Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp Việt tham gia sản xuất lốp bơm hơi bằng cao su dùng cho xe khách và xe tải vì sản phẩm này có nguy cơ bị Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế hoặc chống bán phá giá.
Lốp xe của Việt Nam xuất sang EC tăng gần 6 lần kể từ tháng 5 vì hàng Trung Quốc bị châu Âu áp thuế chống bán phá giá. |
Nguyên nhân là số lượng mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng đột biến thời gian qua, kể từ khi EC quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Cụ thể, mức thuế tuyệt đối mà EC đánh vào một số doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc là từ 52-85 EUR/sản phẩm.
Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, hệ quả của mức thuế này là số lượng xuất khẩu lốp cao su cho xe khách và xe tải từ Trung Quốc sang EU đã giảm mạnh.
Bắt đầu thời điểm bị đánh thuế hồi tháng 5, chỉ sau bốn tháng, số lượng lốp xe từ Trung Quốc xuất sang châu Âu đã giảm gần 3,5 lần. Riêng tính thời điểm từ đầu năm nay, mặt hàng xuất khẩu này của Trung Quốc cũng giảm mạnh gần 10 lần. Từng nắm gần 70% lượng lốp xe nhập vào EC, hiện Trung Quốc chỉ còn giữ khoảng 10% thị phần cung ứng tại đây.
Trong khi đó, số lượng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang EU lại tăng đột biến.
Thời điểm Trung Quốc bắt đầu bị đánh thuế, số lượng lốp xe của Việt Nam xuất sang châu Âu gần 3.000 chiếc. Đến cuối tháng 8, số lượng xuất khẩu đạt gần 19.000 chiếc, tăng 5,5 lần.
Kể từ tháng 5/2018, lốp xe Trung Quốc bị EC áp thuế chống bán phá giá, sản phẩm Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh. |
Đáng chú ý, trước thời điểm tháng 5, số lượng mặt hàng này của các doanh nghiệp Việt Nam xuất đi thị trường châu Âu gần như rất hiếm.
Cục Phòng vệ thương mại đánh giá số lượng lốp xe cao su dùng cho xe khách và xe tải từ Việt Nam xuất đi châu Âu tăng đột biến trùng với thời điểm EC áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với Trung Quốc.
Vì vậy, đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho rằng có nguy cơ EC sẽ tiến hành điều tra lẩn tránh thuế hoặc điều tra chống bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Cục khuyến cáo các doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng này để có biện pháp phù hợp.
Trước đó, nhiều nước được xem là bạn hàng lớn của Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu như Mỹ, Ấn Độ, Canada hay Thái Lan, Malaysia… cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp giá với các mặt hàng Việt.