Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters vào thứ Sáu vừa qua, CEO John Chen của BlackBerry không xem Trung Quốc là một lựa chọn khả thi cho hoạt động của công ty ở thời điểm này.
"Sẽ phải mất thời gian rất lâu để tạo được một chổ đứng (tại Trung Quốc)", John Chen phát biểu với Reuters. "Thậm chí nếu có thời gian và tiền bạc, tôi sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi đầu tư sâu vào những thị trường hiện tại như Ấn Độ, Nam Á, Đông Nam Á", ông giải thích thêm.
Một trở ngại rất lớn khi tiếp cận khách hàng tại thị trường Trung Quốc là vấn đề bảo mật thông tin.
CEO BlackBerry lo ngại việc mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc sẽ phải thỏa thuận với chính phủ về dữ liệu cá nhân của người dùng.
"Tôi không muốn bị lôi kéo vào vấn đề thỏa hiệp chính trị".
Trung Quốc từ trước đến nay đã có tiếng về việc yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu người dùng. Nhiều công ty đã "đầu hàng" chính phủ để đổi lại được phát triển thuận lợi tại thị trường lớn này.
Trong truyền thống của mình, BlackBerry luôn phản đối việc cung cấp dữ liệu người dùng cho các cơ quan chính phủ, họ mã hóa tối đa khiến cho những thông tin này không thể sử dụng bởi bất cứ bên thứ ba nào.
Vào đầu tháng, CEO John Chen cho biết BlackBerry đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và đang bắt đầu nhìn thấy sự tăng trưởng trở lại.
Hãng di động Canada này sẽ bắt đầu đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường smartphone rộng lớn, thay vì chỉ tập trung vào mảng doanh nghiệp và chính phủ như vài năm gần đây.
Tuy nhiên, BlackBerry không có kế hoạch bỏ qua hoàn toàn việc kinh doanh tại Trung Quốc. John Chen khẳng định BlackBerry vẫn có cơ hội khám phá thị trường này.