Phát biểu trước hàng trăm phật tử, đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết tối 21/3 là buổi pháp thoại đặc biệt do vừa qua có một số bài báo nói về chùa Ba Vàng. Hàng trăm người ngồi nghe.
Buổi nói chuyện được phát trực tiếp trên trang Facebook và website của chùa, thu hút hàng chục nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất hiện tại chính điện chùa Ba Vàng tối 21/3. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Chùa bị đố kỵ, ngoại đạo bôi nhọ"
Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết vừa qua Báo Lao Động và một số báo có viết bài liên quan đến chùa Ba Vàng, những bài báo này làm cho dư luận rất xôn xao và trở thành "bão mạng". Đặc biệt các tín đồ phật tử rất nhiều người gọi điện, nhắn tin, gọi điện đề nghị trụ trì lên tiếng.
Sư thầy này cho rằng Ba Vàng là ngôi chùa lớn, có tiếng trong tỉnh cũng như trong cả nước. "Không ít đối tượng ganh ghét, đố kỵ, rồi tà đạo, ngoại đạo cũng muốn bôi nhọ, ác hại. Cho nên thầy cũng như các phật tử trên bước đường hành đạo phải chấp nhận chông gai", đại đức Thích Trúc Thái Minh nói.
Quang cảnh buổi pháp thoại tối 21/3 tại chùa Ba Vàng. Ảnh: Ngọc Tân. |
Sau vài lời chia sẻ, đại đức Thích Trúc Thái Minh bắt đầu nói sâu về 3 vấn đề: Câu chuyện thế giới tâm linh có thật không? Vong linh có tác động gì đến con người không và pháp hội thỉnh giải oán kiếp, oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng như thế nào?
Tại buổi pháp thoại, Trụ trì chùa Ba Vàng khẳng định oan gia trái chủ hoàn toàn có thật. Ông thừa nhận trong chùa Ba Vàng có lễ giải oán kết, giải oan gia trái chủ.
"Vong linh đi theo báo oán, báo thù rất nhiều, tác động vào chúng ta. Chùa ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để giải những oán kết này. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ chỉ có đức của phật từ bi mới làm được. Chùa chúng ta thỉnh được vong, giải được oán kiếp là do năng lực của đại chúng", đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích.
Nhóm người được mời lên chia sẻ về trải nghiệm thỉnh oan gia trái chủ. Ảnh: Ngọc Tân. |
Sư thầy không trả lời báo chí
Sau một hồi lâu thuyết pháp, sư thầy Thái Minh mời người dân, phật tử lên chia sẻ các câu chuyện liên quan đến oan gia trái chủ. Suốt hơn 2 giờ, nhà chùa và các phật tử dành để phản bác các thông tin mà báo Lao Động cùng các báo khác đăng tải, nhưng không dành thời gian để trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo chí.
Buổi pháp thoại kết thúc lúc 21h. Rất đông phóng viên túc trực bên ngoài cửa chính điện để đợi trao đổi với đại đức trụ trì. Tuy nhiên lực lượng bảo vệ và một số phật tử đã lập hàng rào ngăn cản.
Nhóm người này hét lớn "không cho phỏng vấn" và tìm mọi cách đẩy các phóng viên khỏi lối đi.
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến phóng sự điều tra về chùa Ba Vàng chưa được giải đáp. Nhân vật Phạm Thị Yến không xuất hiện. Trụ trì của chùa cũng không đề cập gì đến vấn đề này. Câu hỏi về việc kiểm kê nguồn tiền cúng dường vẫn bị bỏ ngỏ... Đại diện chùa chỉ khẳng định không có chuyện chùa thu hàng trăm tỷ từ việc thỉnh vong, giải oan gia trái chủ.
Hàng loạt cơ quan vào cuộc
Ngày 20/3, báo Lao Động đăng tải phóng sự phản ánh hoạt động "thỉnh vong", "gọi hồn" tại chùa Ba Vàng. Ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Theo bài viết, mỗi năm chùa Ba Vàng thu trăm tỷ đồng từ hoạt động này.
Chùa Ba Vàng có đủ cách để "hút" tiền từ các phật tử, thông qua hình thức đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản, thậm chí trả góp. Với những người không có tiền, chùa lại có cách nhận vào làm việc không công, gọi là "làm công quả".
Trong ngày 20/3, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập đoàn công tác, phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở làm rõ vụ việc. Cùng với đó, Bộ VHTT&DL gửi công văn cho UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, Giáo hội Phật giáo tại các địa phương kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo UBND TP Uông Bí và các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh làm rõ sự việc mà báo chí đã nêu.
Một ngày sau, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan đến sự việc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng, để kiểm điểm và làm rõ sự việc.
Kết quả của buổi làm việc cần được báo cáo bằng văn bản gấp gửi về Văn phòng Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam để có cơ sở trả lời với báo chí.
Bên cạnh đó, cơ quan đại diện cho các phật tử cũng yêu cầu Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa Ba Vàng, cũng như có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong thuyết giảng mê tín, dị đoan.
Phật giáo không có khái niệm "trục vong báo oán"
Nêu quan điểm về sự việc chùa Ba Vàng trục vong báo oán, tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, khẳng định trong Phật giáo không hề có khái niệm “trục vong báo oán”. Phật giáo chỉ khuyên người ta làm việc hướng thiện.
“Việc thu tiền để thực hiện hành động trục vong trên là lợi dụng niềm tin mù quáng của người dân để trục lợi”, tiến sĩ Tuấn chia sẻ.
Thượng tọa Thích Nhất Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ (phường 3, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh), cho biết trong khoảng 38.000 bài kinh nhà phật còn được lưu truyền, không có bài kinh nào đề cập tới hiện tượng vong nhập từ một người đã chết vào cơ thể người còn sống.
“Bất kỳ ai dù là tăng ni hay phật tử nhân danh phật giáo thực hiện những việc “trục vong” đều không phù hợp với giáo lý đức phật giảng dạy trong các kinh”, thượng tọa khẳng định.
Theo Thượng tọa, trong Phật giáo, không tồn tại việc linh hồn người nào đã mất nhập vào cơ thể người sống hay mượn cơ thể người khác để gửi thông điệp. Việc trục xuất vong hồn ra khỏi cơ thể rồi nói giá tiền phải trả lại càng đi xa với tinh thần phụng sự chúng sinh của phật giáo. Bất kỳ ai theo đạo phật khi làm một việc thiện, việc tích đức cho đời thì không yêu cầu trả công, trả tiền.