Những người giao dịch và đào tiền mã hóa lâu năm đã quá hiểu những làn sóng trấn áp của chính phủ Trung Quốc. Sau mỗi lần, họ đều tin rằng mọi thứ sẽ trở về bình thường.
Tuy vậy, chiến dịch trấn áp tiền mã hóa lần này của chính quyền Trung Quốc có thể để lại những ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài hơn bao giờ hết đến thị trường tiền mã hóa. Đó là nhận định của David Morris, người đứng đầu mảng phân tích của CoinDesk.
Tứ Xuyên, phòng tuyến cuối cùng của thợ đào, bị càn quét vào ngày 18/6. Ảnh: AP news. |
Tấn công vào hoạt động khai thác chỉ là khởi đầu
Các động thái gần đây là bằng chứng cho mức độ quyết liệt trong công cuộc truy quét tiền mã hóa của Trung Quốc. Bằng những quy định mạnh tay, các mỏ đào Bitcoin gần như sẽ phải rời hết khỏi nước này.
Sáng 22/6, một công ty hậu cần xác nhận với CNBC rằng họ đang vận chuyển 3 tấn máy khai thác Bitcoin đến Maryland, Mỹ. Đây là một công ty có trụ sở tại Quảng Châu, chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế và giao hàng tận nơi.
Chính quyền các khu vực Tân Cương, Nội Mông và tỉnh Thanh Hải đã tuyên bố kế hoạch đóng cửa hầu hết mỏ đào Bitcoin. Các quy định mới trong luật cũng đang được đưa ra để ngăn chặn các mỏ khai thác mới mọc lên. Nhiều bang tại Mỹ như Texas, Maryland có thể là điểm đến tiếp theo của các thợ đào Bitcoin.
Người dân Trung Quốc có thể bị cấm mua tiền ảo bằng nhân dân tệ. Ảnh: Getty. |
Ngoài khai thác, Trung Quốc cũng muốn hạn chế giao dịch tiền ảo hết mức có thể. Vào ngày 21/6, cuộc họp diễn ra giữa giới chức ngành tài chính và các ngân hàng cùng công ty tài chính công nghệ hàng đầu, quy định về việc cấm liên quan đến hoạt động trao đổi tiền mã hóa. Sau cuộc họp, ngân hàng trung ương Trung Quốc ra chủ trương cho các ngân hàng quyết liệt hơn nữa trong nỗ lực quét sạch Bitcoin.
Cùng ngày, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hưởng ứng chủ trương đề ra, tuyên bố sẽ khóa tài khoản ngay lập tức nếu phát hiện giao dịch liên quan tới tiền ảo.
Tạo ra ảnh hưởng lâu dài
Điểm đáng chú ý là những nỗ lực trên ảnh hưởng tới từng cá nhân nhiều hơn tổ chức, vì hướng tới các hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ. Ví dụ tiêu biểu là việc sàn giao dịch tiền ảo nổi tiếng BTCC ngừng hoạt động tại Trung Quốc.
Với sự ra đi của những sàn giao dịch lớn trong nước, dòng chảy tiền mã hóa ở Trung Quốc chuyển hướng sang các sàn giao dịch (OTC) nước ngoài như Huobi và OKEx. Thông qua đây, công dân Trung Quốc có thể mua USDT hoặc Bitcoin bằng nhân dân tệ và bắt đầu tham gia các sàn giao dịch chỉ dùng tiền mã hóa như Binance.
Trong tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 21/6, lần đầu tiên OTC được đề cập. Theo Wolfie Zhao của The Block, PBOC gợi ý chấm dứt đặc quyền của các tổ chức ngân hàng này.
Bitcoin trở thành chủ đề cấm trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Mặc dù việc sở hữu tiền mã hóa vẫn chưa bị cấm ở Trung Quốc, các rủi ro mà cá nhân phải đối mặt gia tăng khi hoạt động giao dịch bị xiết chặt, làm giảm mức độ quan tâm dành cho thị trường tiền mã hóa.
Hình phạt không chỉ dừng lại ở khóa tài khoản ngân hàng. Theo SCMP, công dân dính dáng tới hoạt động giao dịch tiền ảo có thể bị đưa vào "danh sách đen" trên hệ thống tín nhiệm xã hội, đồng nghĩa với việc bị hạn chế tiếp cận mọi thứ, từ dịch vụ hàng không cho đến tốc độ mạng.
Thậm chí bàn luận về tiền mã hóa cũng sớm trở thành điều cấm kỵ. Nhiều báo cáo cho thấy các tài khoản tập trung vào tiền mã hóa bị gỡ khỏi mạng xã hội Weibo. Đây có thể được coi là một phần trong nỗ lực làm giảm mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vì mạng xã hội là nơi tốt nhất để thu hút sự chú ý.
Điều này có thể khiến giá trị tiền mã hóa tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Theo báo cáo của Chainalysis vào năm 2020, hơn 30% giao dịch tiền mã hóa toàn cầu được thực hiện ở Đông Á, tập trung chủ yếu là ở Trung Quốc. Mất đi hàng chục phần trăm thị trường trên quy mô toàn cầu có thể ảnh hưởng xấu đến cả những dự án nhỏ nhất.