Theo dữ liệu của Bloomberg, lợi nhuận của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc có thể rơi xuống mức thấp nhất 7 năm do doanh thu bất động sản lao dốc và hàng loạt dự án bị đình trệ.
Trong số 60 công ty bất động sản niêm yết tại Trung Quốc đã công bố lợi nhuận dự báo, 60% dự kiến lỗ trong năm ngoái, chỉ 5% có lãi, 5% ghi nhận lợi nhuận ròng gia tăng. Phần còn lại tin rằng lợi nhuận sẽ lao dốc.
Cuộc khủng hoảng địa ốc đang đè nặng lên ngành công nghiệp. Các tập đoàn bất động sản đang chật vật gượng dậy nhờ những biện pháp giải cứu của chính quyền Bắc Kinh.
"Lợi nhuận của chủ đầu tư bị giáng đòn nặng vì xu hướng suy yếu của ngành và các vụ vỡ nợ", Bloomberg dẫn lời Lui Shui - Giám đốc nghiên cứu của China Index Holdings - nhận định.
Bước sang năm 2023, Bắc Kinh tiếp tục tung thêm một loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc vay vốn của doanh nghiệp bất động sản, giải quyết nguy cơ "đứt gãy dây chuyền vốn" trong lĩnh vực này.
Bắc Kinh có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc vay vốn của doanh nghiệp bất động sản, giải quyết nguy cơ "đứt gãy dây chuyền vốn" trong lĩnh vực này. Ảnh: Bloomberg. |
Giới chức Bắc Kinh cũng cân nhắc hạ lãi suất vay thế chấp nhằm khuyến khích mua nhà và áp trần tỷ lệ hoa hồng cho các công ty môi giới bất động sản.
Các động thái mới được đưa ra sau kế hoạch giải cứu gồm 16 điểm vào cuối năm ngoái. Nhưng Bloomberg nhận định kế hoạch này chưa thể phát huy tác dụng nhanh chóng.
"Các biện pháp mới được đưa ra chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực nợ cho doanh nghiệp bất động sản và cải thiện tính thanh khoản", Bloomberg dẫn lời Shen Meng - Giám đốc Ngân hàng đầu tư Chanson & Co (có trụ sở ở Bắc Kinh - nhận định.
Các biện pháp mới được đưa ra chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực nợ cho doanh nghiệp bất động sản và cải thiện tính thanh khoản
Shen Meng - Giám đốc Ngân hàng đầu tư Chanson & Co
"Nhưng tác động của chúng có thể rất hạn chế. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ các hộ gia đình không còn quan tâm tới việc mua nhà mới", vị chuyên gia nói thêm.
Bloomberg liệt kê các biện pháp hỗ trợ mới được Bắc Kinh công bố hoặc cân nhắc, bao gồm nới lỏng chính sách 3 lằn ranh đỏ, áp trần tỷ lệ hoa hồng môi giới và giải quyết rủi ro đối với "dây chuyền vốn".
Nới lỏng chính sách 3 lằn ranh đỏ
Trung Quốc đang có kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Chính sách 3 lằn ranh đỏ - được công bố vào cuối năm 2020 - khiến cuộc khủng hoảng địa ốc tại đất nước 1,4 tỷ dân càng thêm trầm trọng.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh có thể cho phép một số công ty bất động sản tăng đòn bẩy bằng cách tăng giới hạn vay và giãn thời gian ân hạn.
Giải quyết rủi ro đối với "dây chuyền vốn"
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Nhà ở Trung Quốc Ni Hong cam kết "sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm củng cố niềm tin đối với thị trường bất động sản, tránh rủi ro và đưa ngành công nghiệp vào con đường phát triển vững mạnh".
Ông cũng tuyên bố sẽ hạ tỷ lệ thanh toán trước và lãi suất vay thế chấp cho người chưa sở hữu nhà.
Áp trần tỷ lệ hoa hồng
Giới chức Trung Quốc đang cân nhắc áp trần tỷ lệ hoa hồng trên toàn quốc đối với các công ty môi giới, trong khoảng 2-2,5%.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết mức trần sẽ được điều chỉnh 1-3 năm/lần tùy theo các điều kiện trên thị trường.
Giảm lãi suất vay thế chấp
Bắc Kinh đang cho phép các thành phố gia hạn những biện pháp được đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái. Các biện pháp này cho phép hạ lãi suất đối với những người chưa sở hữu nhà, nếu giá nhà mới giảm liên tiếp 3 tháng.
Hồi sinh quỹ bất động sản nhà ở
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho các quỹ đầu tư tư nhân huy động vốn đối với những dự án phát triển bất động sản nhà ở. Hồi năm 2021, giới chức Trung Quốc lần đầu tạm dừng cho phép hoạt động này.
Hỗ trợ các tập đoàn lớn
Theo nguồn tin của Bloomberg, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán cùng củng cố sức mạnh tài chính của một số doanh nghiệp bất động sản “quan trọng về mặt hệ thống”.
Các biện pháp bao gồm cấp vốn mới, cấp tín dụng, cho phép thành lập những quỹ tín thác đầu tư bất động sản và thúc đẩy hoạt động mua lại.
Cải thiện điều kiện của các doanh nghiệp khỏe mạnh
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ cải thiện điều kiện nợ của các doanh nghiệp bất động sản chất lượng và đáp ứng những nhu cầu tài chính hợp lý của ngành.
Nỗ lực giải cứu của Bắc Kinh đã vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Chỉ số đo lường các công ty bất động sản Trung Quốc cũng Bloomberg vọt tăng 72% từ mức thấp nhất trong tháng 10 năm ngoái.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành một gói giải cứu 16 điểm đối với ngành công nghiệp bất động sản. Thời điểm đó, đây được coi là tín hiệu giải cứu mạnh mẽ nhất của giới chức Trung Quốc.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm gia hạn khoản vay cho doanh nghiệp địa ốc, thúc đẩy doanh số bất động sản thông qua giảm khoản tiền thanh toán trước, cắt giảm lãi suất, thúc đẩy những kênh huy động như phát hành trái phiếu, và đảm bảo việc giao nhà cho khách hàng.
Một trong những thay đổi lớn nhất là cho phép nới lỏng "tạm thời" các hạn chế đối với việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bất động sản.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra một số biện pháp riêng lẻ như cắt giảm lãi suất, thúc giục những nhà băng lớn mở rộng cho vay, và cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua những ngân hàng chính sách nhằm đảm bảo hoàn thành các dự án dở dang.
Bắc Kinh cũng mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân, bao gồm những doanh nghiệp bất động sản, lên 250 tỷ nhân dân tệ. Động thái đó có thể giúp các công ty địa ốc phát hành thêm trái phiếu và giải quyết những khó khăn về thanh khoản.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...