Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc 'đạp' lên luật quốc tế, ngăn chặn sự thật

Người dân Trung Quốc tiếp xúc với bất kỳ phương tiện truyền thông nào cũng thấy chỉ có một loại thông tin theo định hướng của chính phủ và làm cho họ dễ tin đó là sự thật.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung (khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, nghiên cứu sinh tại ĐH Hong Kong Baptist, Trung Quốc) để hiểu hơn về việc Trung Quốc nhồi nhét và bưng bít thông tin về biển Đông nhằm tạo ra những ảo vọng về chủ quyền ở khu vực này.

Theo quan sát của ông, những thông tin nào được nhồi nhét làm cho người dân Trung Quốc hiểu sai lệch về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông nói chung và sự vô lối của họ trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam?

- Có ba điểm cực kỳ vô lý mà Trung Quốc thường nhồi nhét vào đầu học sinh, sinh viên và người dân nước này về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Về mặt lịch sử: Trung Quốc luôn tuyên truyền họ có chủ quyền đối với vùng biển này từ thời nhà Hán. Chính phủ Trung Quốc luôn muốn tạo cảm giác cho người dân là chủ quyền của họ ở vùng biển này có từ thời xa xưa, cách đây hơn 2.000 năm. Họ dùng “chủ nghĩa dân tộc” để làm mộng mị người dân, che khuất những tham vọng bá quyền vô lý của những chính sách vô lý mà họ đưa ra như “đường lưỡi bò”, hay âm mưu nuốt gọn “chuỗi ngọc trai”.

Về mặt luật pháp: Trung Quốc ra sức tuyên truyền, cổ súy nội dung Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi về biển Đông, tức là bao gồm vùng biển bên trong đường chín đoạn và toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc cố tình đánh vào “khoảng trống thông tin” của người dân để khiến người dân hiểu sai lệch về pháp luật quốc tế.

Về thực địa: Trung Quốc rất vô lý khi vu khống rằng Việt Nam có những hành động sai trái trên biển Đông. Cụ thể liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương 981, họ lập luận trước người dân rằng Trung Quốc trước giờ chưa khai thác nguồn lợi trên vùng biển Đông, trong khi Việt Nam đang khai thác dầu khí và nguồn lợi hải sản ở đây rất nhiều.

- Theo tìm hiểu của chúng tôi, một mặt Trung Quốc tuyên truyền sai lệch, mặt khác họ lại bưng bít thông tin sự thật về biển Đông với người dân Trung Quốc nhằm che chắn toàn bộ hành vi sai trái của mình trên biển Đông. Điều này đang diễn ra cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tôi thấy Trung Quốc “vẽ dư luận” một cách trắng trợn. Phổ biến nhất là truyền bá quan điểm của chính phủ Trung Quốc trên các phương tiện đại chúng, các mạng xã hội như Weibo với thời lượng và mật độ dày đặc. Khi người dân Trung Quốc tiếp xúc với bất kỳ phương tiện truyền thông nào cũng thấy chỉ có một loại thông tin theo định hướng của chính phủ Trung Quốc và làm cho họ dễ tin đó là sự thật.

Bên cạnh đó, chính quyền rất quan tâm và ý thức đến việc kiểm soát, ngăn chặn các thông tin trái chiều trên các mạng xã hội như Weibo hay các công cụ tìm kiếm như Baidu. Việc tìm kiếm, truy cập thông tin về biển Đông từ các website nước ngoài, đặc biệt là trang web của Việt Nam hay báo chí quốc tế là gần như là không thể. Vậy nên người dân chỉ được nhận thông tin “áp đặt có chủ ý”.

Cuối cùng, Trung Quốc sử dụng các lực lượng dư luận trên các diễn đàn trên mạng mà dân mạng bên Trung Quốc gọi là “nhóm 50 xu” để định hướng dư luận vào thông tin sai trái của Trung Quốc. Sử dụng chiêu bài viết blog và lập diễn đàn trực tuyến, “nhóm 50 xu” đang là thành phần đắc dụng cho các cuộc khẩu chiến bênh vực đường lối bá quyền của Trung Quốc, hiện quy tụ rất đông đảo thành viên tham gia.

Vờ là nạn nhân của truyền thông phương Tây

- Các kênh truyền thông quốc tế như AP, CNN, BBC... hoạt động như thế nào ở Trung Quốc? Trung Quốc có cách gì tránh né ảnh hưởng truyền thông quốc tế đến với người dân nước này về sự thật đang diễn ra ở biển Đông?

- Trước giờ chính phủ Trung Quốc vẫn luôn tạo ra cho người dân cảm giác Trung Quốc luôn là nạn nhân của giới truyền thông phương Tây. Đối với họ thì truyền thông quốc tế luôn có tiêu chuẩn kép (double standards), nghĩa là tường thuật sai lệch thiếu khách quan về Trung Quốc và đa số người dân Trung Quốc cho đến nay vẫn tin vào điều này. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là hệ quả tất yếu xuất phát từ vấn đề bưng bít thông tin thông qua chiến lược truyền thông áp đặt có chủ ý mà tôi đã đề cập ở trên.

Tôi có dịp tiếp xúc với người dân Trung Quốc và cả sinh viên Trung Quốc du học chuyên ngành báo chí và truyền thông tại Hong Kong. Giới trí thức Trung Quốc vẫn luôn cho rằng báo chí và truyền thông phương Tây (bất kể là Anh, Pháp hay Mỹ…) có đầy thành kiến đối với Trung Quốc khi tường thuật thông tin về tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với một số quốc gia khác.

Hệ thống kiểm duyệt thông tin và hệ thống tuyên truyền tư tưởng làm việc chặt chẽ song song cùng nhau khiến cho việc người dân Trung Quốc tiếp nhận báo chí phương Tây với tinh thần khách quan, sáng suốt ngày càng trở nên khó khăn. Nói dễ hiểu, trong mắt người dân Trung Quốc thì báo chí hay truyền thông phương Tây là những người xấu, không đáng tin cậy so với “nhóm 50 xu”.

- Thời gian tới, theo ông, Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trên mặt trận truyền thông trong nước lẫn quốc tế về vấn đề biển Đông?

- Theo tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phương thức sử dụng các học giả nước này, học giả và phóng viên phương Tây thân Trung Quốc diễn thuyết hay viết bài có lợi cho lập trường Trung Quốc ở biển Đông. Phương cách này Trung Quốc đã làm từ trước giờ và chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa khi họ càng ngày càng muốn khẳng định mình hơn nữa trong các tranh chấp chủ quyền.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có đầy đủ tiền bạc, nhân lực, quyết tâm chính trị để tiếp tục tố cáo ngược lại Việt Nam hay các quốc gia khác trong khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở các diễn đàn quốc tế và tổ chức quốc tế. Ví dụ mới đây nhất là việc Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Wang Min gửi bản “tuyên bố lập trường” của Bắc Kinh về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon. Trong “tuyên bố lập trường” này, Bắc Kinh vu cáo Việt Nam “xâm phạm chủ quyền” và “tìm cách làm gián đoạn bất hợp pháp” hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981...

Đường Tam Tạng đã từng qua biển Đông?

Ngày 30/5, kênh truyền hình Trung Quốc (phát quốc tế) CCTV4 công chiếu phóng sự “Việt Nam thế nào rồi?”. Có thể nói phóng sự này là một điển hình cụ thể và rõ ràng nhất về chiến lược thâu tóm biển Đông của Trung Quốc - biến cái không có thành có. 

Trung Quốc luôn cho rằng những gì được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian dài tất sẽ thuộc về họ. Biển Đông là một minh chứng rõ nhất. Trung Quốc đưa ra những luận điểm hoàn toàn không đủ sức thuyết phục, tuy nhiên họ vẫn làm và làm với một mật độ dày đặc. 

Trung Quốc cho rằng vào thời kỳ nhà Đường, chính quyền nước này đã quản lý toàn bộ khu vực này. Thậm chí trước đó vào thời nhà Tùy, sứ giả Trung Quốc đã từng qua khu vực này để đến Malaysia làm nhiệm vụ. Ngoài ra, họ còn dựng lên chuyện Đường Tam Tạng cũng đã từng đi qua khu vực này trước khi đến Ấn Độ thỉnh kinh. 

Theo họ, đường tơ lụa trên biển cũng vì thế mà được hình thành, thương gia buôn bán gốm sứ, tơ lụa của Trung Quốc đều đi qua khu vực này trước khi đến Ấn Độ Dương và phía Đông châu Phi. Họ dùng tất cả điều này nhằm chứng minh từ xa xưa người Trung Quốc đã tự do đi lại, tức có nghĩa họ đã có chủ quyền và quyền quản lý tại khu vực này.

Thạc sĩ Nguyễn Tăng Nghị (khoa Quan hệ quốc tế ,ĐH KHXH&NV, Ths Trường ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc)

 

http://plo.vn/thoi-su/trung-quoc-be-cong-su-that-ve-bien-dong-475688.html

Theo Đỗ Thiện/ Pháp Luật TP HCM

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm