Trung Quốc lần đầu tiên trừng phạt Triều Tiên
Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China - BOC) đã đóng các tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên và đình chỉ mọi giao dịch tài chính.
Tờ Thời báo Los Angeles nhận định, hành động này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng thất vọng với đồng minh láng giềng. Đây là bước đi đầu tiên có ý nghĩa và được công bố công khai của Trung Quốc theo hướng cùng cộng đồng quốc tế siết chặt trừng phạt chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
Hành động trên của Trung Quốc có thể dẫn tới việc các ngân hàng khác trong khu vực cũng sẽ xem xét lại mối quan hệ với Triều Tiên.
Liệu Trung Quốc có bỏ rơi Triều Tiên?
Trong nhiều năm, Trung Quốc là nhân vật giảng hòa quan trọng khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao. Câu nói quen thuộc của lãnh đạo Trung Quốc là: “Các bên cần đối thoại. Trung Quốc muốn bảo vệ sự hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Quan hệ Trung - Triều lâu nay vẫn rất gắn bó. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Trung có phần thay đổi giọng điệu, thể hiện rõ ràng sự thất vọng của họ đối với Bình Nhưỡng.
Đầu tháng 4, trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra tại Hải Nam, Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Không ai được phép ném khu vực, thậm chí cả thế giới, vào hỗn loạn vì ích kỷ cá nhân”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập không nêu đích danh quốc gia nào nhưng các nhà phân tích cho rằng, đó là lời “đá xéo” đến người láng giềng Triều Tiên.
Theo một số nhà phân tích, rõ ràng, một số người Trung Quốc không còn tin rằng Trung Quốc và Triều Tiên là những đồng minh đoàn kết bền vững. Giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ: “Kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 2, hai bên cấp cao không liên lạc. Mối quan hệ giữa 2 bên khá lạnh”.
Một số nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng – Bắc Kinh không còn như trước kể từ khi ông Kim Jong-il qua đời. Khi Kim Jong-un lên nắm quyền, nhà lãnh đạo trẻ không thể hiện sự tôn trọng với Bắc Kinh, nguồn viện trợ thức ăn và nhiên liệu lớn cho Bình Nhưỡng.
Cheng Xiaohe, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết: “So với ông nội và cha, Trung Quốc ít liên lạc với nhà lãnh đạo trẻ. Khi Kim Jong-un lên nắm quyền, nhà lãnh đạo trẻ thể hiện bộ mặt cứng rắn với Mỹ và Hàn Quốc, và thể hiện luôn bộ mặt đó với cả Trung Quốc”.
Gần đây, một số học giả và nhà báo Trung Quốc công khai thúc giục Chính phủ xem xét lại chính sách đối với Triều Tiên. Cụ thể, hồi tháng 2, tờ Financial Times của Trung Quốc đăng bài có tựa đề Trung Quốc nên bỏ mặc Triều Tiên. Tác giả của bài báo này, Deng Yuwen, khẳng định, Trung Quốc nên hỗ trợ việc thống nhất liên Triều.
Cứng rắn với Triều Tiên là bài toán với Trung Quốc
Trong khi đó, nhiều quan chức Chính phủ muốn Trung Quốc giữ lập trường và quan điểm như trước với Triều Tiên vì lý do: Nếu chế độ của Kim Jong-un sụp đổ, hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn tới biên giới với Trung Quốc, tạo thêm áp lực kinh tế cho Bắc Kinh.
Thêm vào đó, Triều Tiên thống nhất có thể là đồng minh với Washington. Như vậy có nghĩa là đối thủ của Bắc Kinh nằm ngay sát biên giới.
Cùng lúc đó, Trung Quốc còn rất nhiều việc nội bộ cần giải quyết, chẳng hạn như căng thẳng trên Biển Đông. Thêm căng thẳng với Bình Nhưỡng sẽ làm cho Bắc Kinh nhiều việc hơn mà thôi.
Vì vậy, nhiều nhà phân tích nhận định, động thái cứng rắn mới đây của Trung Quốc chỉ có thể là sự thất vọng nhất thời đối với chính quyền Triều Tiên.
đỗ quyên
Theo Infonet