"Đây hoàn toàn là trang giả mạo tập đoàn Viettel. Chưa rõ nguyên nhân nhưng người dùng tránh cung cấp thông tin cá nhân cho những trang này", đại diện truyền thông Viettel cho biết.
Thời gian gần đây xuất hiện mẫu quảng cáo từ trang Facebook có tên "Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel". Quảng cáo này có nội dung tặng thẻ cào Viettel cho người dùng chia sẻ và bình luận dòng chữ "thời gian đẹp".
Việc bán quảng cáo cho các trang lừa đảo của Facebook ảnh hưởng lớn đến hình ảnh các thương hiệu tại Việt Nam. |
Hiện mẩu quảng cáo này nhận được gần 2.000 lượt tương tác, 3.000 bình luận và 1.000 lượt chia sẻ.
Sau khi bình luận nội dung "thời gian đẹp", trang này sẽ tự động nhắn tin tới người dùng dạng botchat. Đồng thời, trang này yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số điện thoại để có thể nhận thưởng.
"Nếu không tặng cả nhà không ai dùng Viettel nữa nhé", tài khoản Facebook Ánh Tuyết bình luận. Không riêng người dùng Ánh Tuyết, hàng trăm người dùng khác cũng đồng quan điểm nếu không nhận được thẻ cào, họ sẽ tẩy chay nhà mạng này.
"Mẫu quảng cáo này gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến uy tín của Viettel rất lớn. Tuy vậy, ngoài cách báo cáo thủ công và chờ Facebook xét duyệt, chúng tôi không còn cách nào liên hệ với mạng xã hội này. Hiện Viettel sử dụng duy nhất một trang có dấu xác nhận từ Facebook", đại diện Viettel nói thêm.
Nhiều khách hàng hiểu lầm trang giả mạo này là của Viettel. |
Theo ông Lê Minh Hiệp, người am hiểu về các thủ thuật trên Facebook, đây là cách phễu thông tin người dùng, phục vụ cho tính năng botchat. Cách phễu thông tin này khá hiệu quả bởi nó tạo được lòng tin cho người dùng khi kết hợp mua quảng cáo và tin nhắn tự động.
"Khi người dùng để lại số điện thoại và tên, những trang này sẽ sử dụng cho việc spam tin nhắn quảng cáo. Điều này dựa trên cơ chế cho phép fanpage nhắn tin cho khách hàng đã từng nhắn tin", ông Hiệp nói thêm.
Ngoài ra, chuyên gia này còn cảnh báo người dùng tuyệt đối không giao thông tin cá nhân cho bất cứ trang nào. Bởi có thể, những trang này sẽ dùng thông tin đó tấn công, chiếm quyền ngược Facebook người dùng.
Bên cạnh đó, việc tăng lượt thích cho fanpage sau đó bán lại cho những người bán hàng trực tuyến cũng là một món lợi hiện hữu của chiêu trò lừa đảo này.
Hiện những quảng cáo này đã biến mất khỏi Facebook. Hiện trang Facebook giả mạo này đã được gỡ bỏ sau những nỗ lực làm việc từ Viettel với đại diện Facebook.