Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trở lại với thảm họa lở núi kinh hoàng nhất Việt Nam

Trong một đêm, ngọn núi Kép Ky (ở Cao Bằng) đã vùi dập hơn 500 phu quặng đang say giấc ngủ. Thảm họa trên đã xảy ra từ thập kỷ 90 nhưng đến nay nhiều người vẫn không thể quên.

Những năm đầu thập kỷ 90, khi cái đói còn chưa dứt tại các làng quê Bắc Bộ, cơn sốt khai thác quặng với ước vọng đổi đời lên cao. Điểm đến lý tưởng khi đó được kể đến là mỏ mănggan đông bắc. Nơi ấy núi Kép Ky (xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) đã nuốt trọn hơn 500 phu quặng còn say giấc ngủ vào lòng.

Đã hơn hai thập kỷ trôi qua nhưng giờ đây dư âm ký ức năm ấy vẫn còn mới nguyên trong tâm trí những người dân phường Cam Giá - thành phố Thái Nguyên, mảnh đất đã mất đi hơn 50 người con “một đi không trở lại”.

22 năm ký ức của “ngôi làng giỗ chung một ngày”

Nhắc tới sự kiện sạt lở núi ở mãi tận huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), những ai tuổi ngoại tứ tuần ở phường Cam Giá - Thái Nguyên đều không quên được. 52 người thiệt mạng đều là trai đinh khỏe mạnh, tráng cường và đều là những trụ cột trong gia đình. Có người tuổi chưa tròn 19.

Cam Giá là phường nằm ở phía đông thành phố Thái Nguyên, bao trọn hai mặt bởi sông Cầu uốn khúc, nơi đây giờ vẫn hệt nguyên một làng quê thuần nông, lối xóm đan xen những thửa ruộng nhỏ lẫn vườn cây, ao cá.

 Một nhân chứng kể về vụ lở đất kinh hoàng tại khu vực là nấm mộ tập thể của các nạn nhân.
Một nhân chứng kể về vụ lở đất kinh hoàng tại khu vực là nấm mộ tập thể của các nạn nhân.

Trong bộ quần áo lao động đã sờn, anh Quảng (em rể của anh Ngô Viết Đoàn) tay liềm tay lúa nhanh tay cắt nốt những ngọn lúa cuối trong khoảnh ruộng kế bên nhà khi trời đã xế chiều.

Nhớ lại chuyện 22 năm về trước, anh Quảng chia sẻ: “Lúc đó cũng vừa hết vụ gặt, nhà nào nhà nấy đều sục sôi, anh em hô hào, dắt díu nhau lên đó đông lắm, trong xóm có con bà Nhường đi trước đào được, trúng quả mang tiền về nên về là cả xóm theo chân”.

Cả phường Cam Giá có 52 người thiệt mạng ở Trà Lĩnh thì riêng xóm Núi (tên gọi khi ấy), con số đã là 37. “Mộng ước làm giàu nên cả đất Thái Nguyên này còn sôi sục đi đào quặng chứ huống chi là đất Cam Giá này, khi ấy vợ tôi không mang bầu đứa đầu 6 tháng thì tôi cũng theo anh Đoàn lên đó rồi”, anh Quảng tâm sự.

Trong 52 người bỏ mạng nơi xứ người ấy, có không ít là anh em họ hàng. Nỗi đau cha mất con, vợ mất chồng, trẻ thơ mất bố vì thế mà càng lớn xiết bao. “Có những gia đình trong một đêm mất 3 người con trai, hay có nhà nặng nhất mất con mất cháu đếm tới 6 người, những gia đình mất 2 người con - cháu thì nhiều lắm”, anh Ngô Viết Trung kể.

Anh Trung là một trong những người ở Cam Giá lặn lội lên Kép Ky tìm thi thể người thân sau khi nghe tin động trời, nhớ lại: “Trưa hôm sau, điện từ thành phố đánh xuống, tôi phóng chiếc xe kích vào làng trong vô thức mà quên mất mọi con đường lớn đều ngập mưa không đi được.

Tiếng gào thét, khóc lóc từ trong làng vượt biển nước vọng ra còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Chúng tôi thuê chiếc xe zin-khơ đi thẳng lên Cao Bằng mà phải ngày thứ hai mới lên tới thị trấn Trà Lĩnh, vì đường sạt phải đi bộ mấy đoạn.

Trong lòng ai cũng thấp thỏm vì không biết bạn bè anh em sống chết ra sao. Đoàn đi hơn 15 người, người nào người nấy chỉ kịp xách vội theo người 2 cái bánh chưng, cả ngày đường leo dốc rồi lại đi bộ, mệt và đói nhưng nghẹn đắng không ai nuốt nổi”.

Hơn 500 người chết là con số được công bố, “nhưng trên thực tế số người chôn sâu dưới lớp đất đá trăm mét ấy có thể lên đến gần nghìn người, rồi cả những người bỏ mạng mà người nhà không ai hay biết”. Chúng tôi gặp ông Vũ Ngọc Đảm trong căn nhà nhỏ cũ kỹ, trống trải, nhuốm màu thời gian.

Thân hình ông lão tuổi gần 80 nom gầy gò, khắc khổ. Trong bộ quần áo nhuộm nâu đã bạc màu, ông vẫn chăn trâu vào mỗi buổi chiều. Ông Đảm có 5 người con trai thì 2 người đi làm quặng và “ngủ” lại mãi mãi ở Kép Ky, 2 người khác bệnh ốm đã mất nên giờ ông chỉ còn lại người con trai cả lo bề hương khói.

Khi chúng tôi hỏi những người con của ông sinh năm nào, ông đưa tay nhẩm tính, trí nhớ đã giảm dần theo tuổi già.

Nhưng khi nhắc tới ngày mất của các con, ông lại nhớ như in, vậy mới thấy nỗi đau “người đầu bạc tiễn người đầu xanh” lớn như thế nào. Con trai út của ông là người trẻ nhất ở Cam Giá nằm lại dưới núi Kép Ky, chàng trai Vũ Văn Khuê theo anh trai Vũ Văn Hòa lên lán đào quặng khi mới qua tuổi 18.

Trước khi chúng tôi ra về, ông Đảm xúc động nói nhẹ: “Vậy đó, cứ 25/6 hằng năm là cả làng làm giỗ, cả làng ăn giỗ, chẳng ai đến nhà ai cả”.

Ký ức phu quặng và chiếc đồng hồ dừng kim ở 2h

Hơn 500 người nằm lại dưới lòng khe suối, một vài người thoát chết, những người may mắn vuột khỏi lưỡi hái tử thần đêm ấy vẫn không lý giải được tại sao mình còn sống, “có lẽ là do số trời”.

Chàng thanh niên Trần Văn Quyền và Lê Văn Toàn ngày ấy là 2 trong số 3 người may mắn trong chiếc lán cuối cùng bị “cơn sóng thần” đất đá từ đỉnh núi trong đêm “liếm” tới. Trong ngôi nhà ba gian lợp ngói đã ngả màu, anh Quyền nhấp hụm chè mới pha nhớ lại:

 Bất chấp nguy hiểm, hiện nay người ta vẫn tiếp tục đào quặng ở Kép Ky.
Bất chấp nguy hiểm, hiện nay người ta vẫn tiếp tục đào quặng ở Kép Ky.

“Đêm ấy, khi tất cả đã đi ngủ, một tiếng “ầm” như sấm rền trên đỉnh đầu, sau đó tôi thấy mình ở lưng chừng đồi bên kia. Lúc đó tôi còn trộm nghĩ “hay là Trung Quốc nó bắn pháo đánh mình?”.

Bật dậy, tôi và anh Toàn không hiểu chuyện gì xảy ra nên cứ chạy, cứ chạy, xung quanh toàn là đất đá, cứ chạy mãi đến khi nghe thấy tiếng kêu cứu, chúng tôi lao xuống đồi. Khi ấy vẫn đang mưa tầm tã, trời tối om không một chút ánh sáng, chúng tôi cứ chạy theo hướng tiếng kêu cứu thôi”.

Cả một dải lòng khe rộng lớn bị đất đá của hai rông núi đổ ập xuống. Hàng vạn tấn đất đá ngấm nặng nước mưa theo dòng từ trên đỉnh cao lao xuống như con sóng dữ, chôn vùi tất cả. Anh Quyền đến giờ vẫn không hiểu tại sao thần chết “tha bổng” cho mình: "Hôm đó, trời mưa từ khoảng 15h, mưa thì chúng tôi không làm được, đất quặng nặng kéo sao cho nổi. Hôm ấy là tròn một tuần tôi lên lán, mấy ngày trước đào trúng vỉa, quặng mănggan đen xì như than. Đào 2 ngày được khoảng chục tấn, chúng tôi bán luôn cho cai Trung Quốc được 90.000 đồng. 

“Đời chuột chũi” đào đá khoan hầm là vậy, cứ vỉa là đào, người may thì gặp, người xui thì đào mãi cũng chỉ được đất. Ngọn núi Kép Ky có đỉnh cao nhưng ngọn chỉ là cái sái (đất mượn) khi nhà máy gang thép khai thác từ bên kia đổ sang thành chóp núi thôi. Dân làm quặng tự do cứ đào ở tầm thấp, đào rỗng hết chân núi.

Mưa to cả ngày nên cả ngọn núi được ngấm nước nặng hơn. Đêm đến mới sạt chóp núi xuống, đất sụt xuống khe suối, xuống chân núi, khi đất đá tràn xuống khe thì đẩy ngược lên. Cả khe suối như một cái chảo khổng lồ bị dội nước mạnh xuống. Đất đá cuộn lại, ôm tất cả những gì trong lòng khe vào trong”.

Và anh ví von mình cùng anh Toàn như hai con kiến được dòng nước đổ vào chảo làm hất lên nên may mắn thoát kiếp nạn, mà lạ thay không xây xát gì. Trong dòng trí nhớ ấy, anh không giấu được vẻ thất thần.

Lặng người một hồi lâu, nghĩ tới thân mình may mắn thoát nạn, khi nhắc tới những người xấu số còn lại, những người anh em mới đó còn tay chuyền từng xô quặng, góp tiếng cười lấy sức đào núi khoét hầm giờ đã nằm sâu dưới trăm mét đất, anh Quyền nghẹn ngào:

“Cả một dãy gần 20 lán, mỗi lán 8 người mà nó (đất đá) chỉ chừa lại hai lán phía trên, còn lại nuốt hết, chả chừa lán nào. Tôi chỉ chỗ lán mình cho mọi người đào bới, tảng đá một mét rưỡi kê lán còn nguyên đó, nhưng cả người và lán thì cuốn sạch không còn thấy gì. Có người bị đất cuốn, lộn ngược cây chuối, kéo được thi thể lên thì đã tắt thở, quần áo rách nát, chỉ còn thấy chiếc đồng hồ đeo tay đã đứng kim chỉ 2h sáng”.

Người mà anh Quyền nói vui với chúng tôi rằng “hai đứa tao ôm nhau ngủ đêm ấy nên may ra sống là cả hai đều sống đấy” là anh Lê Văn Toàn. Đêm núi rừng mưa dầm, nước hắt vào trong lán, cái rét giữa đêm rừng núi là điều mà mỗi phu quặng đều phải làm quen từ ngày ngủ lán làm quặng.

Gặp anh Toàn khi trời cũng đã xế chiều, công việc nhà nông ngày mùa bận rộn, quệt ngang dòng mồ hôi còn vương trên trán, anh Toàn nhớ lại: “Đêm ấy mới là đêm thứ hai tôi lên lán.

Buổi chiều dựng lán mới xong thì trời cũng đổ mưa, vậy là mấy anh em sẵn rượu mới mang, hai lán - mười sáu người “xông đất” lấy may để hôm sau bắt đầu đào quặng. Đêm mưa rừng thì buồn, mấy anh em trong lán còn hứng khởi ngồi chơi tú lơ-khơ quỳ cho tới giờ ngủ khi ai nấy cũng đã ngà ngà men rượu…”.

Điểm chung mà chúng tôi nhận thấy khá rõ ở những người đàn ông này là khuôn mặt lao động khắc khổ, tuổi ngoài 40 nhưng những nếp nhăn đã dồn dòng, da đen sạm vì nắng và gió.

Nhưng ai cũng cảm thấy thoát kiếp nạn khi xưa thực sự là một điều kỳ diệu và không ngờ tới, anh Toàn cho chúng tôi biết còn biết bao người xấu số khác “đi làm quặng như chúng tôi đã đành, còn biết bao nhiêu người ở Trà Lĩnh vào bán hàng, đủ thứ gạo muối, cá khô, chăn màn…”.

500 con người với đủ thứ nghề, có người bán người buôn, có cả gái làng chơi, có cả bọn buôn ma túy lẻ tranh thủ kiếm ăn, tất cả cũng chỉ vì “miếng cơm manh áo”.

Trong sân nhà, vợ và bà mẹ anh Toàn vẫn đang tranh thủ chờ cơm tối mà buộc treo những bắp ngô đã phơi khô. Nếu ngày ấy anh cũng nằm lại ở nấm mồ chung thì giờ đây cũng chỉ còn lủi thủi 2 bóng già và người vợ góa (năm ấy 2 vợ chồng anh mới cưới được 6 tháng).

Cuộc đời run rủi cho ít người được may mắn nhưng mừng sao 2 anh có gia đình đầm ấm, sống để phụng dưỡng bố mẹ già, để chăm sóc con thơ, hết hẳn kiếp “chuột chũi” lầm than, bon chen làm “quặng tặc” ở miền rừng thiêng nước độc xa quê hương rủi ro luôn rình rập.

Trở về từ Kép Ky cũng là lần cuối cùng anh Toàn đi làm phu quặng. Sau sự ám ảnh một thời gian dài, anh cùng vợ cấy lúa, trồng ngô, thêm việc làm thợ nề, chạy công nông, cuộc sống không giàu có nhưng vợ chồng con cái vun vầy.

Giờ đây ở nơi khe núi Kép Ky năm xưa chỉ còn ngôi mộ tập thể với tấm bia ximăng đắp nổi nét mờ nét vỡ. Tấm bia vẫn nguyên dòng chữ “Bia ghi nhớ tai nạn lở núi ngày 24/7/1992” đã bám rêu, phai bạc, nhuốm màu thời gian.

Bên cạnh tấm bia là bàn thờ giữa rừng hoang, những viên ngói lớp che mưa che nắng cũng đã vỡ hai phần.

Dưới ngọn núi ấy, hơn 500 con người nằm lại đều mang danh “quặng tặc” đã yên nghỉ cùng núi rừng. Kép Ky là ngôi mộ chung được biết đến chỉ sau nhà mồ Ba Chúc với 1.151 di cốt đồng bào ta bị Pol Pot giết hại trong 12 ngày.

Ấy vậy mà 22 năm qua, dọc trên mảnh đất hình chữ S này, vẫn có phu quặng nằm dưới hầm sập, đất đá vùi chôn như một điều không lạ. Chua xót quá!

http://laodong.com.vn/phong-su/tro-lai-voi-tham-hoa-lo-nui-kinh-hoang-nhat-viet-nam-219895.bld

Theo Huy Ba - Vũ Hưng/Lao Động

Bạn có thể quan tâm