quân đội Myanmar đã giành chính quyền vào ngày 1/2/2021, sau khi lật đổ chính phủ dân sự và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết kể từ cuộc chính biến ở Myanmar, ít nhất 1.500 người đã thiệt mạng.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi các cuộc biểu tình và bạo lực kể từ sau cuộc chính biến.