Trung Quốc đang 'nắn gân' các nước tranh chấp?
Những gì Trung Quốc đang làm hiện nay chỉ là để thử phản ứng của các nước khác và “đo” khả năng xem nước này có thể dọa dẫm các nước có tranh chấp khác đến mức độ nào.
Đó là phân tích của ông Richard Jacobson, giám đốc chiến dịch của Công ty Chiến lược và Đánh giá Thái Bình Dương, đã đưa ra nhận định như vậy tại một hội thảo ở Makati City do Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài của Philippines tổ chức.
Trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục đưa tàu thuyền vào xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, một nhà chiến lược chuyên phân tích về các nguy cơ mới đây đã đưa ra nhận định, ông hoài nghi về khả năng Trung Quốc sẽ thực sự gây chiến tranh ở vùng biển tranh chấp này.
Công ty Chiến lược và Đánh giá Thái Bình Dương là một công ty chuyên tư vấn về các nguy cơ kinh doanh tập trung vào khu vực Châu Á. Công ty này có văn phòng tại Hồng Kông, Manila, Thượng Hải, Bắc Kinh, Bangkok, Milwaukee và Sydney.
“Tôi nghi ngờ việc Trung Quốc có bất kỳ ý định gây chiến tranh nào trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tìm cách thử vùng nước này theo nhiều cách để xem xem họ có thể dọa dẫm các nước có tranh chấp khác như thế nào”, nhà phân tích Jacobson cho biết.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Đây là lý do khiến Trung Quốc có tham vọng nuốt trọn Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý, theo đó nước này đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Theo nhà phân tích Jacobson, Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng sự bất đồng giữa các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á cho mục đích độc chiếm Biển Đông của nước này. Với tư cách là một khối liên minh khu vực, ASEAN gần đây đã thể hiện sự thiếu hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi năm ngoái ở thủ đô Phnom Penh, khối liên minh khu vực đã lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại hơn 40 năm không thể đưa ra được một thông cáo chung do sự phản đối của nước chủ nhà Campuchia đối với việc đưa vấn đề leo thang căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam vào văn bản này.
Philippines và các nước có tranh chấp khác muốn đưa ASEAN và Liên Hợp Quốc vào quá trình giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phản đối nỗ lực quốc tế hóa các cuộc tranh chấp đó. Bắc Kinh khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp này trên cơ sở song phương. Với tư cách là nước lớn nhất khu vực, Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước nhỏ hơn để dễ bề gây áp lực, giành lợi thế trong những cuộc tranh chấp đó.
Tân Chủ tịch ASEAN – Brunei và tân Tổng thư ký ASEAN – ông Lê Lương Minh đã cam kết sẽ theo đuổi việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc giữa các nước có tranh chấp.
Hồi đầu tuần, Brunei tuyên bố, với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm nay, nước này sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc giữa các nước có tranh chấp ở khu vực biển này. “Brunei xem các cuộc tranh chấp ở Biển Đông là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại với tất cả các nước có liên quan, trong đó có cả Trung Quốc”, một quan chức Bộ Ngoại giao Brunei giấu tên cho biết.
Trong hai năm nay, khu vực Biển Đông luôn trong tình trạng “sóng gió” vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực. Trong những cuộc tranh chấp này, Trung Quốc đang thể hiện một lập trường ngày càng cứng rắn và hiếu chiến hơn. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông có tính rằng buộc giữa các nước ASEAN và Trung Quốc đã rơi vào bế tắc trong nhiều năm nay.
Theo VnMedia