Năm 2017, khi Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ khôi phục đối thoại phi chính thức 4 bên sau một thập kỷ không hoạt động, Trung Quốc tự tin rằng động thái này sẽ sớm thất bại.
“Dường như những ý tưởng giật gân chưa bao giờ cạn kiệt”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói về QUAD vào đầu năm 2018, vài tháng sau khi nhóm này mở cuộc gặp làm việc đầu tiên tại Manila.
“Như những mảnh bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương, chúng có thể thu hút chú ý trong thoáng chốc nhưng rồi sẽ tan rã”, ông Vương kết luận.
Các thành viên QUAD đến với nhau vào năm 2017 với thỏa thuận hợp tác để hướng về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và bao trùm". Ảnh: AP. |
QUAD tái khởi sau 10 năm im ắng
Nhưng hơn 4 năm sau, Đối thoại An ninh Bốn bên - hay còn gọi là QUAD (Bộ Tứ) - không những không có dấu hiệu tan rã như dự đoán của Trung Quốc, mà thậm chí còn thêm phần lớn mạnh.
Từ năm 2020, 4 nước QUAD đã tổ chức hai lần diễn tập hải quân với tinh thần thúc đẩy một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Lãnh đạo 4 nước này đã gặp mặt 3 lần kể từ cuối năm 2021, bao gồm một cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng.
Hôm 24/5, 4 nhà lãnh đạo gặp mặt một lần nữa tại Tokyo. Cuộc gặp thượng đỉnh này là một điểm nhấn trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden với cương vị tổng thống.
Điều gì tạo động lực cho sự tái khởi của QUAD?
“Động lực lớn nhất cho sự hồi phục của QUAD là thái độ ngày càng cứng rắn và căng thẳng của Trung Quốc”, Yuki Tatsumi, đồng giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), nói.
Năm 2007, một phiên bản của QUAD do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất không thể được duy trì quá một năm do mâu thuẫn lợi ích và áp lực từ Bắc Kinh. Tháng 1/2008, QUAD sụp đổ khi Australia rút khỏi nhóm để theo đuổi quan hệ thương mại thân thiết hơn với Trung Quốc.
Nhưng trong một thập kỷ qua, các tính toán chiến lược và địa chính trị đã thay đổi rõ rệt. Trung Quốc đã từ bỏ đường lối “náu mình chờ thời” và theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, sẵn sàng phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự.
Lãnh đạo 4 nước thành viên QUAD. Ảnh: Reuters. |
Từ sau năm 2014, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Tàu Trung Quốc cũng thường đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, hay còn gọi là quần đảo Điếu Ngư, đang tranh chấp với Nhật Bản.
Đầu đại dịch, Trung Quốc tung một loạt biện pháp trừng phạt thương mại đối với Australia sau khi nước này kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc Covid-19. Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ cũng leo thang khi binh sĩ hai bên có cuộc đụng độ biên giới chết chóc nhất trong 40 năm qua.
Những căng thẳng ấy đã đẩy Nhật Bản, Australia và Ấn Độ lại gần quỹ đạo của Washington, trong khi chính Mỹ cũng coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trong chính sách đối ngoại dưới thời ông Biden.
“Hành vi của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà còn ở Ấn Độ Dương xuống tới xung quanh khu vực các đảo Thái Bình Dương, đã khiến quan niệm của các nước QUAD đối với Trung Quốc sát lại với nhau”, bà Tatsumi nói.
QUAD không phải NATO của châu Á
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tục cáp buộc QUAD “làm gián đoạn hòa bình và ổn định khu vực”.
Việc xây dựng “những nhóm kín và riêng biệt cũng nguy hiểm không kém chiến lược mở rộng về phía đông của NATO tại châu Âu”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói hồi tháng 3.
Nhưng giới chuyên gia nhận định QUAD không phải NATO.
“QUAD không thể là NATO của châu Á được”, ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về chính trị Trung Quốc thuộc Đại học Baptist Hong Kong, nói. “An ninh khu vực được cấu thành bởi các liên minh song phương do Mỹ lập ra sau Thế chiến II với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Vì thế không có thứ gì như NATO tại Đông Á”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành. Ảnh: AP. |
Và khác với Nhật Bản và Australia, Ấn Độ không phải là đồng minh của Mỹ vì nước này vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết từ sau khi độc lập.
Ngoài ra, QUAD đã có một số thay đổi về cấu trúc. Trong những năm gần đây, nhóm này đã chuyển hướng tập trung từ các vấn đề an ninh sang nhiều lĩnh vực hợp tác khác để giải quyết tốt hơn các nhu cầu của khu vực, theo giới chuyên gia.
Tháng 3/2021, lãnh đạo QUAD cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Á vào cuối năm 2022. QUAD cũng lập ra các nhóm công tác về biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo công nghệ và sự bền vững của chuỗi cung ứng.
Trong chuyến công du châu Á, ông Biden đã vén màn Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), kế hoạch để tăng cường tương tác kinh tế giữa Mỹ và khu vực. Giới chuyên gia cho rằng IPEF có thể tạo đà cho sự hợp tác thân thiết hơn giữa các nước QUAD.
Nhưng QUAD cũng cần phải thể hiện họ có thể thực hiện lời hứa. Nguyên nhân là trong quá khứ, những lần Mỹ cố gắng củng cố quan hệ kinh tế với khu vực như hiệp định CPTPP đã thất bại. Vì thế, Mỹ cần thuyết phục đồng minh và đối tác họ sẽ ở lại kể cả sau nhiệm kỳ của ông Biden.
“QUAD là phương tiện để các thành viên thể hiện tầm nhìn khác đối với khu vực”, Susannah Patton, một nghiên cứu viên thuộc Viện Lowy (Australia), nói. “Trong tương lai, QUAD biến đổi như thế nào sẽ phụ thuộc phần lớn vào hành vi của Trung Quốc”.