Theo South China Morning Post, thời gian qua, hàng loạt công ty nhà nước Trung Quốc vỡ nợ. Điều đáng nói là nhiều chính quyền địa phương là cổ đông lớn tại các công ty này. Do đó, các địa phương này đối mặt nguy cơ không thể trả nợ, bao gồm những khoản tiền khổng lồ vay qua LGFV (công ty tài chính của chính quyền địa phương).
Năm nay, nợ của các địa phương ở Trung Quốc phình to sau khi chính quyền Bắc Kinh nâng thâm hụt ngân sách và quota nợ địa phương để đầu tư vào hạ tầng và ổn định nền kinh tế. LGFV là nền tảng huy động vốn quan trọng của các dự án hạ tầng địa phương.
Theo báo cáo của ngân hàng Pháp Natixis, số dư trái phiếu chưa thanh toán của các LGFV tăng hơn 10% trong quý III. "Điều đó cho thấy chính quyền các địa phương quyết tâm thực hiện các biện pháp tài khóa để kích thích nền kinh tế", Natixis bình luận.
Tác động của đại dịch Covid-19 trong năm nay khiến chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc chi tiêu mạnh để gồng gánh nền kinh tế. Ảnh: EPA-EFE. |
Lấy nợ mới để trả nợ cũ
Moody’s Investors Service đánh giá triển vọng nợ công địa phương và khu vực ở Trung Quốc trong năm 2021 là "tiêu cực", vì nền kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều tại các khu vực khác nhau sau dịch Covid-19.
Nhà phân tích Yubin Fu của Moody’s cho biết việc chính phủ Trung Quốc cắt giảm thuế để đối phó với đại dịch Covid-19 khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn về tài chính. Một số địa phương buộc phải tăng vay nợ thông qua các doanh nghiệp nhà nước và LGFV.
Cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhang Hongli cho biết suốt 10 tháng đầu năm 2020, chính quyền các địa phương "vay nợ mới để trả nợ cũ" trong 60% trường hợp. Đây là dấu hiệu cho thấy phần lớn địa phương không tạo dòng tiền đủ lớn để trang trải các khoản nợ.
Theo thống kê của JPMorgan, trong nửa đầu năm, nợ thông qua LGFV tăng thêm 3.700 tỷ NDT (565,9 tỷ USD), vượt xa mức tăng 3.300 tỷ NDT (504 tỷ USD) của cả năm 2019. Các nhà phân tích cho biết các địa phương Trung Quốc hiếm khi vỡ nợ vì những khoản vay thông qua LGFV, nhưng nguy cơ đang tăng cao vì nguồn thu từ thuế và bán đất sụt giảm.
Theo Fitch Ratings, nợ trái phiếu LGFV đến hạn thanh toán trong năm 2021 cao hơn 21% so với năm 2020. "Việc trái phiếu LGFV đến hạn thanh toán trong năm 2021 có thể dẫn tới một làn sóng vỡ nợ tại các địa phương ở Trung Quốc", hãng nghiên cứu Enodo Economics ở London (Anh) dự báo.
Các địa phương ở Trung Quốc đang nợ đầm đìa. Ảnh: AFP. |
Ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế
Tháng trước, Yongcheng Coal & Power - công ty năng lượng của chính quyền tỉnh Hà Nam - không thể trả nợ trái phiếu. Giới đầu tư lo ngại về nguy cơ các địa phương không thể trả nợ, làm bùng lên đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu.
Hàng trăm giao dịch bán trái phiếu bị hoãn hoặc hủy bỏ do các nhà đầu tư đắn đo về sức khỏe tài chính của các địa phương. "Chúng tôi cho rằng các địa phương ở Trung Quốc sẽ tiếp tục thâm hụt ngân sách trong 2-3 năm tới", Standard & Poors dự báo. "Các vụ vỡ nợ LGFV là khá hiếm, nhưng nhiều khả năng rủi ro vỡ nợ sẽ leo thang", Standard & Poors nhấn mạnh.
Tuần trước, các quan chức tỉnh Liêu Ninh, Quý Châu, Sơn Tây và Thiểm Tây tìm cách trấn an công chúng khi khẳng định đã kiểm soát được nợ, đồng thời cho biết sẽ cải thiện quản lý rủi ro và đảm bảo uy tín trên thị trường vốn. Chính quyền Liêu Ninh yêu cầu các công ty nhà nước thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và công khai minh bạch thông tin tài chính.
Giới phân tích cho rằng một vụ vỡ nợ LGFV sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn so với việc một công ty quốc doanh vỡ nợ. "Các công ty nhà nước phụ thuộc vào khả năng tạo ra lợi nhuận, trong khi LGFV phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương", hãng Guangfa nhận định.
Guangfa cho biết thêm một vụ vỡ nợ trái phiếu có thể gây chấn động toàn bộ một tỉnh. “Khi một kênh tài chính xảy ra vấn đề, các nhà đầu tư sẽ nghi ngờ toàn bộ hệ thống chính quyền của tỉnh đó, từ đó dẫn tới những rủi ro hệ thống trên toàn khu vực”, Guangfa cảnh báo.