Đi họp thấy lạnh hết cả xương sống
Với khu mộ đá đồ sộ, hoành tráng của ông Hoàng Cao Khải (tức cha Hoàng Trọng Phu) thì giờ đây đã biến thành một khu chợ để bà con mua bán. Để vào bên trong lăng đá, chúng tôi phải đợi chờ ông Tâm, tổ trưởng tổ dân phố cụm dân cư số 9 đem chìa khóa ra mở.
Khi cánh cửa sắt mở ra, bên trong lăng là một không gian rộng lớn, nhưng đã bị biến dạng. Toàn bộ những hoa văn tinh xảo rồng, phương, đã bị người ta quét vôi xóa nhòa.
Trụ sở tuần tra an ninh nhân dân cụm 9 đã phải ngăn 2 nấm mộ đá lại và đặt tivi cho những ai trực ban đêm xem để bớt ghê sợ. |
Ông Tâm kể: "Ngày trước chúng tôi ở đấy thấy người ta vào phá lăng mộ đá này ghê quá. Họ coi khinh và cho rằng ông quan này là kẻ bán nước, cầu vinh, hãm hại đồng bào. Chính vì thế họ cùng nhau vào phóng uế bừa bãi, đập mọi thứ có thể. Chính vì thế, chúng tôi đã xin phép cấp trên cho xây tường bao xung quanh và đặt trụ sở tuần tra nhân dân ở đây luôn".
"Những buổi tối đầu tiên ra trụ sở tuần tra họp cũng thấy lạnh hết cả xương sống. Hai nấm mộ đá to lù lù ở 2 góc nhà, phía chính diện là ban thờ có ảnh, bát hương, lọ hoa của đại gia tộc Hoàng Cao Khải. Nhìn cảnh đó ai mà chả khiếp vía, nhất là khi đêm hôm, hoang vắng", Ông Tâm giải bày.
Phường Trung Liệt và Phòng VH-TT&DL quận Đống Đa là những cơ quan chức năng trực tiếp quản lý đất đai và di tích ở đây. Khi tiếp xúc với chúng tôi đều cho biết đã và đang có dự án di dời các hộ dân ra khỏi khu lăng mộ đá của cha con Hoàng Cao Khải.
Nhưng thời gian thực hiện thì không biết cụ thể bao giờ bởi một bài ca muôn thuở là thiếu kinh phí. Người dân vẫn cứ đợi.
Chúng tôi quan sát thấy trên ban thờ gia tộc họ Hoàng đặt ở đây. Tổng cộng có 9 người.
Theo ông Tâm, để đáp ứng nguyện vọng của dòng dõi họ Hoàng, thì chính quyền sở tại sẽ mở cửa ngày rằm, mồng một hàng tháng để họ vào thắp nhang, cúng bái cho tổ tiên mình. Hoặc ai đó muốn vào xem phải đợi buổi tối khi tổ an ninh trật tự khu dân cư ra đó làm việc. Quả thực chúng tôi phải nàn nỉ mãi, ông mới đồng ý mở cửa khu lăng mộ và cũng chỉ được vào tham quan vài phút là phải ra ngay.
Ban thờ gia tộc họ Hoàng trong khu lăng mộ Hoàng Cao Khải. |
Chiếc tivi đuổi ma
Để xua tan đôi chút đi sự lạnh lẽo, ghê rợn khi phải ra đây trực vào ban đêm, ông và đồng nghiệp đã dùng 2 chiếc ván gỗ ép khung sắt cỡ lớn để che 2 ngôi mộ đá. Ở chính giữa có đặt một chiếc bàn làm việc, vài cái ghế, bên trên có quạt treo tường và đồng hồ. Để làm quên đi cảm giác mình đang ngồi giữa lăng mộ rùng rợn vào ban đêm thì trụ sở tuần tra ở đây đã bố trí một chiếc tivi.
Nếu ai ra trực thì bật tivi xem cho âm thanh, hình ảnh sẽ làm mất đi cảm giác khác đang ám ảnh xung quanh mình.
Ông tâm sự thật rằng, trực đêm trong lăng mộ thì đúng là ghê người đó, nhưng rồi cũng thành quen. Ngày xưa các vị quan lại phải làm chức to lắm mới xây được cái lăng này. Tuy có nấm mộ đá ở đây, nhưng chắc gì thi hài của vị quan này đã ở đây.
Chúng tôi thử hỏi về lai lịch của chủ nhân khu lăng mộ đá này, ông Tâm cũng chỉ nói rằng đây là một vị quan rất to triều Nguyễn, to nhất Bắc Kỳ thời Pháp thuộc. Lăng của ông ấy chỉ kém những lăng vua trong Huế.
Chỉ cho khách vào vài phút, ông tổ trưởng dân phố này đã nhanh chóng đóng cửa. |
Ông còn tự hào bảo, nếu không có chúng tôi đặt trụ sở tuần tra nhân dân ở đây thì cái lăng mộ này đến cột đá, mộ đá cũng bị phá nát rồi. Vậy là trụ sở tuần tra đặc biệt và kinh dị nhất Hà Nội vô tình lại trở thành công cụ cuối cùng để bảo vệ khu lăng đá với những giá trị nghệ thuật to lớn, vốn đã bị con người vùi chôn từ lâu.
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được xây dựng năm 1893 bởi tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 – 1933). Ông là một đại thần dưới triều vua Thành Thái nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.
Khu lăng mộ là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ… với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Nhưng do việc quản lý không khoa học, thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng nên suốt thời gian dài, di tích gần như bị lãng quên.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.