Con người phải có toàn quyền quyết định và có quyền lựa chọn chấp nhận hoặc thoát khỏi tương tác với hệ thống AI, hoặc ngừng hoạt động nó bất cứ lúc nào, theo tài liệu được Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) công bố vào ngày 26/9, South China Morning Post ngày 3/10 đưa tin.
Mục tiêu của bộ hướng dẫn là “đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo luôn nằm trong tầm kiểm soát của con người”.
Bộ hướng dẫn được cho là phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh là kiềm chế ảnh hưởng của Big Tech và trở thành nhà lãnh đạo AI toàn cầu vào năm 2030.
Các hướng dẫn - có tiêu đề “Thông số kỹ thuật đạo đức trí tuệ nhân tạo thế hệ mới” - do một ủy ban quản trị AI thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo.
Vào tháng 6/2019, ủy ban đã xuất bản một bộ nguyên tắc hướng dẫn quản trị AI ngắn hơn và rộng hơn so với các thông số kỹ thuật mới được phát hành.
Tài liệu nêu ra sáu nguyên tắc cơ bản cho các hệ thống AI, bao gồm việc đảm bảo rằng chúng “có thể kiểm soát được và đáng tin cậy”. Các nguyên tắc khác bao gồm cải thiện phúc lợi của con người, thúc đẩy công bằng và công lý, bảo vệ quyền riêng tư và an toàn, và nâng cao trình độ đạo đức.
Triển lãm Đại hội Trí tuệ Thế giới lần thứ năm - một sự kiện trí tuệ nhân tạo lớn ở Trung Quốc - ở Thiên Tân, ngày 20/5. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Việc nhấn mạnh vào việc bảo vệ và trao quyền cho người dùng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thực hiện quyền kiểm soát nhiều hơn đối với lĩnh vực công nghệ của đất nước.
Bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư cá nhân, và quyền chọn không tham gia vào quá trình ra quyết định dựa trên AI đều được đề cập trong tài liệu mới.
Hướng dẫn cũng cấm các sản phẩm và dịch vụ AI tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp và gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, an ninh công cộng hoặc an ninh sản xuất. Tài liệu nêu rõ AI cũng không được làm tổn hại đến lợi ích công cộng.