Giống nho cao cấp Shine Muscat đến từ Nhật Bản với vị ngọt và thơm đặc trưng, được chứng nhận bởi bộ nông nghiệp quốc gia Nhật Bản và có mức giá dao động khoảng 60 USD/cành.
Theo Nikkei Asia, giống nho cao cấp này đã bị đạo nhái tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Thậm chí, 2 quốc gia này còn đánh bại Nhật Bản về sản lượng sản xuất nho Shine Muscat.
Trong khi Nhật Bản chỉ dành 1.200 ha đất để trồng nho Shine Muscat, diện tích trồng loại nho này tại Hàn Quốc là 1.800 ha và tại Trung Quốc là 53.000 ha, hơn gấp 40 lần so với tại Nhật Bản.
Xét theo giá trị, sản lượng xuất khẩu nho Shine Muscat tại Hàn Quốc cao hơn gấp 7 lần so với tại Nhật Bản. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020, xuất khẩu nho tại Hàn Quốc đạt khoảng 7,27 triệu USD, tăng 50% so với một năm trước đó. Trong đó, Shine Muscat chiếm 90% tỷ trọng. Còn tại Nhật Bản, trong cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu nho tạo ra 1,34 triệu USD.
Shine Muscat là giống nho cao cấp có nguồn gốc từ Nhật Bản. Ảnh: 123rf. |
Nhật Bản đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông sản lên 18 tỷ USD vào năm 2025 và 45 tỷ USD vào năm 2030. Song, mức sản lượng xuất khẩu nông sản đạt 8,4 tỷ USD như hiện tại đang cản trở Nhật Bản hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ban đầu của năm 2019 là 9 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Đổi mới Công nghệ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang là điểm xuất khẩu chính của loại nho cao cấp có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào.
Đồng thời, Hiệp hội chỉ ra hơn 30 sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản đối mặt với tình trạng đạo nhái và được nuôi trồng ở nước ngoài, bao gồm dâu tây cao cấp và cam quýt của tỉnh Shizuoka (Nhật Bản).
Nhật Bản đã ban hành bộ luật mới có hiệu lực vào tháng 4, cấm hoàn toàn việc mang các hạt giống và cây con của các giống cây đã được Nhật Bản đăng ký bản quyền ra khỏi lãnh thổ đất nước. Bộ luật này có áp dụng khung phạt tiền và án tù đối với những người vi phạm.
Tuy nhiên, các hành vi phạm tội không vì thế mà giảm đi bởi một khi hạt giống cây con được đem ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, sẽ rất khó để giới chức nước này truy tìm thủ phạm.
Do vậy, nếu Nhật Bản không ban hành bộ luật chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành động đó, tình trạng sản xuất và xuất khẩu giống cây đạo nhái từ các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục rộng mở.