Là trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt Hàn Katana, ông Lê Huy Khoa khẳng định việc đưa Tiếng Hàn vào nhóm Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông gắn liền với nhu cầu thực tế.
"Một số người băn khoăn vì tiếng Hàn không phải ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Ý kiến của họ không sai nhưng Việt Nam - Hàn Quốc có quan hệ mối hợp tác chặt chẽ. Biết thêm một ngoại ngữ cũng tốt, nhất là khi hai nước có quan hệ tốt", ông Huy Khoa chia sẻ.
Ông Lê Huy Khoa (trái) nhận định việc đưa Tiếng Hàn vào nhóm Ngoại ngữ 1 ở trường phổ thông là cần thiết, gắn với nhu cầu thực tế. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhu cầu học tiếng Hàn của người Việt lớn
Theo trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa, thực tế, nhu cầu học, sử dụng tiếng Hàn ở nước ta khá lớn. Nhiều người cần học để ứng tuyển vào các công ty của Hàn Quốc - nước đầu tư số 1 ở Việt Nam. Ông Khoa nói thêm hiện tại, khoảng 3.000 dự án của nước này đang hoạt động ở nước ta và 150.000-200.000 người Hàn sinh sống ở đây.
Ngoài ra, không ít người học tiếng Hàn để du học, xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc hay kết hôn với người Hàn.
Ông nói thêm khoảng 27, 28 đại học ở Việt Nam có khoa tiếng Hàn với gần 20.000 sinh viên chuyên ngành. Đây là số lượng lớn, chưa kể đến còn rất nhiều người theo học tại trung tâm bên ngoài.
"Quyết định đưa Tiếng Hàn vào nhóm Ngoại ngữ 1 tiện lợi cho học sinh vì trước đây, một số em thích học nhưng trường không dạy nên phải học bên ngoài. Hiện tại, các em được mở rộng phạm vi lựa chọn về nơi học cũng như phương thức đào tạo", ông Khoa nói.
Trước lo ngại Tiếng Hàn được đưa vào giảng dạy từ lớp 3 là quá sớm, ông Khoa cho rằng một số người lo lắng học sinh khó tiếp thu vì tiếng Hàn là ngôn ngữ khó hay dùng hệ chữ cái khác do chưa hiểu tiếng Hàn.
Ông lập luận thực tế, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, cũng không cùng hệ chữ cái, đã được đưa vào nhóm Ngoại ngữ 1, dạy từ lớp 3. Tiếng Hàn đọc, viết dễ hơn hai thứ tiếng trên.
Theo trợ lý ngôn ngữ Huy Khoa, tiếng Hàn được gọi là "ngôn ngữ buổi sáng", có thành phần nói quá nhưng so sánh này ngụ ý tiếng Hàn dễ học, người học mất một buổi sáng là có thể đánh vần được.
Tuy nhiên, việc dạy thí điểm Tiếng Hàn như Ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông cũng khiến ông Khoa lo lắng. Ông băn khoăn không biết Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị nguồn lực giáo viên đủ để thí điểm chưa. Ông cho hay số lượng người Việt đăng ký học tiếng Hàn đông nhưng người học để đi dạy lại gần như không có.
"Theo một số báo cáo của Hàn Quốc, tại Việt Nam, nhu cầu học lớn nhưng giáo viên, giáo trình, chất lượng đào tạo lại là vấn đề cần suy nghĩ", ông Khoa cho biết.
Đến nay, ông chưa biết việc dạy Tiếng Hàn ở trường phổ thông sẽ theo sách giáo khoa, giáo trình nào. Trong khi đó, việc nghiên cứu ra một bộ giáo trình tốn nhiều thời gian, công sức, chưa kể đến đưa vào thực hiện có sai sót, phù hợp hay không.
Ông Khoa cho rằng Tiếng Hàn vào nhóm Ngoại ngữ 1 đồng nghĩa phụ huynh, học sinh có thêm lựa chọn. Ảnh: Y Kiện. |
Đừng đặt nặng Tiếng Hàn là môn học bắt buộc
Dù vậy, ông Lê Huy Khoa khuyên phụ huynh đừng coi Tiếng Hàn vào nhóm Ngoại ngữ 1 tức đây trở thành môn học bắt buộc. Bộ GD&ĐT bổ sung thêm một lựa chọn, phụ huynh xem xét các yếu tố để giúp con chọn Ngoại ngữ 1 tại trường, không ép con học nếu không phù hợp.
Theo ông, phụ huynh có thể suy xét các yếu tố như tính thông dụng, bền vững của ngoại ngữ cùng tính hiệu quả, gắn liền với việc học (ý định du học), công việc tương lai khi lựa chọn Ngoại ngữ 1 cho con.
Trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo chia sẻ thêm nhiều người bỏ tiền bạc, thời gian, sức lực ra học tiếng Hàn nhưng không có mục tiêu rõ ràng, rất lãng phí.
Ông cũng trăn trở khi nước ta có đến gần 20.000 sinh viên học chuyên ngành Tiếng Hàn, ông không biết sau 4 năm tập trung học, họ sẽ làm gì khi ra trường.
Điều này khiến ông băn khoăn hơn việc đưa Tiếng Hàn vào cấp 1, cấp 2. Ông tin tưởng dù chọn Tiếng Hàn là Ngoại ngữ 1 cho con ở trường, phụ huynh cũng không bảo con hoàn toàn không học tiếng Anh. Họ có thể học thêm ở trung tâm.
Nếu có thể, ông khuyên trẻ em nên học hai ngoại ngữ, gồm một ngôn ngữ phổ biến toàn cầu và một ngôn ngữ "địa phương" như ở châu Á, có thể học tiếng Nhật, Trung, Hàn.
"Đây là lựa chọn mang tính thời điểm, không phải lúc nào học sinh cũng phải học song song hai ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhìn thời lượng chương trình Tiếng Hàn ở trường phổ thông, tôi thấy khá nhẹ nhàng", ông nói thêm.
Trước lo lắng việc đưa thêm Tiếng Hàn vào nhóm Ngoại ngữ 1 sẽ tạo thêm sức ép lên học sinh, ông Lê Huy Khoa cho rằng vấn đề năm ở tâm thế khi học ngoại ngữ. Người học coi nó là môn học bắt buộc, phải học tốt khiến việc học trở nên nặng nề.
Ông quan niệm học thứ tiếng nào, không riêng tiếng Hàn, người học nên coi nó là công cụ hữu hiệu phục vụ cho mục tiêu của mình chứ không phải môn học bắt buộc để phải dành cả thanh xuân, nguồn lực để học thật giỏi.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ có tính thịnh hành, hết nhu cầu, nó không được sử dụng thường xuyên. Do đó, người dùng dùng toàn bộ đầu óc, trí tuệ, tuổi trẻ để học ngôn ngữ năm này qua năm khác, không học chuyên môn sẽ quá lãng phí.
"Theo tôi, khi đã đạt mức tương đối xin được việc, kiếm được tiền rồi, chúng ta cứ dùng, dùng sẽ giỏi, không phải học giỏi rồi mới đi dùng nó. Học xong ngoại ngữ, chúng ta phải học sang cái khác bằng nền tảng ngôn ngữ đó, mở rộng, có ích hơn nữa", ông Huy Khoa khuyên.
Nhân việc Tiếng Hàn được thí điểm là Ngoại ngữ 1 ở trường phổ thông, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cũng nói thêm về sự bất bình đẳng trong giáo dục tiếng Hàn và tiếng Việt.
Theo ông Khoa, Hàn Quốc sử dụng tiếng Hàn như công cụ để truyền bá văn hóa và thu lợi kinh tế. Người Việt muốn sang Hàn Quốc làm việc hay du học phải học tiếng Hàn. Công ty Hàn Quốc ở nước ta khuyến khích nhân viên học tiếng Hàn. Hàng năm, số lượng người thi chứng chỉ tiếng Hàn để phục vụ các mục đích này lên đến 20.000-30.000 người, chi phí rất lớn.
Ông cho rằng việc phổ cập ngôn ngữ cần bình đẳng. Việt Nam cũng cần có chính sách để người nước ngoài sang Việt Nam làm việc phải biết tiếng Việt.
Theo Bộ GD&ĐT, "ngoại ngữ thứ nhất" là ngoại ngữ bắt buộc. Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung làm ngoại ngữ thứ nhất.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định về việc Tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.
"Ngoại ngữ thứ hai" là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.