Một thập kỷ đã trôi qua, song ký ức về một trận chung kết đầy bất ngờ trên sân Olimpico (Rome) vẫn khiến những khán giả khắc khoải. Barca bước tới trận chung kết Champions League với vô vàn nghi ngờ sau khi đánh bại Chelsea đầy tranh cãi trong trận bán kết lượt về tại Stamford Bridge.
Trong khi đó, MU với tư cách nhà ĐKVĐ tiến vào chung kết bằng màn trình diễn xuất sắc của Cristiano Ronaldo. “Quỷ đỏ” hướng tới danh hiệu Champions League thứ hai liên tiếp, trong khi CR7 đặt mục tiêu bảo vệ danh hiệu Quả bóng Vàng châu Âu.
Tất cả biến trận đấu tại Olimpico thành sân khấu đáng chờ đợi nhất.
Barca giành chức vô địch Champions League 2009. Ảnh: Getty. |
Bất ngờ Barca
Không nhiều người nghĩ tới một kịch bản “lành lặn” cho Barca ở trận chung kết tại Olimpico. Không chỉ bởi Man United vẫn duy trì được bộ khung đã giúp họ lên ngôi một năm trước đó, mà còn vì sự thiếu vắng bộ đôi hậu vệ biên Eric Abidal - Dani Alves buộc Pep Guardiola phải giật gấu vá vai.
Đội trưởng Carles Puyol bị đẩy ra chơi hậu vệ phải, lão tướng Sylvinho được sử dụng ở vị trí hậu vệ trái. Yaya Toure được kéo về đá trung vệ bên cạnh Gerard Pique, còn ngôi sao mới 21 tuổi Sergio Busquets được chọn cho vị trí thấp nhất nơi hàng tiền vệ.
Trước khi bước vào trận chung kết Champions League hơn 3 tuần, Barca gây chấn động cả Tây Ban Nha với chiến thắng 6-2 trước Real Madrid. Đó là cuộc đấu mà Pep đã kéo Lionel Messi vào chơi số 9 ảo, đẩy Samuel Eto’o sang đá tiền đạo phải.
Samuel Eto'o mở ra chiến thắng cho Barca với pha xử lý qua mặt cả Nemanja Vidic lẫn Edwin Van der Sar. Ảnh: Getty. |
Cặp trung vệ Fabio Cannavaro và Christoph Metzelder của Real khi ấy hoàn toàn bất ngờ. “Chúng ta phải làm gì đây”, Cannavaro nhớ lại cuộc giao tiếp ngắn với Metzelder ở giữa trận thua vỡ mặt năm đó...
MU với Rio Ferdinand và Nemanja Vidic cũng đã bất ngờ với quyết định đó. Song khác với cuộc đấu gặp Real, Samuel Eto’o chứ không phải Leo Messi mới là người trừng phạt. Ngay phút thứ 10, Andres Iniesta tung cú vẩy bóng đẩy Eto’o vào thế đối mặt với Vidic ở góc chếch bên phải khung thành MU.
Trung phong Cameroon quặt bóng cực nhanh loại bỏ trung vệ người Serbia, trước khi dứt điểm cực nhanh bằng mũi chân phải để đánh bại Edwin Van der Sar.
Man United dồn lên và tạo ra rất nhiều cơ hội nguy hiểm về phía khung thành Barca, song những gì Ronaldo và các đồng đội làm được chỉ là các pha uy hiếp những tình huống cố định. Tất cả kết thúc với Man United vào phút thứ 70, khi Leo Messi đánh đầu trong vùng cấm từ đường chuyền của Xavi để nâng tỷ số lên 2-0.
Cả người kèm Rio Ferdinand, lẫn người cản phá Edwin Van der Sar đều bất động. Không ai biết Messi đã ở đó, và cũng không ai nghĩ Messi có thể tung ra cú đánh đầu với quỹ đạo ngoài tầm cản phá của Van der Sar.
Messi đánh đầu tung lưới MU ấn định chiến thắng cho Barca. Ảnh: Getty. |
Sau này, tờ Daily Mail tiết lộ rằng Pep cùng các đồng sự đã chuẩn bị một liệu pháp tâm lý đặc biệt cho các học trò trong trận cầu năm đó. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha xua các học trò ra sân khởi động sớm. Để khi quay lại phòng thay đồ, họ có 20 phút để xem đoạn video về bộ phim “Đấu sĩ” (Gladiator) nổi tiếng cùng những hình ảnh của chính Barca trong mùa giải năm đó.
Những hệ quả
Michael Carrick thừa nhận anh đã bị trầm cảm 2 năm sau trận thua đó. Chia sẻ trong cuốn tự truyện “Giữa các lằn ranh” (Between the lines), Carrick nói: “Nhiều tuần lễ câm lặng sau thất bại 0-2 ấy, pha bóng mắc lỗi của tôi ấy liên tục quay lại ám ảnh tâm trí. Tôi không cách nào gạt bỏ những hình ảnh ấy ra khỏi đầu”.
"Đấy là ký ức đau khổ nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi buồn bã, tuyệt vọng, giận dữ, vì mình và vì chính Man Utd. Chúng tôi đã chơi không tốt tại Rome. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Cứ như vừa bị xe bus tông phải vậy. Tôi chưa bao giờ suy sụp đến thế."
Michael Carrick bị trầm cảm sau khi trận chung kết Champions League 2009 kết thúc. Ảnh: Getty. |
Mọi thứ vẫn không kết thúc với Carrick ngay cả khi anh trở về nhà. "Tôi đã rời khỏi Rome, nhưng Rome vẫn chưa chịu rời khỏi tôi. Khi trở về nhà, tôi ngồi thừ trong vườn, không nói với ai một lời. Tôi không mở miệng nổi, cơ thể hoàn toàn tê liệt”.
“Tôi cảm thấy cô đơn cùng cực, gia đình vẫn yêu thương và ủng hộ tôi. Không ai giúp tôi được, tôi đã phải chiến đấu với những cơn trầm cảm suốt một thời gian dài, rất dài. Trầm cảm vì một trận đấu, nghe thật khó tin phải không? Tôi thực sự đã trải qua quãng đời đen tối.”, Carrick nhớ lại.
Sir Alex Ferguson thì thừa nhận Barca đã chơi hay hơn. Nhà cầm quân người Scotland tin rằng trận đấu hoàn toàn thay đổi sau bàn mở tỷ số sớm của Eto’o. Ông cũng dành sự tôn trọng cho Pep Guardiola, người đã giành cú ăn ba mùa đó, và bày tỏ sự tiếc nuối vì Darren Fletcher không thể thi đấu do dính án treo giò.
Wayne Rooney chấp nhận thất bại giống Sir Alex. Anh dành sự khen ngợi tới Andres Iniesta với nhận xét: “Anh ấy là tiền vệ hay nhất thế giới”.
Cristiano Ronaldo và Carlos Tevez đều rời MU sau khi trận chung kết khép lại. Ảnh: Getty. |
Trong đội hình Man United ngày đó, chỉ có 2 người không phục Barca. Người đầu tiên là Carlos Tevez. “Lẽ ra ông ấy nên cho tôi đá chính từ đầu”, Tevez quả quyết. Tiền đạo người Argentina còn nói rằng đó là trận chung kết duy nhất MU thất bại khi anh chơi tại Old Trafford. Cuối mùa giải đó, Tevez rời Man United tới Man City.
Người thứ hai không phục là Cristiano Ronaldo. “Tất cả đều sai lầm”, CR7 nói ngay sau khi trận đấu kết thúc. Anh chỉ trích chiến thuật của “Quỷ đỏ”. Ronaldo muốn Man United tấn công nhiều hơn. Giống Tevez, Ronaldo cũng rời MU vào cuối mùa.
Trận chiến thời đại
Đã có nhiều cột mốc quan trọng của bóng đá thế giới được mở ra sau trận chung kết tại Rome năm đó.
Đó là một thời kỳ cạnh tranh dữ dội sau đó giữa hai nhân vật chính của trận chung kết: Ronaldo và Messi. Siêu sao người Argentina đã giành Quả bóng Vàng châu Âu 2009 với chức vô địch ấy để cân bằng thành tích của Ronaldo. El Pulga sau đó từng có thời gian vượt lên với 4 Quả bóng vàng liên tiếp, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử môn thể thao vua.
Messi vươn mình trở thành cầu thủ hay nhất thế giới sau trận chung kết năm đó. Ảnh: Getty. |
Ronaldo sau trận chung kết ấy gia nhập Real Madrid với giá 94 triệu euro, biến trận El Clasico trong suốt 9 năm sau đó thành trận cầu thu hút cả thế giới, biến những màn đọ sức tay đôi với Leo Messi thành giai thoại vĩ đại nhất lịch sử bóng đá về một cuộc đấu giữa hai cá nhân.
Trận chiến năm đó cũng mở ra danh vọng cho Pep Guardiola, một trong những HLV vĩ đại nhất. Cú ăn ba ngay trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Barca là bản lề cho 27 danh hiệu trong suốt sự nghiệp của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.
Chiến thắng MU năm ấy khiến Pep thêm tin tưởng vào quyết đính sử dụng Messi ở vị trí số 9 ảo, tin tưởng Busquets ở vị trí tiền vệ trụ, và Gerard Pique ở vị trí trung vệ. 10 năm sau nhìn lại, tất cả quyết định ngày đó của Pep đều tạo ra những huyền thoại.
Pep Guardiola cũng đi vào lịch sử với tư cách một trong những HLV vĩ đại nhất. Ảnh: Getty. |
Có những trận chiến đi vào lịch sử vì sự khốc liệt, song cũng có những trận chiến được chép lại với sự ghi nhận về vai trò của nó trong việc mở ra một thời kỳ không thể nào quên.
Trận chung kết tại Rome tròn 10 năm trước là cuộc đấu như thế.