Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc hết là thị trường dễ tính của nông sản Việt?

Bộ trưởng Công Thương cho rằng thương chiến Mỹ - Trung và việc Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch là nguyên nhân chính khiến nông thủy sản Việt khó vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc sụt giảm hơn 7%.

Trao đổi bên lề Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng tình hình chung về kinh tế, thương mại của thế giới đang có nhiều chuyển biến phức tạp, đặt ra những thách thức xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam.

Vi sao nong thuy san Viet ‘tac duong’ sang Trung Quoc? anh 1
Nông sản Việt đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Phúc Minh.

Theo Bộ trưởng, bình diện toàn cầu đang có sự thay đổi, cộng với những xung đột thương mại, tác động của chiến tranh thương mại đến tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng đến thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác, trong đó có cả Trung Quốc.

“Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc tồn dư một lượng hàng hóa rất lớn, đồng thời tổng cầu hàng hóa tại thị trường này suy giảm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những ngành hàng, sản phẩm tương đồng của Việt Nam nên sẽ cân nhắc chuyện nhập khẩu.

Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng lợi dụng chiến tranh thương mại thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, mở cửa thị trường này. Điều này trực tiếp gây áp lực lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Vi sao nong thuy san Viet ‘tac duong’ sang Trung Quoc? anh 2
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp Việt còn làm chưa tốt. Ảnh minh họa.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Công Thương khẳng định các doanh nghiệp Việt làm chưa tốt. Cụ thể, tốc độ xuất khẩu chính ngạch nông thủy sản và việc tổ chức lại sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh còn chậm.

Thêm nữa, một lượng lớn nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc theo phương thức tiểu ngạch nay đã bị siết chặt.

Việc Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc, siết chặt hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng khiến tốc độ xuất khẩu khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân “chậm lại đáng kể”.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung nghiên cứu và nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu và giải quyết câu chuyện "được mùa, mất giá" của nông thủy sản Việt.

Bộ trưởng khuyến nghị các doanh nghiệp và hiệp hội có cái nhìn đúng đắn về thị trường Trung Quốc. Đây không phải là thị trường đơn giản, dễ tính để xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu chung về chất lượng sản phẩm, cũng như các hàng rào kỹ thuật mà thị trường đang đòi hỏi.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là nước xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ. Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Nhiều nước đang điều tra việc giả mạo hàng Việt để hưởng thuế ưu đãi

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Giám sát quản lý về Hải quan, cho rằng không loại trừ khả năng hàng hóa một số nước giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất sang các đối tác FTA.



Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm