Trung Quốc gây hấn với cường quốc hạt nhân
Trung Quốc và Ấn Độ một lần nữa lại đang đối đầu quyết liệt với nhau ở khu vực biên giới Himalaya. Tuy nhiên, kỳ lạ là lần này, không ai biết lý do tại sao lại có cuộc đụng độ giữa hai nước lớn hàng đầu thế giới này.
Biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang trở nên nóng bỏng vì cuộc xâm nhập của binh lính Trung Quốc. |
Vào một ngày giữa tháng 4, khoảng 30 binh lính Trung Quốc tự nhiên vượt qua đường biên giới thực tế với Ấn Độ và dựng trại ở khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ khoảng 19 km. Bước đi bất ngờ này diễn ra đúng thời điểm khi quan hệ Trung-Ấn đang diễn ra theo chiều hướng rất tốt đẹp. Cho đến thời điểm này, chính phủ Ấn Độ đang giữ thái độ và lập trường tương đối kiềm chế. Họ đã bị các chính khách đối lập cáo buộc là “yếu đuối, hèn nhát và bất lực” vì đã không trục xuất các binh lính Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ của mình. Mặt khác, Bắc Kinh phủ nhận việc binh lính nước họ đang xâm nhập vào vùng đất của Ấn Độ.
Bắc Kinh và New Delhi vẫn chưa thể nhất trí với nhau về cách thức chia vùng Himalaya giữa hai nước kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất nói trên đã khiến nhiều chuyên gia thực sự lúng túng và bối rối. Mới đây, hồi tháng 3, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ còn kêu gọi thắt chặt quan hệ quân sự song phương và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc tranh chấp ở khu vực biên giới “càng sớm càng tốt”.
Vậy tại sao Trung Quốc lại có hành động khiêu khích, tạo ra một cuộc đối đầu căng thẳng như hiện nay giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân? Lý do có thể là do chính quyền mới của Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh.
Sau khi chính thức lên cầm quyền hồi đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không để lãng phí thời gian trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, dù cho ông là vị quan chức dân sự duy nhất trong 11 thành viên của Uỷ ban Quân sự Trung ương. Ông Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch tái tập trung vào lực lượng vũ trang, nhằm chuẩn bị tư thế sẵn sàng “chiến đấu và giành chiến thắng” cũng như không né tránh bất kỳ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào như cuộc tranh chấp với Nhật Bản.
Tiến sĩ Li Mingjiang - một giáo sư ở trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đã nhận định trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam rằng, cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn “có thể được châm ngòi từ lập trường hung hăng của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia... Những dấu hiệu chính trị nổi bật đó sẽ chỉ khuyến khích quân đội, đặc biệt là các lực lượng ở biên giới, thực hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh chấp địa phương”.
Ông Gideon Rachman ở tờ Thời báo Tài chính cũng cho biết, ít nhất một nhà ngoại giao Ấn Độ đã nhận định, toàn bộ chuyện xảy ra ở biên giới Trung-Ấn hiện nay là do “sự thái quá của một chỉ huy Trung Quốc".
Tuy nhiên, chắc chắn, vụ xâm nhập của binh lính Trung Quốc không thể kéo dài lâu mà không có sự đồng ý của Bắc Kinh. Tờ Thời báo Phố Wall cho rằng, Trung Quốc có thể đang hành động để phản ứng lại một chương trình của Ấn Độ nhằm đẩy mạnh việc xây dựng các con đường gần biên giới thực tế của hai nước, còn được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế. Ông Srikanth Kondapalli - một giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc ở thủ đô New Delhi, nhận định, Bắc Kinh có thể đang tìm cách buộc Ấn Độ phải ngừng các hoạt động ở khu vực biên giới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được cho là sẽ đến thăm Ấn Độ vào tháng 5 này, và vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước chắc chắn sẽ được nêu ra. Tuy nhiên, cả chính phủ ở Bắc Kinh và New Delhi đều không muốn rút lui sớm. Những chỉ trích gay gắt và đầy quyết liệt của phe đối lập Ấn Độ sẽ khiến Thủ tướng Manmohan Singh có ít sự lựa chọn, trong khi Bắc Kinh không muốn tạo ra một tiền lệ cho các cuộc tranh chấp khác ở khu vực biên giới. Vì thế, cuộc khủng hoảng Trung-Ấn sẽ khó mà có thể giải quyết sớm.
Theo VnMedia