Chiều 6/6, phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thông tin phương án mở rộng đượng Phạm Văn Đồng được Hà Nội phê duyệt năm 2013, đến 2016 thành phố cho điều chỉnh thiết kế mới ra mặt cắt hoàn thiện.
Theo ông Dục, việc mở rộng vành đai 3 rất cần thiết. Ngoài việc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải lập kế hoạch di chuyển, giữ nguyên vị trí cây xanh đường Phạm Văn Đồng. Trong trường hợp bất khả kháng, đơn vị thi công mới phải chặt hạ cây xanh.
Do đơn vị tư vấn đề xuất
Ông Lê Văn Dục khẳng định: “Việc đề xuất chặt hạ, đánh chuyển, cắt tỉa hơn 1.300 cây xanh để phục vụ dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long là của đơn vị tư vấn Tedi đề xuất với chủ đầu tư. Sau khi chủ đầu tư đưa lên, chúng tôi sẽ tập hợp lại, báo cáo thành phố”.
Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định cây xà cừ được đề xuất chặt hạ, di chuyển đường kính lớn không nhiều. Sau khi chủ đầu tư đưa ra phương án, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu khảo sát, kiểm tra từng cây một. Đối với những cây thân thẳng, đẹp, đơn vị thi công chắc chắn phải đánh chuyển về vườn ươm ở Công viên Yên Sở.
Việc chặt hạ hơn 1.300 cây xanh do đơn vị tư vấn đề xuất. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Sở Xây dựng luôn xác định phương án tối ưu là giữ nguyên, đánh chuyển cây xanh. Hiện nay Hà Nội đã có thiết bị cao đến 27 m để hạ độ cao cây xà cừ. Chính vì thế, đến mùa mưa bão chắc chắn sẽ an toàn", ông Dục nói.
Ông Dục cho biết tất cả thông tin về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh sẽ được Sở tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia và người dân sau đó mới trình lên Hà Nội. Sau đó, Sở có thông báo công khai đến người dân.
Ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng sau khi phương án chặt hạ, di chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng được Hà Nội phê duyệt , đơn vị thi công sẽ trồng hơn 1.500 cây thay thế.
“Chúng tôi sẽ trồng cây giáng hương thay thế 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng theo mô hình đường Võ Chí Công. Cây xanh sẽ được trồng 4 tầng. Cây tầm cao, cây tầm trung, cây tầm thấp và lớp thảm”, ông Phong khẳng định.
Rút kinh nghiệm chặt hạ cây xanh đường Nguyễn Trãi
Phát biểu tại buổi giao ban báo chí, ông Phạm Văn Bình, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), cho biết việc đề xuất chặt hạ, di chuyển cây xanh Ban quản lý dự án đã có thực hiện việc đánh giá tác động môi trường và được Bộ GTVT phê duyệt.
Ông Lê Văn Dục nói thêm rút kinh nghiệm về việc chặt hạ, di chuyển cây trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) để thực hiện dự án đường sắt Cát linh – Hà Đông, các cơ quan chức năng đã đánh giá tác động môi trường khi chặt hạ cây xanh. Bộ GTVT đã phê duyệt.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Văn Chương. |
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long là một trong 52 công trình trọng điểm của TP Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020.
Tổng chiều dài tuyến đường này là 5,5 km. Điểm đầu là ngã tư Mai Dịch và điểm cuối là cầu Thăng Long. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.113 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách. Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.
Để mở rộng tuyến đường, Hà Nội phải thu hồi trên 391.900 m2 đất, giải phóng mặt bằng 796 hộ và 55 cơ quan, bố trí 609 căn hộ tái định cư và chặt hạ, di dời khoảng 1.300 cây xanh hiện có trên tuyến phố này. Trong đó có 986 cây xà cừ, 38 cây sấu, 65 cây hoa sữa, 11 cây phượng. Dự kiến đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây.
Tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Cầu Thăng Long tới cầu vượt Mai Dịch. Nguồn: Google Maps. |