Sáng 20/6, tại hội thảo "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" do ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức, các học giả hàng đầu thế giới đều khuyên Trung Quốc hãy từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò”.
Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu là các học giả quốc tế, các học giả người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường ĐH, Viện nghiên cứu của Mỹ, Nga, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Philippines, Hàn Quốc, Ý, Đức, Canada, Đài Loan…
"Hội thảo lần này là sự tiếp nối thành công của hội thảo về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 4/2013. Sự có mặt đông đảo các học giả hàng đầu trong và ngoài nước cho thấy chủ đề này đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; đồng thời kỳ vọng sự đóng góp của các ý kiến tại cuộc hội thảo vào xu thế chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới”, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng ĐH Phạm Văn Đồng chia sẻ.
Các học giả, đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo. |
Đa số các tham luận đều cho rằng, quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Còn Trung Quốc, khi chưa dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa thì họ chẳng có gì ở biển Đông.
Thạc sĩ Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Nhìn lại quá trình lịch sử, Trung Quốc từ chỗ không hề có một yêu sách chủ quyền nào, không hề được chính danh trên trường quốc tế như một quốc gia có chủ quyền tại Hoàng Sa, để rồi sau đó chiếm trọn quần đảo này từ tay Việt Nam, bất chấp công pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đang tăng tốc từ những gì chiếm đoạt được tại Hoàng Sa, cho thấy họ đang cố tình dung vũ lực để 'nuốt' gọn biển Đông mà họ tự vẽ ra bằng bản đồ 'đường lưỡi bò'".
Còn giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng, bài học rút ra từ việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Trung Quốc nhân cơ hội tận dụng các thay đổi trong cán cân chiến lược để đẩy nhanh các yêu sách về lãnh thổ ở biển Đông.
Giáo sư Carthayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông cho rằng, nếu đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án quốc tế thì Trung Quốc đừng mơ đến tham vọng "đường lưỡi bò".
Sau khi đưa ra những chứng cứ, chứng lý chứng minh cho lập luận của mình, Giáo sư Carlyle Thayer nhấn mạnh, tranh chấp hiện nay về quyền và chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Việt Nam cần tranh thủ mạnh mẽ điểm này trong các trao đổi cấp chính phủ với Trung Quốc. Và nếu đưa ra Tòa án quốc tế thì Trung Quốc đừng mơ đến tham vọng 'đường lưỡi bò'", chuyên gia này chia sẻ.
Còn giáo sư Carlyle A Thayer, Học viện Quốc phòng Úc (giữa) cho rằng, bài học rút ra tư việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Trung Quốc nhân cơ hội tận dụng các thay đổi trong cán cân chiến lược để đẩy nhanh các yêu sách về lãnh thổ ở biển Đông. |
PGS.TS Phạm Đăng Phước dẫn chứng thêm: “Rất nhiều tài liệu, chứng cứ pháp lý, lịch sử được lưu giữ đã chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã xác lập chủ quyền từ khi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn vô chủ và thực sự chiếm hữu, quản lý liên tục, hiệu quả hai quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam".
Theo ông Phước, tại cuộc hội thảo này, các đại biểu sẽ được nghe giới thiệu thêm về những tư liệu pháp lý, lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là việc được tận mắt chứng kiến những tư liệu trưng bày tại triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam" tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Liên quan đến Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, PGS.TS Phạm Đăng Phước, nhận định: “Đây là một bước leo thang mới, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông có lợi cho Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.