Ngày một nhiều người dùng truy cập website của Amazon, thể hiện sự giận dữ khi đặt mua những chiếc iPhone 6S dung lượng 64, 128 GB với giá 800 – 900 USD nhưng nhận về cục đất sét.
Tuy nhiên, kỹ sư phần mềm Cory Klein khám phá ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Chẳng hạn, trên danh sách bán hàng của một đơn vị thuộc diện nghi vấn, ông nhận thấy có khoảng 570 đánh giá, trong đó 69% người mua đánh giá 5 sao, 9% khác đánh giá 4 sao.
Ông cũng đặt câu hỏi tại sao những người bán hàng này có thể lừa đảo khách hàng nhiều lần trước những quy định chặt chẽ về chính sách bán hàng của Amazon.
Cuối cùng Klein rút ra kết luận, không có người bán hàng nào cố tình lừa đảo ở đây. Kẻ lừa đảo chính là người mua.
“Kẻ lừa đảo tạo một tài khoản Amazon mới, mua iPhone và thanh toán một cách hợp lệ. Người bán sẽ chuyển hàng và UPS/FedEx chịu trách nhiệm ghi nhận cân nặng của sản phẩm. Kẻ lừa đảo sau đó nhận iPhone, thay thế iPhone bằng đất sét sau đó đăng bài đánh giá với hình ảnh làm bằng chứng rằng họ không nhận được chiếc iPhone nào”, ông chia sẻ trên trang blog cá nhân.
Trong trường hợp này, người bán không có bằng chứng nào chứng minh thứ họ cho vào hộp là iPhone chứ không phải đất sét.
Hình thức lừa đảo này tuy đơn giản nhưng hiệu quả khá cao bởi Amazon có chính sách bảo vệ người dùng rất nghiêm ngặt, trong khi người bán thường không quay video làm bằng chứng khi họ tiến hành đóng gói, vận chuyển những thiết bị đắt tiền.
Trong khi đó, rủi ro đối với những kẻ lừa đảo là rất thấp. Nếu chúng giành chiến thắng 1/10 lần tố cáo, có thể đút túi 1.000 USD. Nếu tố cáo không thành, chúng chỉ việc bán chiếc iPhone. Số tiền thất thoát chỉ là tiền vận chuyển sản phẩm.
Do mỗi lần mua sản phẩm, chúng đều sử dụng tài khoản mới nên rất khó để Amazon theo dõi hồ sơ mua hàng của họ, nhằm phát hiện hành vi gian lận.