Quần đảo Thái Bình Dương với những bãi biển rợp bóng cọ, vùng nước còn nguyên sơ với các loài cá nhiệt đới có lẽ vẫn thuộc về vùng xa xôi mà bạn chỉ thấy trên Instagram. Nhưng đối với Trung Quốc và Australia, những hòn đảo nhỏ bé này dần trở thành trung tâm của một cuộc cạnh tranh quyền lực mới.
Các quốc gia này cùng chung kiểm soát một khu vực đại dương lớn hơn cả nước Nga, và họ đều từng chịu ách cai trị thuộc địa trong quá khứ. Hiện tại các nước đều độc lập nhưng do nền kinh tế tăng trưởng kém, đây vẫn một trong những khu vực phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài nhiều nhất trên thế giới.
Trong nhiều thập kỷ, Australia vẫn là nước viện trợ cho khu vực này nhiều nhất. Australia là quốc gia giàu nhất ở châu Đại Dương, và gần 206.700 người dân nước này cho rằng tổ tiên của mình thuộc đảo Thái Bình Dương theo một cuộc khảo sát vào năm 2016. Như Thủ tướng Australia Scott Morrison từng nói: "Nơi đây chính là một phần của đất nước tôi".
Nhưng những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một người chơi lớn trong khu vực. Quần đảo Thái Bình Dương là nơi cư trú ít hơn 10 triệu người – ít hơn so với dân số Thụy Điển - cách xa Bắc Kinh hàng ngạn dặm và có tổng GDP khoảng 33,77 triệu USD, ít hơn 1% tổng GDP của Trung Quốc.
Nhưng điều đó đã không ngăn được nguồn vốn từ Bắc Kinh tràn vào quần đảo này, để xây cầu, đường và làm sân bay. Một số nhà phân tích bắt đầu lo ngại tầm ảnh hưởng của Australia ở đây đang bị đe dọa, Michael O'Keefe, một chuyên gia về quan hệ đối ngoại Thái Bình Dương tại Đại học La Trobe của Melbourne nhận định.
Thủ tướng Morrison từ khi lên nắm quyền đã luôn dành sự ưu tiên cho Quần đảo Thái Bình Dương. Khi tuyên bố chi 2 tỷ AUD (1,5 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực này vào tháng 11, ông nói: "Australia không thể buông tay những gì đã có ở Tây Nam Thái Bình Dương”.
Vậy Trung Quốc quan tâm và dốc nhiều tiền đổ vào khu vực này để làm gì?
Quần đảo Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm cạnh tranh quyền lực và sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Australia. Ảnh: CNN. |
Sự hiện diện tích cực của người Trung Quốc
Thực tế, Trung Quốc tiếp cận quần đảo này theo nhiều cách khác biệt. Trong quá khứ, Australia nỗ lực xóa bỏ nền kinh tế gia trưởng ở Quần đảo Thái Bình Dương, tích cực đầu tư vào y tế, giáo dục và quản trị. Mặc dù Australia cùng với 1 số quốc gia khác, tiến hành đầu tư thông qua viện trợ trong khu vực trong nhiều năm, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa khả quan. Một phần là do sự cô lập về mặt địa lý của các hòn đảo, dân số nhỏ của chúng, và đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nền của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với các đảo quốc.
Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, tại các quốc đảo Thái Bình Dương, hơn 20% dân số không thể đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Trên các bài báo năm 2003 và 2010, nhà kinh tế học Helen Hughes cho rằng "viện trợ đã thất bại ở Thái Bình Dương", làm suy yếu khu vực tư nhân, ảnh hưởng đến việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhà kinh tế Matthew Dornan và Jonathan Pryke, Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy, vào năm 2017 cho rằng viện trợ đã nâng cao "mức sống của người dân hơn so với trước khi có viện trợ”.
Trong khi Australia viện trợ thông qua các khoản tài trợ không kèm nghĩa vụ hoàn trả, phần lớn khoản chi của Trung Quốc là dưới dạng các khoản cho vay, theo Viện Lowy.
Nhiều khoản vay của Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 2006 đến 2010, Jonathan Pryke của Viện Lowy cho biết. Đây là thời kỳ "đào vàng" khi Trung Quốc thúc đẩy gia tăng hoạt động tài trợ vốn vay cho các nước trên thế giới, kể cả ở châu Phi. Các khoản vay thường có thời gian ân hạn đến 10 năm, theo Pryke. Nhưng cho đến nay, chưa có những báo cáo về những khoản hoàn trả nào, theo Báo cáo của Viện Lowy.
Đại sứ Mỹ tại Australia, Arthur B. Culvahouse Jr., hồi đầu năm cho rằng các khoản vay của Trung Quốc ở Thái Bình Dương sẽ bị đánh đổi bằng ngoại giao, mang tính chất đòn bẩy chính trị. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhấn mạnh quan điểm này.
Trong số 14 quốc gia trên đảo Thái Bình Dương, có tới sáu quốc gia được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có nguy cơ trả nợ cao, có nghĩa là họ có khả năng vỡ nợ trong các khoản vay của mình và 3 nước có nguy cơ ở mức trung bình.
Nhưng năm ngoái, các nhà nghiên cứu người Úc Rohan Fox và Matthew Dornan đã phát hiện ra rằng trong khi Trung Quốc là nhà cho vay song phương lớn nhất trong khu vực, Tonga là quốc gia duy nhất mà Trung Quốc là chủ nợ chi phối. Còn lại ở một số quốc gia khác, nguồn tài trợ vẫn là đa phương.
Hơn nữa, một bài báo gần đây của nhà cung cấp nghiên cứu độc lập, có trụ sở tại Mỹ, Rhodium Group cũng cho rằng, "Bắc Kinh có thể sử dụng đàm phán các khoản vay để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại của mình”.
Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ như Vanuatu, trong khi khó nhận được hỗ trợ từ các nước khác, nhưng được cứu cánh với khoản vay 80 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng cầu cảng.
Thủ tướng của Papua New Guinea, James Marape cho biết đất nước của ông mở cửa cho các nhà đầu tư từ tất cả quốc gia. "Cho dù họ đến từ (Trung Quốc), Australia, hoặc đâu đó đều không quan trọng và không liên quan đến chúng tôi", ông cho hay.
Lý do Trung Quốc tích cực đầu tư vào Quần đảo Thái Bình Dương?
Đây là câu hỏi tỷ USD! Tại sao Trung Quốc muốn đổ tiền vào các quốc gia bị cô lập, quy mô kinh tế hạn chế, khả năng trả nợ lại thấp? Phải chăng đơn thuần chỉ là sự hỗ trợ nhân đạo?
Người dân Papua New Guinea chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cảng Moresby vào ngày 16/11/2018, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Một biểu ngữ cảm ơn ông Tập đã xây dựng trường học địa phương của họ. Ảnh: CNN. |
"Trung Quốc, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, cởi mở và bền vững, tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ chân chính cho các quốc đảo Thái Bình Dương mà không có bất kỳ sự ràng buộc chính trị nào", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN trong một bình luận bằng fax. Thêm vào đó, nhờ Trung Quốc mà người dân trên các đảo đã cải thiện sinh kế và việc này đã nhận được “nhiều lời ca ngợi”.
Ngoài ra, người phát ngôn còn nói thêm: "Sự giúp đỡ của Trung Quốc tốt hay xấu? Đó là 'bẫy nợ' hay chiếc bánh trên trời rơi xuống? Dù sao thì các đảo quốc và chính người dân của họ sẽ là người hưởng lợi cuối cùng".
Vẫn có những động lực kinh tế cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, đến từ nguồn nguyên liệu thô phong phú nơi đây. Nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương rất giàu tài nguyên như gỗ, khoáng sản và cá. Kể từ năm 2011, Bắc Kinh đã đầu tư nhiều hơn vào Papua New Guinea (PNG) - nơi có vàng, mỏ niken, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và rừng.
James Batley, một chuyên gia châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết các chính sách này có thể hỗ trợ cộng đồng kinh tế Trung Quốc trên các đảo quốc nơi đây. Kể từ năm 2006, các đảo Nam Thái Bình Dương đã có khoảng 80.000 người Trung Quốc.
Quân bài ngoại giao và quân sự
Động cơ ngoại giao cũng khiến Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh vẫn còn những mũi cản. Việc tuyên bố chủ quyền ở Đài Loan vẫn có 16 quốc gia và tòa thánh chính thức công nhận, 6 nước trong số thuộc về khu vực Nam Thái Bình Dương.
Trong lúc đó, Đài Loan, hòn đảo 23,5 triệu dân cũng đầu tư mạnh và giữ mối quan hệ ngoại giao với khu vực Nam Thái Bình Dương, chi tới 215,87 triệu USD từ năm 2011 đến 2017, so với con số 1,21 tỷ USD của Trung Quốc (theo dữ liệu của Viện Lowy).
Tuy nhiên, một trong số đó là Quần đảo Solomon dự định cân nhắc sẽ cắt đứt quan hệ với Đài Loan trong vài tháng tới. Cựu Thủ tướng Gordon Darcy Lilo nước này cho biết việc thay đổi này có thể kết thúc các dòng viện trợ từ Đài Bắc.
Ngoài ra, Trung Quốc muốn quốc đảo Thái Bình Dương đứng về phía mình vì nguyên nhân khác. Mặc dù toàn bộ dân số của 14 quốc đảo Thái Bình Dương chỉ tương đương một thành phố của Trung Quốc, nhưng vẫn có thể mang lại cho Trung Quốc phần quyền biểu quyết tương đương với một đảo quốc khác tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Thêm vào đó, các hòn đảo này có thể phục vụ như là điểm đến cho các căn cứ quân sự trong tương lai. Vào tháng 4 năm 2018, trang Sydney Morning Herald đưa tin Trung Quốc và quan chức đảo quốc Vanuatu đang thảo luận về việc thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trên đảo. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh và Vanuatu đều phủ nhận các báo cáo.
Thực tế, 1 căn cứ quân sự của Trung Quốc được thiết lập sẽ là cái gai trong mắt của Mỹ, bởi họ đã hiện diện ở Nam Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II. Các đồn quân sự Mỹ có mặt trên rải rác trên các đảo trong khu vực này, chẳng hạn như trên đảo Guam và Quần đảo Marshall.
Một báo cáo của Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung năm 2018 cho thấy một căn cứ hoặc cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương sẽ kiềm chế quân đội Mỹ tiếp cận khu vực, và tăng cường ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng của Mỹ, New Zealand và Australia.
Mối bận tâm của Australia
Các căn cứ của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương cũng sẽ gây lo ngại về an ninh cho Australia. Ba trong số năm tuyến thương mại hàng hải chính của Australia đi qua Thái Bình Dương. Sự hiện diện của Trung Quốc và các căn cứ quân sự tiềm ẩn các rủi ro cho nền kinh tế Australia. Trong một cuộc thăm dò của Viện Lowy năm nay, 55% những người được khảo sát cho biết nếu Trung Quốc mở một căn cứ quân sự ở một quốc đảo Thái Bình Dương, đó sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích sống còn của quốc gia này.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị quần đảo đảo Thái Bình Dương Stephen Lyon tin rằng các đảo Thái Bình Dương không muốn bị quân sự hóa. Tuy nhiên, Gounder, nhà nghiên cứu về nghèo đói và tăng trưởng có trụ sở ở Fiji, vẫn cho rằng nếu có một thỏa thuận cùng có lợi, các đảo Nam Thái Bình Dương chưa chắc sẽ nói không quyết liệt với việc xây dựng quân sự của Trung Quốc, hay Australia đi chăng nữa.
Theo báo cáo, khoản đầu tư của Trung Quốc vào Quần đảo Thái Bình Dương vẫn không thấm là gì so với quy mô khủng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 1,2 tỷ USD cho 14 quốc gia Nam Thái Bình Dương từ năm 2011 đến 2017, nhưng riêng năm ngoái, họ đã cam kết viện trợ, đầu tư và cho vay 60 tỷ USD cho châu Phi.
Trong cùng thời gian đó, Úc đã chi tới 6,3 tỷ USD viện trợ ở Nam Thái Bình Dương, và đây là nơi nhận viện trợ từ Australia nhiều nhất.
Kể từ những năm 1950, việc Australia hỗ trợ các quốc gia này đã là một phần của thỏa thuận với Mỹ và New Zealand. Nếu một quốc đảo ở Thái Bình Dương gặp phải khủng hoảng, sẽ có 1 thông lệ bất thành văn rằng Australia, với tư cách như một nước láng giềng thân thiết, sẽ hỗ trợ nước đó.
Và do đó, khi có bất kỳ cuộc xung đột hoặc khủng hoảng nào xảy ra thì sẽ kéo theo sự gia tăng dòng người tị nạn đến Australia và sự triển khai quân đội của nước này. Sau một thời gian bạo lực sắc tộc ở Quần đảo Solomon, Australia đã chi khoảng 1,96 tỷ USD trong vòng 14 năm để giúp ổn định đảo quốc này.
Khi được hỏi liệu Australia có để mắt đến sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói rằng, điều này là cần thiết, vì lợi ích quốc gia của đất nước nhằm thúc đẩy sự ổn định, an ninh và thịnh vượng trong Thái Bình Dương.
Người dân bán trái cây ở làng Tubusereia, Papua New Guinea. Ảnh: CNN. |
Quan điểm của người dân Thái Bình Dương
Trong khi Nauru công khai hợp tác với Đài Loan phần nào cản trở sự bành trướng của Trung Quốc, nhiều quốc gia trên đảo Thái Bình Dương vẫn tận dụng các khoản đầu tư lớn từ Bắc Kinh. Chính trị gia người Fiji Ratu Epeli Nailatikau hồi đầu năm từng phát biểu: "Chúng tôi thực sự rất biết ơn".
Trước đó, dữ liệu viện trợ từ Australia tại Quần đảo Thái Bình Dương có xu hướng giảm trong năm 2013. Nhưng sự tham gia của Trung Quốc như chất xúc tác khiến cho đối tác Australia và New Zealand phải chú ý củng cố sức ảnh hưởng của mình.
O'Keefe của Đại học La Trobe cho biết chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng "tăng cường" tới 1,5 tỷ USD của Thủ tướng Morrison cho Quần đảo Thái Bình Dương là một "lời đáp trả trực tiếp" trước sự bành trướng của Trung Quốc, và nhằm duy trì vị thế chiến lược của Australia trong khu vực.
Người dân Trung Quốc trưng biểu ngữ chào đón Peace Ark, con tàu bệnh viện của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tại Cảng Suva ở Suva, Fiji, tháng 8/2014. |
Người dân quần đảo Cook cho rằng, đến cùng thì Thái Bình Dương vẫn là các quốc gia tự trị, và có những quyết sách đối ngoại riêng của mình. Việc cho rằng các quốc gia bên ngoài đang chủ đích gia tăng ảnh hưởng lên họ đã là một quan điểm “lỗi thời”, chỉ có trong giai đoạn quá khứ thuộc địa. Do đó, người dân cho rằng chính phủ vẫn sẽ mở cửa để đón các dòng vốn chảy vào, và tận dụng chúng để sinh lợi cho đất nước.