Ngày 27/5, Phó giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bạc Liêu Châu Ngọc Sinh cho biết đơn vị đã gửi tờ trình đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xin chủ trương nâng cấp tháp Vĩnh Hưng thành Di tích quốc gia đặc biệt.
"Chúng tôi đang xin chủ trương, khi nào được Trung ương đồng ý sẽ lập hồ sơ", ông Sinh nói.
Tháp Vĩnh Hưng tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Việt Tường. |
Tháp Vĩnh Hưng nằm trong khu đất rộng 5 ha tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Đây là một di tích cư trú có niên đại khởi điểm từ khoảng thế kỷ IV sau Công nguyên thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo.
Theo Ban Quản lý Di tích tỉnh Bạc Liêu, tháp Vĩnh Hưng là trung tâm tôn giáo của khu vực này, được xây dựng từ khoảng thế kỷ VII sau Công nguyên. Tháp nằm cách thành phố Bạc Liêu khoảng 20 km, đã được trùng tu, sửa chữa qua những biến động lịch sử ở giai đoạn sau đó (thế kỷ VIII - XIII).
Đầu tượng Shiva niên đại khoảng thế kỷ 12 được trưng bày tại tháp Vĩnh Hưng. Ảnh: Việt Tường. |
Năm 1911, tháp được kiến trúc sư người Pháp Lunet de Lajonquiere phát hiện với tên gọi tháp Trà Long. Năm 1917, nhà khảo cổ học Henri Parmentier đến khảo sát, công bố kết quả trong tập san của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (BEFEO) với tên gọi mới là tháp Lục Hiền.
Giữa năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học - Xã hội tại TP.HCM phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải đã đào một hố thám sát, phát hiện nhiều hiện vật như đầu tượng thần, bàn nghiền, minh văn, Linga - Yoni...
Niên đại di tích tháp được các nhà khoa học xác định từ thế kỷ VII – VIII sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo.
Cánh tay tượng Phật Quan Âm niên đại thế kỷ IX. Ảnh: Việt Tường. |
Với những giá trị của tài liệu, hiện vật tìm thấy qua sưu tầm và khảo sát, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận tháp Vĩnh Hưng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992.
Để phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, trong 2 năm 2002 và 2011, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu khai quật xung quanh tháp Vĩnh Hưng, làm lộ diện chân móng tháp, giải quyết những vết tích chìm trong lòng đất để có những giải pháp trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của di tích.
Kết quả khai quật đã thu được nhiều hiện vật có giá trị độc đáo như tượng nữ thần được tạc theo phòng cách truyền thống, tượng tròn Óc Eo - Phù Nam, bàn tay phải của tượng thần, một số Linga - Yoni, đồ gốm dùng trong sinh hoạt... Trong đó, có bộ sưu tập tượng đồng được các nhà khảo cổ học đánh giá là bộ sưu tập tượng độc đáo, thuộc bảo vật quốc gia. Một số tượng độc bản có giá trị rất cao.
Linga - Yoni niên đại thế kỷ IV-VI. Ảnh: Việt Tường. |
Để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư dự án tôn tạo di tích tháp Vĩnh Hưng.
Hiện, nhà trưng bày và các hạng mục khác đã hoàn thành. Tỉnh Bạc Liêu chính thức công bố các di sản văn hóa Óc Eo được khai quật tại tháp Vĩnh Hưng để phục vụ cho nhu cầu của du khách đến tham quan, tìm hiểu thêm về văn hóa Óc Eo.
Tháp Vĩnh Hưng (chấm đỏ) thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ảnh: Google Maps. |