Nhân dân Nhật báo đưa tin Tập đoàn giải trí hàng đầu Trung Quốc - Hoa Nghị Huynh Đệ - bị Tòa án Bắc Kinh cưỡng chế tài sản vì trả nợ không đúng kỳ hạn. Số tiền họ phải thi hành án là hơn 47 triệu USD.
Nhiều năm qua, các tập đoàn, công ty giải trí và nghệ sĩ lớn ở Trung Quốc luôn khẳng định họ hoạt động đúng luật, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà. Các "đại gia" trong ngành nghệ thuật thâu tóm quyền lực, được xem thế lực khó động chạm tại đất nước tỷ dân.
Theo Tân Hoa Xã, việc Hoa Nghị Huynh Đệ bị xử phạt hay Trịnh Sảng trở thành đối tượng điều tra cáo buộc trốn thuế, cho thấy chính quyền Trung Quốc bắt đầu mạnh tay kiểm soát hoạt động, thắt chặt quản lý ngành công nghiệp giải trí.
"Sai phạm nối tiếp sai phạm. Từ thời điểm này, giới chức Trung Quốc sẽ xem mỗi ngày đều là cuộc càn quét lớn đối với ngành kinh doanh nghệ thuật", Thanh niên Nhật báo cho hay.
Từng có những thế lực "che trời"
Trước khi vướng phải bê bối "tày đình", thân bại danh liệt, Phạm Băng Băng là nữ hoàng của showbiz Hoa ngữ. Độ nổi tiếng của cô không thua bất kỳ minh tinh nào tại Trung Quốc, thậm chí tạo được tầm ảnh hưởng lớn ở thị trường quốc tế.
Phạm Băng Băng từng có ba năm liên tiếp vào top 10 diễn viên thù lao cao nhất thế giới và là nghệ sĩ Trung Quốc hiếm hoi lọt vào danh sách này. Tổng tài sản của cô ước tính 440 triệu USD, theo Hồ Nhuận.
Danh tiếng vượt bậc, sở hữu khối tài sản kếch xù cùng các mối quan hệ sâu rộng, trải dài trên nhiều lĩnh vực, giúp Phạm Băng Băng là cái tên bất khả xâm phạm trong giới giải trí.
Theo Tân Hoa Xã, thời điểm bị bắt, cảnh sát Vô Tích phát hiện Phạm Băng Băng "không nộp thuế dù chỉ một xu trong nhiều năm làm nghệ thuật".
Trên QQ, năm 2017, tỷ phú Quách Văn Quý khẳng định "ông lớn" hậu thuẫn cho Phạm Băng Băng là một quan chức lớn.
Chưa kể, sau lưng Phạm Băng Băng còn có người quản lý, cộng sự thân thiết hơn 10 năm - Mục Hiểu Quang. Ông là một trong những nhân vật máu mặt có tiềm năng thao túng showbiz.
Nếu Phạm Băng Băng là cá thể quyền lực, Hoa Nghị Huynh Đệ lại là đế chế của ngành giải trí Hoa ngữ. Đây là là tập đoàn giải trí tư nhân tầm cỡ tại Trung Quốc Đại lục, được thành lập vào năm 1994 bởi hai anh em doanh nhân Vương Trung Quân và Vương Trung Lỗi. Tập đoàn này còn sở hữu chuỗi rạp chiếu phim, công ty sản xuất chương trình truyền hình và hãng thu âm.
Hoa Nghị Huynh Đệ từng là công ty chủ quản của hàng loạt sao hạng A như Châu Tấn, Lý Băng Băng, Angelababy, Phùng Thiệu Phong, Triệu Lệ Dĩnh, Tô Hữu Bằng...
Tập đoàn là đơn vị đứng sau sản xuất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng và ăn khách như Thiên hạ vô tặc, Đường sơn đại địa chấn, Dương gia tướng, Họa bì, Tây du: Hàng ma thiên, Thần thám Địch Nhân Kiệt...
Hoa Nghị Huynh Đệ cũng là tập đoàn giải trí đánh dấu cột mốc mới, mở màn trào lưu thành lập phòng làm việc riêng cho các nghệ sĩ kỳ tài dưới trướng vào năm 2005.
Sự sụp đổ
Năm 2018, Phạm Băng Băng bị xử phạt, phải ở ẩn 2 năm. "Cô Phạm đừng có đóng phim nữa. Hợp đồng anh em, hợp đồng lớn hợp đồng nhỏ song hành", Thôi Vĩnh Nguyên viết. Cùng dòng chia sẻ, nam MC đăng kèm hai bản đồng đóng phim của nữ diễn viên.
Dư luận ngỡ ngàng khi phát hiện người đẹp chơi chiêu hợp đồng âm dương để trốn thuế. Một hợp đồng có giá trị 1,56 triệu USD đóng chính Điện thoại 2. Hợp đồng thứ hai ghi rõ nữ diễn viên sẽ nhận được 7,8 triệu USD.
Chỉ với một lời tố cáo, việc MC Thôi Vĩnh Nguyên có thể hạ bệ Phạm Băng Băng cho thấy ông cũng có nhân vật máu mặt phía sau chống lưng.
Trả lời phỏng vấn của China Daily, nam nghệ sĩ không giấu giếm và thừa nhận chống lưng cho ông là thế lực "ghê gớm" hơn cả phía Phạm Băng Băng.
"Thế lực hậu thuẫn tôi là người cực kỳ cứng rắn, nghiêm khắc. Người đó cứng rắn đến độ các bạn không thể tưởng tượng. Tôi không thể nói cho mọi người, chỉ sợ nói ra sẽ dọa tất cả. Quyền lực của thế lực quá lớn. Tôi chỉ có thể nói bởi vì có thế lực này đứng sau mới có đất nước của chúng ta”, MC Thôi Vĩnh Nguyên hé lộ.
Kết luận cuối cùng từ Tổng cục Thuế quốc gia, Phạm Băng Băng vi phạm luật thuế quan, phải nộp phạt số tiền 130 triệu USD. Mức độ nghiêm trọng từ vụ bê bối còn khiến hơn 8.000 công ty giải trí sụp đổ, hàng trăm nghệ sĩ bị đưa vào danh sách đen của chính phủ Trung Quốc.
Theo Sohu, do kinh doanh thua lỗ, tập đoàn Hoa Nghị Huynh Đệ phải vay nợ rất nhiều. Từ đầu năm 2019 đến nay, hai ông chủ Vương Trung Quân và Vương Trung Lỗi đã đứng ra bảo lãnh để công ty vay số tiền lên đến 468 triệu USD.
Tuy nhiên, vì đầu tư không sinh lãi, giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán giảm mạnh, nhiều cổ đông bỏ chạy do lo ngại tập đoàn sụp đổ, khiến Hoa Nghị Huynh Đệ mất khả năng thanh toán nhiều nợ nần.
Nhà chức trách Trung Quốc buộc phải vào cuộc nhằm đảm bảo lợi ích đầu tư cho đối tác của Hoa Nghị Huynh Đệ. Từ đầu năm 2021, Tòa án Bắc Kinh đã ra lệnh hạn chế quyền chi tiêu xa xỉ với nhiều lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.
Cùng với Hoa Nghị Huynh Đệ, Văn hóa Bắc Kinh cũng là công ty giải trí lâu đời và tạo được tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc. Đơn vị này nhận án phạt "phủ đầu" từ giới chức ngay khi vướng cáo buộc tiếp tay cho Trịnh Sảng thực hiện sai phạm trốn thuế.
Theo Nhật báo Kinh tế Bắc Kinh, Tổng cục Thuế Trung Quốc đã ban lệnh cấm giao dịch chứng khoán, ký kết hợp đồng mới với công ty Văn hóa Bắc Kinh. Đội điều tra cũng được cử đến tổng kiểm tra hoạt động giao dịch kinh tế trong nhiều năm qua của đơn vị này.
Thất bại trong khoản đầu tư vào các dự án văn hóa - giải trí lớn khiến tài chính của Vương Tư Thông bị ảnh hưởng nặng nề. Thiếu gia giàu nhất Trung Quốc buộc phải tuyên bố phá sản và rút vốn khỏi nhiều công ty như LeTV Sports, Prometheus Capital hay Banana Culture.
Có cha là tỷ phú Vương Kiện Lâm, sở hữu tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên với khối gia sản 14,2 tỷ USD, nhưng Vương Tư Thông vẫn bị niêm phong tài sản, tài khoản ngân hàng và hạn chế chi tiêu vì không trả khoản nợ 21 triệu USD.
Chính tỷ phủ Vương Kiện Lâm đầu năm này cũng phải thoái vốn, bán 50 triệu cổ phiếu của tập đoàn AMC Entertainment, chuỗi rạp phim lớn nhất thế giới do Vạn Đạt Đại Liên đầu tư.
Theo Sina, nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ mạnh tay kiểm soát các thương vụ mua bán ở nước ngoài khiến đà phát triển của Vạn Đạt chững lại, nợ xấu tăng. Để giữ ổn định tài chính của công ty mẹ, Vương Kiện Lâm phải bán dần tài sản, bao gồm các dự án công viên giải trí, bất động sản cả trong lẫn ngoài nước.
"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ"
Trên China Times, Lý Kiến Quân trường Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải cho rằng nhiều năm qua, giới chức Trung Quốc đã "mắt nhắm mắt mở" cho qua hàng loạt vụ việc người nổi tiếng hay giới thượng lưu lách luật và trốn thuế.
Câu chuyện khác đi kể từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý hàng rào thuế quan và trốn thuế với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Giới siêu giàu hay ngôi sao hạng A thường bị gán mác "tôn thờ đồng tiền" là đối tượng đầu tiên bị rà soát. Và lời tố cáo của Thôi Vĩnh Nguyên là cái cớ hợp pháp để giới chức thực hiện cuộc đàn áp, "dọn dẹp" tổng lực với ngành kinh doanh giải trí.
Theo Tân Hoa Xã, đòn đánh vào Phạm Băng Băng hay siết thù lao của giới nghệ sĩ là chương mở đầu mang tính răn đe của Chính phủ nhằm đối phó với nạn trốn thuế tại showbiz. Đồng thời đây cũng là lời cảnh cáo ghiêm khắc với toàn xã hội, cần nâng cao tinh thần pháp trị.
Theo Thanh niên Nhật báo, ở Trung Quốc, mức thuế cao nhất áp dụng lên đến 45%. Để tránh mức thuế này, người có thu nhập cao sẽ chuyển thù lao sang các công ty pháp nhân vừa và nhỏ để hưởng mức thuế thấp nhất 6%.
Đó là lý do nhiều ngôi sao hay nhà sản xuất lớn đều di dời và thành công ty ở những địa phương kém phát triển như Vô Tích, Tân Cương, hay khu vực biên giới Trung Quốc để hưởng chính sách miễn giảm thuế. Như Phạm Băng Băng, loạt công ty có trụ sở tại Vô Tích, Sơn Đông dù sinh lãi lớn nhưng mức nộp thuế hàng năm là 0 đồng.
"Tránh thuế ở Trung Quốc không còn là vấn đề không nhỏ. Mọi công ty và người giàu đều tìm cách trốn thuế hợp pháp. Nhưng chính phủ giờ không để cho điều đó xảy ra”, luật sư nổi tiếng Lưu Long Châu cho biết trên Thanh niên Nhật báo.
Theo SCMP, một lực lượng đặc nhiệm được thành lập riêng cho chiến dịch trấn áp tội phạm thương mại và rửa tiền. Chỉ cần có lời tố cáo và bằng chứng rõ ràng, công tác điều tra sẽ được tiến hành, như trường hợp của Trịnh Sảng và công ty Văn hóa Bắc Kinh.
"Ý thức về pháp luật ở ngành giải trí không nghiêm nên tồn tại nhiều vi phạm. Các nghệ sĩ hay công ty giải trí lách luật trốn nộp ngân sách. Phương châm của chính phủ hiện tại phát hiện sai phạm đến đâu xử lý dứt điểm đến đó. Phạt nặng những cá nhân, tập thể biết luật vẫn phạm luật", theo Tân Hoa Xã.
"Năm 2014, Trương Nghệ Mưu bị phạt gần 1,2 triệu USD vì vi phạm chính sách dân số, sinh nhiều hơn một con. Lưu Hiểu Khánh ngồi tù một năm hay Phạm Băng Băng nộp phạt với số tiều 'siêu khủng' và bị cấm vận hoạt động nghệ thuật suốt 3 năm. Giới chức Trung Quốc cần nhiều hơn những bản án như trên để bảo vệ thành trì bảo vệ công lý, loại bỏ hành vi gây ảnh hưởng xấu đến diện mạo ngành giải trí", Tân Hoa Xã nhận định.
Trịnh Sảng bị gọi là nghệ sĩ tệ hại nhất giới giải trí Hoa ngữ
Trịnh Sảng trở thành nhân vật trang bìa của tạp chí Global People nhưng với ý nghĩa tiêu cực. Cô bị gắn tiêu đề: "Minh tinh trốn thuế: Tội và phạt".
Chân Tử Đan tham gia 'John Wick 4'
Sao võ thuật hàng đầu Trung Quốc được mời diễn xuất trong "John Wick 4". Anh có vai diễn đóng cặp với tài tử Keanu Reeves.
Hoa đán 18 tuổi Trung Quốc loay hoay ở showbiz
Văn Kỳ là diễn viên trẻ thực lực của màn ảnh Hoa ngữ. Tuy nhiên, bước sang tuổi 18, cô gặp khó khăn trong việc đổi mới hình ảnh.