Mức độ nghiêm trọng của việc trục xuất các nhà ngoại giao phụ thuộc vào nguyên nhân của hành động này. Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 định nghĩa các khái niệm quyền miễn trừ ngoại giao và bất khả xâm phạm và có quy định về việc trục xuất các nhân viên trong Đại sứ quán .
Điều 9 của công ước này khẳng định chính phủ có thể trục xuất nhà ngoại giao của một quốc gia vào bất cứ khi nào mà không cần lý do cụ thể. Người bị trục xuất được gọi là "persona non grata" (người không được hoan nghênh).
Hành động đáp trả
Năm 2008, Bộ Ngoại giao Belarus triệu tập Đại sứ Mỹ Jonathan Moore và trao cho ông danh sách 10 nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất. Đây là hành động mang tính đáp trả đối với lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Belarus.
Hầu hết quốc gia đưa ra thời hạn 72 giờ để các nhà ngoại giao bị trục xuất rời nước sở tại. Trong câu chuyện ở Belarus năm 2008, 10 nhà ngoại giao có tên trong danh sách chờ đợi đến những phút cuối cùng để vào lãnh thổ Litva, nước láng giềng của Belarus. Họ đã hy vọng Mỹ và Belarus có động thái nhằm vô hiệu hóa lệnh cấm trục xuất.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol vừa bị trục xuất ngày 4/3. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng diễn ra theo trình tự. Tháng 9/2008, khi nhận được thông báo bị Venezuela trục xuất, cựu Đại sứ Mỹ tại Venezuela Patrick Duddy đang ở Washington. Ông không có đủ 72 giờ để thu xếp đồ đạc. Sau đó vài tuần, vợ ông được phép quay trở lại thủ đô Caracas để gói ghém tư trang của hai vợ chồng.
“Thông báo trục xuất của tôi được đích thân Tổng thống Venezuela Hugo Chávez công bố trên truyền hình”, ông nhớ lại.
Ông Duddy chia sẻ từng bị quan chức Venezuela cảnh báo về những phát ngôn cá nhân. Trước đó, ông đã lên tiếng trước báo giới về việc chính phủ nước sở tại không sẵn sàng hợp tác trong việc chống buôn bán ma túy.
Sau này, vào năm 2009, khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được bình thường hóa, Duddy, hiện là giảng viên thỉnh giảng ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Duke, được tái đề cử cho chức đại sứ tại đất nước mà ông từng được coi là “nhân vật không được hoan nghênh".
Động cơ phi chính trị
Việc các nhà ngoại giao bị trục xuất không phải lúc nào cũng xuất phát từ động cơ chính trị. Nếu một quan chức hưởng quyền miễn trừ ngoại giao bị cáo buộc gây ra tội đặc biệt nghiêm trọng, việc trục xuất thường phụ thuộc vào nước sở tại. Tháng 4/2012, Philippines trục xuất một nhân viên trong Đại sứ quán Panama vì tội hiếp dâm.
Trong khi đó, Mỹ có cách tiếp cận khác trong vấn đề này. Trước tiên họ sẽ yêu cầu nước bạn bỏ một số quyền miễn trừ ngoại giao rồi tiến hành trục xuất nếu yêu cầu này không được chấp thuận.
Đôi khi một quan chức ngoại giao có thể bị trục xuất vì vượt quá quyền hạn của mình. Tháng 2/2012, chính quyền Obama trục xuất Tổng lãnh sự Venezuela ở Miami, bang Florida. Bà này bị cáo buộc tham gia bàn luận các cuộc tấn công mạng trên đất Mỹ hồi còn ở Mexico.
Chính quyền Tổng thống Rafel Correa của Ecuador đã trục xuất Đại sứ Mỹ Heather Hodges vào năm 2011 vì những bình luận của ông về nạn tham nhũng của Ecuador. Trong đó, đại sứ Mỹ đã có những nhận xét tiêu cực về tổng thống nước sở tại.
Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga bị chính quyền Obama trục xuất về nước năm 2016. Ảnh: Sputnik. |
Với trường hợp của ông Duddy, việc trục xuất đơn thuần là cách để chính phủ nước sở tại phản đối các chính sách của nước cử đi. Sau khi nhà ngoại giao của nước mình bị trục xuất, nhiều quốc gia chọn cách “trả đũa” bằng hành động tương tự.
Tháng 11/2009, thủ tướng Fiji tuyên bố một số nhà ngoại giao Australia và New Zealand là “nhân vật không được hoan nghênh”. Chính phủ Australia và New Zealand lập tức "trả đũa".
Việc trục xuất một nhà ngoại giao, nhất là đại sứ, không đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đại sứ quán Mỹ ở Minsk, Belarus, vẫn tiếp tục hoạt động dù chỉ còn 4 nhân viên sau khi nước sở tại trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao của Washington vào năm 2008.