Kể từ khi mảng vật liệu chip bán dẫn của Huawei trở thành mục tiêu chịu trừng phạt, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành 2 sắc lệnh ngăn chặn quyền truy cập của Huawei với những nguồn cung cấp chip bán dẫn.
Nếu không có gì thay đổi, sau ngày 14/9, Huawei sẽ không còn nhận được bất cứ lô hàng chip bán dẫn nào có mặt công nghệ Mỹ trong đó.
Huawei là một nạn nhân điển hình trong cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Huawei. |
Theo ông Geoff Blaber – Phó chủ tịch công ty nghiên cứu CCS Insight – công nghệ Mỹ đang có mặt ở khắp mọi ngóc ngách trong giới bán dẫn. Huawei gần như không còn con đường nào để tiếp cận những loại chip quan trọng.
Nếu nguồn nguyên liệu sản xuất cạn kiệt, sản lượng thiết bị cầm tay của gã khổng lồ Huawei có khả năng sụt giảm tới 75% vào năm 2021. Ngay cả khi giành được thắng lợi to lớn trong quý II/2020 và trở thành nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới, “ngôi vương” của Huawei cùng có thể nhanh chóng rơi vào tay các đối thủ khác.
Trung Quốc lên kế hoạch đáp trả
Với mục tiêu chống lại các lệnh hạn chế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đang lên kế hoạch khơi dậy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Theo các nguồn tin trong ngành, chính quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị hỗ trợ rộng rãi cho mảng vật liệu bán dẫn thế hệ 3 cho tới năm 2025.
Trong dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, một loạt các biện pháp tăng cường nghiên cứu, giáo dục và tài chính phục vụ ngành bán dẫn sẽ được trình lên giới chức nước này vào đầu tháng 10/2020. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cũng sẽ tập hợp trong tháng 10 để vạch ra chiến lược kinh tế trong nửa thập kỷ tới, bao gồm nỗ lực tăng cường tiêu dùng nội địa và sản xuất công nghệ quan trọng trong nước.
Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài tập trung đầu tư công nghệ nội địa. Ảnh: Nikkei Asian Reviews. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đầu tư khoảng 1.400 tỷ USD trong vòng 5 năm cho các công nghệ mạng không dây và trí tuệ nhân tạo. Vật liệu bán dẫn vốn được coi là nền tảng quan trọng cho mọi tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng này đang có nguy cơ bị chính phủ Mỹ đe dọa, và chính Huawei là một ví dụ điển hình trong cuộc chiến này.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra vật liệu bán dẫn là nền tảng của tất cả các công nghệ tiên tiến, đồng thời không thể phụ thuộc vào nguồn cung của Mỹ. Trước những đòn đánh của chính quyền ông Trump nhắm vào quyền tiếp cận chip bán dẫn, những gì Trung Quốc có thể làm được lúc này là thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển”, Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết.
Trước thông tin về kế hoạch đầu tư của chính phủ, cổ phiếu của một số nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng đáng kể trong phiên giao dịch tại Hong Kong. Hua Hong Semiconductor tăng 5,2% và Shanghai Fudan Microelectronics Group tăng 6,7%. Trên các sàn đại lục, Xiamen Changelight đã tăng 20% trong khi Focus Lightings Tech tăng tới 13%.
Trung Quốc cần thoát khỏi công nghệ Mỹ nếu muốn phát triển
Mỗi năm, Trung Quốc phải nhập khẩu đơn hàng trị giá 300 tỷ USD vật liệu bán dẫn. Kể từ khi chính phủ Mỹ đưa một loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày một căng thẳng. Chính điều này khiến các công ty Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi tìm nguồn linh kiện hay công nghệ sản xuất chip từ nước ngoài thay thế.
Hiện nay, vật liệu bán dẫn thế hệ 3 chủ yếu là các chipset được làm từ silicon carbide và gallium nitride. Chúng có thể hoạt động ở tần số cao, chịu được môi trường công suất và nhiệt độ cao hơn. Công nghệ này đang được áp dụng rộng rãi trong các chip tần số vô tuyến thế hệ thứ 5, radar quân sự hoặc xe điện.
Trung Quốc cần thoát khỏi công nghệ chip bán dẫn của Mỹ nếu không muốn có một "Huawei" thứ 2. Ảnh: Reuters. |
Đây có thể được coi là canh bạc của chính phủ Trung Quốc khi cố gắng đưa các tập đoàn chip nội địa đón đầu công nghệ. Trong khi những công ty hàng đầu thế giới như CREE (Mỹ) hay Sumitomo Electric Industries (Nhật Bản) mới bắt đầu tiến vào lĩnh vực này, nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Sana Optoelectronics, China Electronics Technology Group đã xâm nhập mảng chipset thế hệ 3.
Nếu có được sự giúp sức của chính phủ, các nhà sản xuất chip khác như SMIC, Will Semiconductor hay National Silicon Industry Group cũng có thể được hưởng lợi phần nào.
“Đây sẽ là lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Nhờ nhu cầu và sự đầu tư của chính phủ Trung Quốc, quốc gia này có thể sản sinh ra những gã khổng lồ chip bán dẫn đẳng cấp thế giới”, Alan Zhou, đối tác quản lý của quỹ đầu tư chip An Xin Capital có trụ sở tại Phúc Kiến nhận xét.