Trong buổi họp báo sau trận Khánh Hòa - Hà Nội T&T, HLV Phạm Minh Đức của Hà Nội T&T phát biểu như sau: "Khi tất cả đang xô vào, có người này người kia, thì trọng tài Công Khanh vấp chân và ngã. Đó là chuyện bình thường thôi. Đúng không?".
Dễ thấy, ông Phạm Minh Đức vừa bao che cho học trò rất lộ liễu, vừa ứng xử không khéo. Phương án hành xử của các HLV nước ngoài trong tình huống cầu thủ của mình bị tố cáo chơi xấu thông thường sẽ là: “Xin lỗi nhưng tôi hoàn toàn không thấy gì hết”.
HLV Roberto Martinez của Everton, đội có cầu thủ bị Diego Costa cắn vào cổ trong trận Everton - Chelsea vừa qua thậm chí còn bảo vệ đối thủ Costa cũng bằng chiêu “không thấy gì”. Câu bình luận trung lập ấy vừa loại bỏ nguy cơ vạ miệng của HLV trước vấn đề rất nhạy cảm, vừa thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối quyết định của trọng tài.
Chúng ta đã không thấy sự tôn trọng ở HLV Minh Đức khi ông biện hộ cho một hành vi xúc phạm thân thể. Trọng tài bị xúc phạm thân thể và bị ép “bẻ còi” là những biểu hiện tồi tệ nhất của tình trạng thách thức quyền lực “vua áo đen” trên sân cỏ V.League.
Trọng tài Công Khanh bị Văn Quyết đẩy ngã. |
Một ví dụ điển hình của việc bị ép “bẻ còi”: Năm 2012, trong trận đấu giữa Thanh Hóa và Hà Nội T&T, sau khi trọng tài Đinh Văn Dũng rút thẻ đỏ đuổi cầu thủ Fikru (Thanh Hóa) vì hai pha đánh nguội vào mặt Hồng Tiến, Sỹ Cường (Hà Nội T&T), ngay lập tức toàn bộ BHL và cầu thủ đội bóng xứ Thanh lao vào tổ trọng tài để tranh cãi, gây sức ép. CĐV trên khán đài liên tục lăng mạ trọng tài, ném nhiều vật thể lạ xuống sân.
Người ta đã nghe rõ HLV Triệu Quang Hà nói với trọng tài: “Em chỉ nên nhắc nhở với cầu thủ hai bên thôi”. Lúc ấy, đội chủ nhà đang bị dẫn bàn. Hệ quả là giữa muôn trùng sức ép, sang hiệp hai, trọng tài Văn Dũng có hàng loạt quyết định theo kiểu thổi bù cho Thanh Hóa như quả penalty đầu hiệp đấu hay tình huống truất quyền thi đấu Cristiano của Hà Nội T&T khi ấy.
Ở V.League tồn tại một điều luật bất thành văn hay còn gọi là luật thứ 18 mà các trọng tài luôn phải ghi nhớ: “Không được đuổi người của đội bị dẫn bàn, phải thổi có lợi cho đội chủ nhà”. Thực thi theo luật 18 tức là trọng tài đã san bớt quyền định đoạt trận đấu cho số đông.
Bước vào sân, ngoài bộ luật FIFA thuộc nằm lòng thì trọng tài phải khắc cốt ghi tâm điều luật bất thành văn này. Họ bị luật 18 đè nén và làm méo mó các quyết định. Không quá khi cho rằng trọng tài V.League vừa thổi còi vừa run vì nhìn đâu cũng thấy kẻ địch với vũ khí trên tay là luật 18.
Sân bóng có thể hỗn loạn bất cứ lúc nào, bởi cầu thủ mang những cái đầu nóng luôn coi trọng tài chỉ ngang hàng với họ, bởi các CĐV không tôn trọng trọng tài và sẵn sàng dành tặng cơn mưa vật thể lạ. Thay vì tin tưởng các quyết định của trọng tài, không ít đội bóng coi trọng tài như căn bệnh truyền nhiễm cần tránh xa.
Khi bóng ma thách thức quyền lực trọng tài đang quay trở lại V.League, án phạt nặng dành cho Văn Quyết (nên được đưa ra một cách chuyên nghiệp hơn) là bài học răn đe những người có ý đồ phá vỡ chuẩn mực ứng xử.
Kể từ sự cố khiến trọng tài Anders Frisk giải nghệ sớm 3 năm, Liên đoàn bóng đá châu Âu đã phải sử dụng đến “bàn tay sắt”, phát động chiến dịch “RESPECT” (Tôn trọng) bảo vệ trọng tài. Chiến dịch ấy cho đến nay đã thành công, nhờ tinh thần thượng tôn luật lệ và sự chuyên nghiệp của cầu thủ châu Âu. Một chiến dịch “RESPECT” bảo vệ quyền của các vị vua áo đen là mong muốn quá xa vời với bóng đá Việt.