Trong vụ việc mới nhất làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub nói bóng gió rằng Trung Quốc đứng sau cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra trên toàn cầu.
"Về mặt địa chính trị, ai sẽ trở nên mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng toàn cầu này?", ông viết trên Twitter hôm 5/4, theo Guardian. "Ai ở Brazil thông đồng với kế hoạch thống trị thế giới không thể sai được này?"
Trong dòng tweet được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, ông Weintraub thay chữ "r" thành chữ "L" viết hoa - chẳng hạn, "BLazil" thay vì "Brazil" - cách thường dùng để giễu nhại phát âm của người Trung Quốc. Dòng tweet hiện đã bị xóa.
Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub. Ảnh: AFP/Getty. |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil hôm 6/4 đã lên án phát ngôn của ông Weintraub một cách mạnh mẽ.
"Những tuyên bố hoàn toàn vô lý và hèn hạ này, với bản chất phân biệt chủng tộc và mục đích không thể nói ra của họ, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ song phương", sứ quán viết trên Twitter.
Đại sứ Dương Vạn Minh cho hay chính phủ Trung Quốc đã đề nghị Brazil đưa ra lời giải thích chính thức.
Vụ việc diễn ra giữa lúc Brazil, cũng như nhiều nước, đang trông cậy vào trang thiết bị y tế nhập khẩu từ Trung Quốc để ứng phó với dịch bệnh.
Trong một cuộc phỏng vấn trên sóng phát thanh hôm 6/4, ông Weintraub bảo vệ phát ngôn trên Twitter của ông, nói ông không phải là kẻ phân biệt chủng tộc. Ông cũng tiếp tục lên án Trung Quốc vì cách nước này ứng phó với dịch bệnh, cáo buộc các nhà sản xuất Trung Quốc trục lợi lúc khó khăn.
Vị bộ trưởng nói ông sẽ chỉ xin lỗi nếu có thể đổi lấy máy thở từ Trung Quốc cho các bệnh viện đại học ở Brazil, nước đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh tại Mỹ Latin với hơn 11.000 ca nhiễm và gần 500 ca tử vong.
"Nếu họ (Trung Quốc) bán cho chúng ta 1.000 máy thở, tôi sẽ quỳ gối trước sứ quán, xin lỗi và nói tôi là thằng ngốc", ông nói với Radio Bandeirantes.
Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta tuần trước nói nước này đang gặp khó khăn trong việc mua máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu khác từ Trung Quốc, cho biết một số đơn hàng đã bị hủy mà không có lý do.
Vấn đề này đã bùng nổ trở lại trên mạng xã hội hôm 6/4. Hashtag được chia sẻ nhiều nhất trên Twitter ở Brazil là "Ngừng giao thương với Trung Quốc ngay", theo Guardian.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Trung Quốc hiện là người mua chính các mặt hàng nông sản và quặng sắt của đất nước Nam Mỹ.
Ông Weintraub là một trong số các cố vấn của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, cùng với các con trai của nhà lãnh đạo và Ngoại trưởng Ernesto Araujo, thúc đẩy việc xích lại gần hơn với Mỹ và cảnh giác với Trung Quốc, theo Reuters.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Brazil, quan hệ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng, đặc biệt là sau một loạt tweet của con trai tổng thống Brazil, Eduardo Bolsonaro, một nhà lập pháp liên bang.
Hồi tháng 3, ông Eduardo Bolsonaro chỉ trích "sự độc tài" của Trung Quốc trong việc xử lý dịch bệnh, so sánh với việc Liên Xô xử lý thảm họa hạt nhân Chernobyl. Tuần trước, nghị sĩ này cũng sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" trên Twitter, hành động mà Bắc Kinh phản đối.