Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã quá quen với việc ra quyết định mà không cần giải thích lý do ở một doanh nghiệp, đang chịu quá trình "kiểm tra và cân bằng" của hệ thống cũng như sự chất vấn từ những cử tri Cộng hòa vốn là đảng "nhà" của ông.
Khi những người Cộng hòa nổi giận
Một trong những việc đầu tiên Tổng thống Trump làm để giữ lời hứa với cử tri của ông là ký sắc lệnh xây dựng bức tường biên giới với Mexico và, như đúng tuyên bố trước đó, yêu cầu Mexico trả tiền xây tường.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa ban đầu ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên, khi chính quyền ông Trump dọa sẽ đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mexico ở mức 20% để bắt Mexico "hoàn" tiền xây tường, sự phản đối đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Cuối cùng, Nhà Trắng phải tuyên bố lại đây chỉ là một "lựa chọn" đang được cân nhắc.
Ở cấp thấp hơn, các cuộc họp của đảng Cộng hòa tại cấp địa phương đang tràn ngập sự thiếu hài lòng của cử tri đối với tổng thống. Ngày 9/2, tại cuộc họp của các đảng viên Cộng hòa tại thành phố Salt Lake City (bang Utah), hạ nghị sĩ Jason Chaffetz phải giải trình với hội trường 1.000 người chất vấn ông về chuyện quốc hội đang quá "nuông chiều" tổng thống.
Tổng thống Trump trong một buổi tiệc dành cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trừ một số trường hợp, đảng Cộng hòa đang bị cử tri chỉ trích là "nuông chiều" tổng thống. Ảnh: AFP. |
Cách đó 2.700 km, tại thành phố Murfreesboro (bang Tennessee), hạ nghị sĩ Diane Black đối mặt với 100 người biểu tình chất vấn về phương án thay thế Obamacare. Cả Murfreesboro lẫn Salt Lake City đều là những thành phố "nhà" của đảng Cộng hòa.
Một lời hứa khác của tổng thống là dẹp bỏ Obamacare và thay thế bằng một chính sách khác hiệu quả hơn, hay "một thứ tuyệt vời", như cách nói của ông Trump. Tuy nhiên, sau khi tổng thống ký sắc lệnh hạn chế Obamacare, con đường dỡ bỏ đạo luật này cũng như tìm một chính sách thay thế khó khăn hơn nhiều. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa là những người đầu tiên đối mặt vấn đề này.
Sự tuyên chiến từ địa phương
Ba tuần sau khi nhậm chức, chính sách được nhắc đến nhiều nhất của ông Trump là sắc lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo nhập cư vào Mỹ. Sắc lệnh hành pháp này gây ra làn sóng phản đối từ khắp nơi và kéo theo cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền với các bang của Mỹ. Lệnh cấm hiện đã bị đình chỉ trong khi Tổng thống Trump tuyên bố "hẹn gặp lại trước tòa" đối với các bang khởi kiện.
Những vụ kiện liên quan đến lệnh cấm nhập cư không phải là tất cả. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Tổng thống Trump đã trải nghiệm hệ thống "kiểm soát và cân bằng" của Mỹ khi các chính sách ông ban hành bị đưa ra phân xử trước tòa án. Kể từ 20/1 đến nay, Tổng thống Trump và chính quyền mới dính vào ít nhất 55 vụ kiện tụng, trong khi số đơn kiện chính quyền cựu tổng thống Obama trong 2 tuần đầu tiên chỉ là 5.
Trước lệnh cấm nhập cư ít ngày, ông Trump còn ký một sắc lệnh rút ngân sách khỏi những thành phố không tuân thủ luật lệ liên bang về nhập cư. Lệnh này nhằm vào những thành phố vẫn đang cho phép người tị nạn cư ngụ như New York, Chicago và Los Angeles.
Nhiều thành phố đã khởi kiện. Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti căn cứ vào một phán quyết của Tòa Tối cao vào năm 2012 để tự tin rằng Los Angles sẽ thắng kiện tổng thống. Phán quyết năm 2012 cho phép các bang khước từ việc cung cấp bảo hiểm Medicaid cho người nghèo theo luật liên bang mà không bị rút lại các khoản ngân sách họ đang nhận được, từ đó tạo ra một tiền lệ ngăn ngừa chính quyền liên bang sử dụng ngân sách để ép buộc các địa phương.
Một cuộc biểu tình chống lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump. Cuộc chiến chống lại sắc lệnh hành pháp này đang diễn ra trên cả đường phố lẫn tòa án. Ảnh: AFP. |
Người dân nghi ngờ
"Dưới thời của tôi, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico và tất cả các nước sẽ phải kính trọng nước Mỹ hơn trước đó nhiều", đó là cách Tổng thống Trump từng hứa hẹn về vị thế nước Mỹ trên thế giới và chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Obama.
Rất nhiều cử tri có thể đã tin lời hứa này và bỏ phiếu cho ông Trump. Tuy nhiên, đến tuần thứ 3 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, rất nhiều người lại nghi ngại về uy tín của ông Trump trong mắt dư luận trên thế giới.
Quan điểm của người Mỹ về uy tín của Tổng thống Trump và 2 người tiền nhiệm ở nước ngoài. Đồ họa: CNN. |
Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Gallup, chỉ 29% người được hỏi nói rằng họ nghĩ ông Trump được kính trọng ở nước ngoài, 67% nghĩ ngược lại. Ở cuộc khảo sát tương tự dưới thời cựu tổng thống Barack Obama và George W. Bush, số người trả lời tích cực luôn nhiều hơn tiêu cực.