"Thẩm định cái đẹp thì không nhất thiết phải cần người đẹp"
- Mới được mời làm giám khảo một cuộc thi nhan sắc bên cạnh hoa hậu Ngọc Hân, siêu mẫu Hạ Vy, anh "sốc" chứ?
- (cười tươi) Tôi cũng bất ngờ khi được NSƯT Huyền Thanh gọi điện mời chấm Người đẹp xứ Thanh 2014. Nhưng sau khi suy nghĩ tôi đã nhận lời vì cuộc thi tìm ra những cô gái đẹp ở quê hương tôi. 2015 cũng là năm du lịch quốc gia tổ chức tại Thanh Hóa vì vậy được tham gia một trong những hoạt động về cái đẹp của tỉnh tôi thật vinh dự.
Tôi nghĩ rằng thẩm định cái đẹp không nhất thiết phải cần người đẹp. Tất nhiên khi đã nhận lời làm giám khảo tôi cũng phải hỏi thêm một số chuyên gia nhưng nhìn chung cảm nhận cái đẹp thì ai cũng có, tôi làm nghệ thuật sẽ có thẩm định riêng và chắc không quá tồi.
Trong một cuộc thi nhan sắc có thể mọi người để ý nhiều hơn về vóc dáng khi các cô mặc bikini khoe đường cong, khuôn mặt khả ái, nụ cười duyên. Tất cả những cái đó làm nên vẻ đẹp bề ngoài nhưng phần ứng xử thể hiện trí tuệ cũng quan trọng.
Nó là phần đánh giá xuất sắc bởi ngay tại sân khấu hầu như các người đẹp đều là các bạn trẻ, va chạm xã hội ít, đặc biệt áp lực một cuộc thi nên nếu có đủ bản lĩnh, sự thông minh nhanh nhạy thể hiện tầm ở bên trong, ai làm được sẽ thấy ngay.
Ca sĩ Trọng Tấn. |
- Thực tế anh có hay theo dõi các cuộc thi người đẹp, hoa hậu từng tổ chức trước đây không?
- Có, tôi xem nhiều cuộc thi người đẹp chứ. Việt Nam từng tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu hoành tráng, thậm chí tổ chức các cuộc thi nhan sắc tầm thế giới ở Việt Nam. Chúng ta có bờ biển đẹp, cảnh đẹp cũng có thể nói là tổ chức nhiều cuộc thi.
Thế giới nhìn Venezuela là một quốc gia cường quốc đào tạo về sắc đẹp. Đó cũng là một thương hiệu đưa hình ảnh đất nước lên tầm thế giới. Nếu Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc ngày càng chuyên nghiệp, nâng vị thế trở thành "đặc sản"của Việt Nam thì quá tốt ấy chứ.
- Người phụ nữ khi lấy chồng, sinh con và bận bịu với công việc, gia đình, theo thời gian nhiều người không còn sự tươi mới, hấp dẫn như thuở còn trẻ. Thậm chí có chị em còn mặc cảm và có lối suy nghĩ "quản lý", luôn sợ chồng này nọ ăn sâu vào tiềm thức. Bà xã của anh thì sao? Cô ấy biết tin anh được mời chấm người đẹp có phản ứng gì?
- Các quyết định trong công việc nói chung vợ tôi thường không tham gia. Đôi lúc có việc khó tôi hay trao đổi, "đồng chí" (cách gọi yêu của Trọng Tấn dành cho vợ) cũng đưa ra ý kiến. Ngay cả tôi làm album bà xã cũng có những gợi ý các tác phẩm.
Tôi may mắn có một hậu phương vững chắc. Vợ tôi là người quan tâm về thời trang, về cái đẹp, cũng tương đối chỉn chu về ăn mặc, có gu thẩm mỹ tốt về thời trang nên khi biết tôi được mời chấm người đẹp thì có trêu đùa chút xíu thôi.
Cô ấy bảo : "Ơ, họ có nhầm không nhỉ, sao lại mời anh đi chấm người đẹp vì anh đâu phải đại diện cho một mỹ nam?". Nói vậy chứ tổ chức cuộc thi ở Thanh Hóa cô ấy còn thấy tự hào vì BTC và tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn nhớ đến Trọng Tấn trong các hoạt động lớn.
Trọng Tấn và bà xã. |
Thử sức kinh doanh dê
- Hình như anh mới thử sức thêm ở với lĩnh vực kinh doanh. Một Trọng Tấn từ trước đến nay trong mắt nhiều người lúc nào trông cũng hiền hiền, từ tốn, điềm đạm mà lăn vào kinh doanh cần sự hoạt bát thì...
- Sự hoạt bát về chân tay chỉ là một chút về hình thức bên ngoài thôi. Người hoạt bát về chân tay chưa hẳn hoạt bát về trí não. Với tôi, tư duy và mọi cái phải đến rất chắc chắn, chậm, thẩm thấu mới đi đến quyết định. Ngay cả việc kinh doanh cũng vậy, hai vợ chồng cũng có ấp ủ từ lâu. Tôi tin làm gì cũng phải đến thời, đến duyên của nó.
Một ý tưởng kinh doanh đến, với tôi nó đi cùng với đam mê. Và tôi thích thú với điều này không phải vì mình cố gượng ép mà thích thú với nó. Nếu ở Hà Nội có nhiều nhà hàng đặc sản món dê chắc chắc tôi chỉ việc đến thưởng thức thôi nhưng đáng tiếc lại hơi ít và hình thức chỉ là các quán nhỏ lẻ mà chưa nâng lên thành nhà hàng.
- Tại sao anh lại đi kinh doanh thịt dê... Chẳng có lẽ...
- Thế chị chưa nghe câu thịt dê tốt cho sức khỏe của đàn ông à? Đương nhiên chưa có một thẩm định khoa học nào về việc thịt dê có lợi cho sức khỏe của đàn ông hay không nhưng nó giống như biểu tượng của sức mạnh đàn ông. Ở bên Séc có một loại bia dê và bia đó khẳng định luôn là dành cho đàn ông.
Tôi nghĩ một người nghệ sĩ tôi muốn hình ảnh của mình cũng vừa lãng mạn, phóng khoáng nhưng cũng đầy mạnh mẽ và đó là lý do tôi chọn kinh doanh dê chứ không phải con trâu hay con bò. Mạnh mẽ như dê mà (cười tủm tỉm).
"Có những người 70 tuổi vẫn không có văn hóa"
- Dạo này anh "lấn sân" sang các công việc như làm giám khảo chấm người đẹp, thử sức lĩnh vực kinh doanh, vậy với âm nhạc thì sao?
- Không, với tôi âm nhạc là đam mê, làm sao bỏ được. Sau đêm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, tôi sẽ cùng Tùng Dương hát trong một đêm nhạc Gọi nắng cũng trong tháng 11 này. Phải nói sự kết hợp với Tùng Dương trong liveshow của cậu ấy cách đây vài tháng rất thú vị, chính vì điều này đã có đối tác mời hai anh em kết hợp trở lại.
Lâu nay tôi diễn hội nghị khách hàng cho các tập đoàn lớn làm ăn phát đạt tổ chức thì phần hát chỉ là phụ thôi. Nhưng lần này có một ngân hàng đặt vị trí của âm nhạc rất cao họ muốn nghệ thuật là sợi dây gắn kết giữa nhà đầu tư với khách hàng.
- Nhân việc anh nhắc tới Tùng Dương tôi có nhớ cậu ấy chia sẻ rằng rất trân quý anh vì không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là người không quá câu nệ chuyện cát-xê với đồng nghiệp. Tùng Dương bảo khi hát cùng trong liveshow của cậu ấy, anh không đòi hỏi mà nói "em trả cho anh bao nhiêu thì tùy". Điều này thực sự khiến tôi bất ngờ vì bấy lâu nay tôi vẫn tưởng cánh nghệ sĩ các anh tiền nong phải rõ ràng lắm?
- Với những người đáng trân trọng như Tùng Dương, Thanh Lam, Tấn Minh, Anh Thơ, Việt Hoàn, Đăng Dương chúng tôi chơi với nhau gần như có công việc là xúm vào giúp nhau. Khi đã nhận lời thì vui nhất là muốn làm cái gì đó với nhau còn không bàn tới kinh tế. Phải bỏ qua được cái đó đi thì mới vô tư chân thành với nhau được.
Còn kiểu thắc mắc "Cậu ấy trả cho mình ít thế, trong khi bắt mình tập nhiều, hát nhiều" thì khi đó không còn sự vô tư nữa, nghệ thuật bắt đầu bị những cái khác chen vào rồi. Với những gì tôi làm với Tùng Dương để thấy rằng tôi thật sự trân trọng cậu ấy.
Tùng Dương là người đáng trân trọng. Cậu ấy là người đi sau tôi nhiều nhưng lại làm được những điều có thể nói là đàn anh, đàn chị phải có những câu hỏi, có sự ngưỡng mộ. Tôi nghĩ rằng nghệ thuật và cuộc sống không có tuổi. Anh hiểu biết đến đâu, làm được gì đó là điều quan trọng.
Có những người 70 tuổi vẫn không có văn hóa, tiếp xúc một câu thôi nhưng mình có thể cảm nhận rằng họ chỉ là những người sống lâu thôi, không phải là những người già về cuộc sống.
Trọng Tấn - Tùng Dương trên sân khấu. |
"Tôi gần như không quan tâm đến đời tư của Anh Thơ"
- Ai cũng biết Anh Thơ là bạn diễn nữ rất hợp với anh trên sân khấu. Theo cảm nhận của tôi, Anh Thơ là người sống kín tiếng, trong đời sống, giả dụ cô ấy có nỗi buồn riêng, sự cô đơn hay niềm đau gì đó thì cũng khó mà có thể chia sẻ với bạn bè được. Cảm nhận của tôi có đúng?
- Nhận định của chị là đúng. Thơ là người kín kẽ. Sống nội tâm, những việc riêng tư không phải là tuýp người chia sẻ và nói chuyện. Tôi thân với Thơ ở sân khấu, công việc. Tôi tôn trọng góc riêng của bạn ấy nên gần như không quan tâm nhiều lắm đến đời tư của bạn.
Nói chung với tôi đời tư của nhiều người đưa lên báo nghe đột ngột lắm, rầm rộ lắm, đáng quan tâm lắm nhưng tôi nghĩ đã riêng tư thì nó có thể thế này có thể thế khác nhưng không đáng để đánh giá, soi xét.
Cái đáng đánh giá, cảm nhận là cái người ta ứng xử thế nào với cuộc sống, với xã hội xung quanh và đặc biệt với nghề nghiệp. Ví dụ nghệ sĩ họ mang lại cho công chúng thẩm mỹ cao thì nên trân trọng và quan tâm đến điều đó nhiều nhất thôi. Mọi diễn biến của con người đều có số phận của nó cho nên mình đem số phận ra để phán xét thì không đúng và chuẩn mực.
Trọng Tấn và Anh Thơ. |
- Tôi biết có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng họ đã có một đời sống sóng gió trong hôn nhân và vì nhiều lý do họ phải cố giấu điều ấy. Còn anh, có nhiều thứ: gia đình hạnh phúc, có sự nghiệp, con cái ngoan ngoãn, anh có thấy ông trời cho anh nhiều quá?
- Nếu mọi người nhìn và nói tôi may mắn thế thì nó là như thế. Còn cuộc sống tôi nghĩ nhân vô thập toàn. Người không hoàn mỹ thì cuộc sống nó cũng thế - không hoàn mỹ. Cái quan trọng là mình lựa chọn cách đi. Ai đấy cô đơn quá, ai đấy vất vả quá, không thành công, đau đớn nhưng tất cả nó đều có mẫu số cao hơn nữa.
Tôi nhìn sang một người bạn mình cuộc sống đổ vỡ trong hôn nhân và thấy cảm thương nhưng xã hội có nhiều người cảm thương hơn nhiều. Tôi nghĩ tất cả sự chấp nhận là khởi nguồn của điều tốt đẹp tiếp theo. Giống như con cá nó biết bơi, quẫy thì vướng vào lưới càng chạy.
Tôi có người bạn và nghe câu chuyện của họ và rất tâm đắc câu nói "Cái gì đến với tôi cũng may quá". Tức là có nỗi đau hôm nay biết chấp nhận thì ngày mai trở thành niềm vui và dẫn chứng trong cuộc đời của họ đúng là sự trải nghiệm tuyệt vời cho nên không có nỗi đau nào là nhỏ và chẳng có nỗi đau là lớn cả nếu mình biết dung hòa cuộc sống, cố gắng không được ủy mị, bi quan với cuộc sống của mình và biết nhìn rộng hơn.
Anh đến với cuộc sống để được sống một cuộc đời không dài tại sao cứ phải luẩn quẩn nỗi đau nhỏ vậy? Còn những điều khác hay hơn nhiều, có thể bỏ qua nó không? Anh chỉ có 60 - 70 năm ngồi chỉ để gặm nhấm một điều gì đó thôi sao? Nếu bỏ qua được thì điều tốt đẹp sẽ nảy mầm từ những nỗi đau. Và nỗi đau trở thành kinh nghiệm cho niềm vui tiếp theo.
Tôi tương đối cân bằng cuộc sống. Và tôi nghĩ sự hiện hữu của mình trong mọi hoạt động mới là quan trọng, hiện hữu với con cái, hiện hữu với vợ, hiện hữu với gia đình, hiện hữu với bạn bè và dù mọi người thấy tôi chậm nhưng bên trong "lửa" vẫn cháy.