Tại giao lộ của Đường Clover Valley và Đường Miller ở Quận Licking, Ohio (Mỹ), một cánh đồng rộng lớn đang trở thành nơi xây dựng một khu phức hợp nhà máy chế tạo chất bán dẫn tiên tiến nhất hành tinh với số vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD từ Tập đoàn Intel.
Dự án này ra đời với mục đích khôi phục sản xuất chip nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ châu Á, đồng thời chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ trở thành siêu cường công nghệ thế giới.
Phối cảnh khu phức hợp nhà máy Intel ở Ohio. Ảnh: Intel Corporation |
Theo kế hoạch, Intel sẽ xây dựng 10 nhà máy tại khu phức hợp này trong vòng hơn một thập kỷ tới, dự kiến tuyển dụng khoảng 3.000 lao động. Việc xây dựng các nhà máy cần khoảng 7.000 công nhân.
Tuy nhiên, mới chỉ 6 tháng sau lễ động thổ, nhà thầu chính của Intel đã phải chạy đua tìm công nhân khi nhu cầu về thợ điện và thợ lắp ống của dự án vượt xa nguồn cung lao động ở địa phương. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do thực trạng “thừa việc làm – thiếu lao động” đang xảy ra ở Mỹ.
Thực trạng “thừa việc làm- thiếu lao động” ở Mỹ
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ, trong khi số lượng cơ hội việc làm gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Theo các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, trong tháng 1 vừa qua, có hơn 5,1 triệu vị trí việc làm không có người ứng tuyển. Từ năm 2017-2022, số người trong độ tuổi lao động ở Mỹ chỉ tăng 1,7 triệu người, ít hơn nhiều so với 11,9 triệu người trong giai đoạn 2000-2005.
Biểu đồ cho thấy thâm hụt lao động ngày càng tăng ở Mỹ từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis. Ảnh: Bloomberg, Việt hóa: Kim Yên. |
Các chuyên gia nhận định, tình trạng thừa việc làm – thiếu lao động ở Mỹ là kết quả của các xu hướng nhân khẩu học có từ trước đó, sau đó bị thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19.
Từ khoảng năm 1960, số người nghỉ hưu ở Mỹ tăng lên và ít người trẻ tuổi tham gia lao động hơn. Kết quả, đến năm 2018, quốc gia này lần đầu ghi nhận tình trạng số người trong độ tuổi lao động giảm.
Trong vòng 2 năm sau đó, số người trong độ tuổi từ 15-64 cũng giảm và chỉ tăng lên khi nhập cư quốc tế được phục hồi (chủ yếu là nhờ các biện pháp chống dịch được nới lỏng). Sau đại dịch, tỷ lệ tử tăng lên càng khiến lực lượng lao động bị thâm hụt.
Biểu đồ cho thấy sự thay đổi về dân số trong độ tuổi lao động của Mỹ từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis. Ảnh: Bloomberg, Việt hóa: Kim Yên. |
Người lao động đã hiếm, lao động có chuyên môn kỹ thuật cao càng hiếm hơn, nhất là đối với các ngành đòi hỏi trình độ cao như công nghệ.
Các chuyên gia lo ngại nếu không có sự can thiệp hiệu quả từ chính phủ, tình trạng thâm hụt lao động của Mỹ có thể gây trở ngại lớn cho tăng trưởng, kéo theo làn sóng chuyển dịch đầu tư ra nước ngoài.
Trước tình trạng thiếu hụt lao động tại Mỹ như hiện nay, một số giải pháp đã được đưa ra như sản xuất thêm robot để thay thế con người, sửa đổi chính sách nhập cư hay tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc sản xuất robot chỉ giải quyết được tình trạng trước mắt, không mang lại hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, nhập cư là một vấn đề nan giải của chính trị Mỹ trong nhiều năm và An sinh xã hội từ lâu đã là một quyền không thể chạm tới.
Cuộc đua công nghệ Mỹ-Trung và giải pháp của chính phủ Mỹ
Cuộc đua đổi mới công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy một cuộc cạnh tranh toàn cầu về thu hút nhân tài trong các ngành chiến lược như chất bán dẫn. Theo đó, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn phát triển.
“Đạo luật chip” được ban hành năm 2022, bao gồm khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn đã thúc đẩy ít nhất 40 dự án và khoảng 200 tỷ USD đầu tư vào khu vực tư nhân. Các ưu đãi từ “Đạo luật Giảm lạm phát” cũng thu hút các nhà đầu tư, gần như mỗi tuần đều có nhà máy sản xuất pin và xe điện mới được thành lập. Bên cạnh đó, khoản tiền 1,2 nghìn tỷ USD được Quốc hội phê duyệt cho cơ sở hạ tầng vào năm 2021 cũng đang thúc đẩy nhu cầu về người lao động.
CEO Pat Gelsinger (trái) giới thiệu địa điểm sản xuất trong tương lai của Intel tại Ohio, trước Tổng thống Joe Biden và các quan chức năm 2022. Ảnh: Intel Corporation |
Chính quyền Mỹ giải thích, mục tiêu chính của các điều luật là nâng cao khả năng cạnh tranh của nước Mỹ, nhưng không bỏ qua vấn đề nhân lực và tạo việc làm. Các cố vấn của Tổng thống Biden coi các chính sách trên là công cụ giúp người dân tiếp cận với công việc được trả lương cao và đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho họ.
Chuyên gia kinh tế Harry Holzer cũng đưa ra một số gợi ý để giải quyết tình trạng “thừa việc làm- thiếu lao động”. Ông Holzer cho rằng, chính quyền địa phương có thể ban hành nhiều chính sách nâng cao dịch vụ chăm sóc nhân viên, từ đó thu hút nhiều người đi làm. Ví dụ, các công ty nhận được khoản trợ cấp từ 150 triệu USD trở lên theo Đạo luật Chips sẽ phải cung cấp dịch vụ chăm sóc hợp lý cho nhân viên.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần kết nối với các trường đại học và trường dạy nghề để đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Một số giải pháp từ Intel và Ohio
Bản thân Intel và chính quyền địa phương Ohio cũng đã có những biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu công nhân.
Công ty xây dựng Bechtel – nhà thầu phụ trách dự án đã có kế hoạch nhập ít nhất 40% số lao động từ ngoài khu vực Columbus (Ohio) cũng như các bang khác. Thêm 30% sẽ là những người học việc thông qua các chương trình công đoàn.
Dorsey Hager, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Xây dựng Trung tâm Ohio thì tìm đến các trường cấp 3 để chiêu dụ công nhân.
Hager đã trò chuyện với học sinh, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, thuyết phục họ quan tâm nhiều hơn đến những công việc chân tay như thợ điện và thợ sửa ống nước. Từ 5 năm trước, Hager đã hứa hẹn về 6-9 tháng làm việc ổn định sau 4 năm học việc. Giờ đây, anh đã có thể đảm bảo sẽ mang lại công việc ổn định trong vòng 22 đến 25 năm tới.
Một biển quảng cáo ở New York của JobsOhio vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg |
Gabriela Cruz Thompson, giám đốc điều hành của Intel đã chi ngân sách 50 triệu USD để tài trợ cho các chương trình đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật ở Ohio.
Về phía chính quyền địa phương, trong thời gian xảy ra đại dịch, JobsOhio - cơ quan phát triển kinh tế của tiểu bang đã tung ra một chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu đến các thành phố lớn của Mỹ, hứa hẹn mang lại một công việc và lối sống phù hợp túi tiền của tầng lớp trung lưu cho những người đủ can đảm chuyển đi.
“Làm việc tại nhà, sở hữu căn hộ với giá cả phải chăng”, một biển quảng cáo ở New York viết.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.