- Sau 2 năm phát triển, Kiki đã có trên di động, ôtô và loa thông minh.
- Người dùng có thể ra lệnh cho Kiki thực hiện nhiều tác vụ bằng giọng nói như cung cấp thông tin thời tiết, phát nhạc...
-
Zalo AI Summit là sự kiện thường niên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), với sự góp mặt của các chuyên gia AI tại Việt Nam và trên thế giới. Từ khi được tổ chức lần đầu năm 2017, Zalo AI Summit mang đến các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Trong lần thứ 4 được tổ chức, Zalo AI Summit mang chủ đề "Ứng dụng của AI vào cuộc sống hàng ngày". Những khách mời tại sự kiện năm nay sẽ mang đến các giải pháp ứng dụng AI vào các lĩnh vực trong cuộc sống.
-
8h sáng, ban tổ chức đã bắt đầu cho khách mời check in và ổn định tại khu vực sân khấu. Sự kiện thu hút gần 200 khách mời, gồm hơn 200 kỹ sư, nhà nghiên cứu. Nhiều chuyên gia người Việt có ảnh hưởng trong cộng đồng AI trên thế giới, đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn.
-
Mở đầu sự kiện, ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo cho biết hệ sinh thái của Zalo đang có 60 triệu người dùng. Sau thành công của ứng dụng nhắn tin Zalo, AI là lĩnh vực tiếp theo được Zalo nghiên cứu phát triển với trọng tâm là sản phẩm "AI-first", bao gồm trợ lý ảo bằng giọng nói.
-
Theo ông Khải, giọng nói là phương tiện giao tiếp tốt nhất giữa con người và máy tính, có thể truyền tài dữ liệu với tốc độ rất cao. Vì vậy tiếng nói là công cụ giao tiếp tự nhiên nhất, vượt trội so với cách nhập liệu bằng bàn phím thông thường.
"Tiếng nói là công cụ để con người giao tiếp chính với máy tính trong thời gian 5-10 năm tới", ông Vương Quang Khải chia sẻ
-
Anh Trần Mạnh Hiệp, Admin diễn đàn Tinh Tế chia sẻ về trải nghiệm trợ lý ảo Kiki dành cho xe hơi. Tương tự Siri hay Google Assistant, người dùng có thể ra lệnh cho Kiki thực hiện nhiều tác vụ bằng giọng nói như cung cấp thông tin thời tiết, phát nhạc...
"Điểm mình thích nhất ở Kiki là nó nói với mình bằng tiếng Việt, và giọng nói rất tự nhiên", anh Hiệp cho biết.
-
Kiki được giới thiệu lần đầu tháng 12/2018 nhưng chỉ dành cho Android. Sau 2 năm phát triển, Kiki đã có mặt trên iOS, KaiOS, ôtô và loa thông minh. Tại sự kiện, anh Duy Nguyễn, đại diện nhóm phát triển Kiki đã chia sẻ kỹ hơn về cách trợ lý ảo này có thể "hiểu" được ngôn ngữ tự nhiên từ câu lệnh của người dùng.
-
Khách mời thích thú với trải nghiệm Kiki trên xe hơi
Anh Trần Mạnh Hiệp, admin Diễn đàn Tinh Tế trải nghiệm trực tiếp Kiki trên chiếc Maserati Levante. Những câu hỏi về thời tiết, chất lượng không khí hoặc tính toán đều được Kiki trả lời nhanh và chính xác. Khán giả phía dưới thích thú với khả năng hoạt động của Kiki.
-
Anh Sơn Nguyễn, đại diện nhóm phát triển Kiki chia sẻ về hệ thống hỏi đáp của Kiki, với mục tiêu là trả lời nhiều câu hỏi một cách chính xác, linh hoạt và cập nhật. Tuy nhiên, thách thức đối với nhóm phát triển là có rất nhiều loại câu hỏi, thiếu dữ liệu "huấn luyện", ngôn ngữ phức tạp và không có bộ máy tìm kiếm tích hợp.
-
Trải nghiệm trực tiếp Kiki trên loa thông minh
Để kích hoạt Kiki, người dùng chỉ cần nói "Kiki ơi". Những câu lệnh cơ bản như đặt báo thức, phát nhạc theo album được Kiki phản hồi và thực hiện nhanh chóng.
Ngoài ra, các câu hỏi khó hơn về kiến thức như "Dân số Hà Nội là bao nhiêu", "Việt Nam giáp với nước nào", "Tác giả thuyết tương đối là ai" cũng được Kiki trả lời đầy đủ, chính xác.
-
Chị My Nguyễn, đại diện Amazon Web Services (AWS) chia sẻ cách vận hành hệ thống máy học, một trong những khía cạnh quan trọng của AI.
-
Giáo sư Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST) chia sẻ từ xa về giải pháp sử dụng hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) giúp các nhà khoa học thu nhận thông tin tốt hơn, đóng góp vào việc chống đại dịch Covid-19 như nghiên cứu vaccine, các vấn đề tâm lý...
-
Ông Chương Nguyễn từ Zalo AI Labs chia sẻ về ứng dụng của AI trong báo chí, như kiểm duyệt nội dung văn bản và hình ảnh không phù hợp, lọc bình luận hoặc cải thiện nội dung tự động.
Một ví dụ được nhắc đến là nhận biết hình ảnh "đường lưỡi bò". Với bài toán này, AI sẽ được "huấn luyện" về những biến thể, hình dạng và vị trí của "đường lưỡi bò" với độ chính xác khoảng 67%.
-
Zalo AI Challenge là cuộc thi nhằm khuyến khích và cổ vũ nghiên cứu AI tại Việt Nam, nằm trong chuỗi sự kiện Zalo AI được tổ chức thường niên.
Ông Huy Nguyễn, đại diện ban tổ chức cho biết cuộc thi năm nay thu hút 1.000 đội tham gia trong và ngoài nước. Nhiều đại diện mới là sinh viên năm 3 hoặc 4, cho thấy các trường đại học đã đầu tư nghiên cứu về AI nhiều hơn. Theo ông Huy, các ứng viên cũng bắt kịp công nghệ khi tham khảo những tài liệu được đăng tải gần đây.
-
Zalo AI Challenge 2020 gồm 3 bảng đấu, mỗi bảng có một đề bài: nhận diện biển báo giao thông, xác thực giọng nói tiếng Việt và tóm tắt bài báo bằng tiếng Việt.
Đại diện đội Phoenix, quán quân bảng nhận diện biển báo giao thông, chia sẻ về giải pháp. Anh Bùi Thế Việt, đại diện của đội VietBT chiến thắng bảng tóm tắt bài báo.
-
Danh sách chiến thắng Zalo AI Challenge 2020
Bảng Nội bộ: Thảo Cầm Viên, Peace.
Bảng Nhận diện biển báo giao thông: Phoenix (quán quân), TDUS (á quân).
Bảng Xác thực giọng nói tiếng Việt: Nguyễn Vạn Nhã (quán quân), Cyberlogitec_RD_1 (á quân).
Bảng Tóm tắt bài báo tiếng Việt: ViệtBT (quán quân), NKT (á quân).
Zalo AI Summit 2020