Và ít ai biết được rằng, ông cũng đã từng làm ông chủ của một ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ. Ở tuổi gần 70, thậm chí phải rời xa gia đình, nhưng ông vẫn từ bỏ mọi cơ hội, để ở lại Việt Nam theo tiếng gọi của trái tim, với mong muốn tiếp tục đóng góp điều gì đó trong sự phát triển của ngành ngân hàng nước nhà.
- Được biết, ông theo gia đình định cư và làm việc ở nước ngoài từ trước khi giải phóng. Vậy cơ duyên nào đưa ông quay trở lại Việt Nam?
- Câu chuyện của tôi bắt đầu từ năm 1991, khi được vinh dự tham gia phái đoàn của tiểu bang California đến Việt Nam gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lập lại quan hệ mậu dịch giữa California và Việt Nam. Ở thời điểm đó, tôi đang làm cho Ngân hàng Standard Chartered Bank (SCB) của Anh ở Los Angeles, California, có hội sở khu vực ở Singapore, và SCB Singapore đang có ý định xin mở văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Thực tế, trước năm 1975, SCB cũng đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) thì tất cả các ngân hàng nước ngoài ở Sài Gòn đều phải đóng cửa. Và trong những ngày phái đoàn của chúng tôi làm việc ở Hà Nội, tôi có dịp tiếp xúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và đã thành công trong việc xin Chính phủ cấp giấy phép cho SCB mở văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Sau những ngày ở Hà Nội, tôi vào Sài Gòn cùng với phái đoàn. Tại đây, tôi đã nhận được điện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rằng đã cấp giấy phép cho SCB. Đáng lẽ ra vào thời điểm đó tôi đã có cơ hội quay trở về Việt Nam và làm việc cho SCB tại Việt Nam, tuy nhiên do có nhiều thay đổi trong quyết định về nhân sự của SCB, nên mọi việc đã không như dự kiến.
Phải đến năm 1995, tôi nhận được lời mời của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) về Việt Nam đảm nhiệm vị trí là Phó tổng giám đốc chi nhánh ngân hàng này tại Việt Nam, phụ trách kinh doanh tín dụng và các định chế tài chính. Sau đó, tôi phải đưa cả gia đình trở lại Mỹ, vì bà cụ thân sinh ốm nặng.
Trong quãng thời gian trở lại Mỹ, cùng với một số người bạn Mỹ và Việt Nam, tôi quyết định thành lập ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ, với tên gọi First Vietnamese American Bank (FVAB), dịch sang tiếng Việt là Đệ nhất Ngân hàng Việt Mỹ. Ngân hàng FVAB được thành lập với số vốn 15 triệu USD.
Khi thành lập ngân hàng người Việt đầu tiên tại Mỹ, tham vọng của tôi không dừng lại ở việc phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ, mà còn có mơ ước cao hơn, là làm cầu nối phát triển thương mại, tài trợ mậu dịch giữa các nhà băng Việt Nam với Mỹ. Tuy thất bại, nhưng việc thành lập được một ngân hàng của người Việt tại Mỹ là minh chứng cho sự trưởng thành của cộng đồng thiểu số người Việt trên đất Mỹ trong lĩnh vực tài chính, bên cạnh các cộng đồng người Hoa, người Do Thái...
Và đó có thể coi là một thành công. Điều khiến tôi vui mừng nhất là hai ngân hàng hàng đầu của Việt Nam là Vietcombank và Incombank (nay là VietinBank) đều đã sang tham quan mô hình và lập quan hệ với Đệ nhất Ngân hàng Việt Mỹ trong những năm nó tồn tại, và xem là đầu tàu của vấn đề mậu dịch của Việt Nam với bên kia Thái Bình Dương.
TS Nguyễn Trí Hiếu. |
Tiếc là đến năm 2007, dù phát triển tốt, FVAB vẫn không tránh khỏi vòng xoáy suy thoái của kinh tế Mỹ. Bong bóng bất động sản nổ tung kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng hàng đầu. Xu hướng mua bán, sáp nhập ngân hàng bùng lên, FVAB sau đó được bán cho một nhà băng khác vào năm 2009.
Vào thời điểm này, một người bạn thân của tôi -TS Lê Xuân Nghĩa (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) - đã khuyên tôi trở về Việt Nam, để cùng với các anh em trong nước đóng góp xây dựng ngành ngân hàng Việt Nam.
Khi mới về, tôi được giới thiệu giúp hai ngân hàng tại Hà Nội với tư cách là tư vấn cao cấp cho HĐQT. Cuối năm 2009, tôi được giới thiệu đến Ngân hàng An Bình và tham gia HĐQT với tư cách là thành viên độc lập, phụ trách xây dựng và phát triển ABBank. Sau đó là OceanBank và hiện nay là Việt Nam CB.
- Quan điểm cá nhân của ông về sự phát triển ngành ngân hàng Việt Nam?
- Đất nước sau chiến tranh đã mất một thời gian dài xây dựng trở lại, và phải đến những năm 90, ngành tài chính Việt Nam mới thực sự mở cửa với bên ngoài. Trong thời gian này, nợ xấu của các ngân hàng trong nước rất cao, nhưng cần phải hiểu là nợ xấu ở thời điểm đó hoàn toàn khác với nợ xấu bây giờ.
Trong thời gian năm 1995, khi làm việc tại Deutsche Bank ở Việt Nam thì tôi còn là thành viên tổ tư vấn của Chính phủ, gồm 4 người Việt ở nước ngoài và một số chuyên gia trong nước. Đây là tổ tư vấn được lập ra để khảo sát Agribank và đề xuất cải tổ.
Nếu thành công ở đề án này, mô hình sẽ được mở rộng cho toàn hệ thống ngân hàng. Sản phẩm có giá trị nhất của tổ tư vấn này, tính đến hôm nay là cuốn sách về đề án tái cấu trúc Ngân hàng Nông nghiệp. Sau đó, tôi phải đưa cả gia đình trở lại Mỹ vì bà cụ thân sinh ốm nặng. Những người còn lại của tổ tư vấn cũng lần lượt rời bỏ dần. Nên tiếc nhất là chưa thực hiện được tái cấu trúc ngành ngân hàng lẽ ra đã làm từ những năm 1997.
Đến năm 2009, khi về lại Việt Nam, tôi thật sự ngạc nhiên với sự phát triển quá nhanh của hệ thống ngân hàng trong nước. Lúc đó, tôi thật sự rất phấn khởi khi so sánh hai bức tranh của hệ thống ngân hàng ở hai thời kỳ tôi làm việc.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại thì tôi thấy có vấn đề, là các ngân hàng Việt Nam đã tăng trưởng quá “nóng”. Việc tăng trưởng quá nóng trong những năm vừa qua của ngân hàng Việt Nam không nền kinh tế nào có. Tăng trưởng tổng tài sản của nhiều ngân hàng tăng trưởng 100%, thậm chí là có ngân hàng tăng trưởng 200%.
Câu hỏi đặt ra là họ tăng trưởng bằng cách nào? Tôi cũng đưa ra những lời cảnh báo với những nhà lãnh đạo. Và cho đến hôm nay thì mọi thứ cũng đã như chúng ta đang thấy. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ.
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống ngân hàng của chúng ta đã bắt đầu thời kỳ minh bạch và phát triển tốt. Nhưng theo quan điểm của tôi thì hệ thống ngân hàng của chúng ta lại đang ở trong một giai đoạn suy thoái, nhưng lại là một giai đoạn suy thoái cần thiết để thay đổi.
Ở trong giai đoạn này, không phải chỉ đưa ra những giải pháp là có thể tạo ra một bức tranh đẹp cho ngành ngân hàng. Mà cần phải có một định hướng rõ ràng, và tôi cũng nhìn thấy NHNN đang có một định hướng rõ nét trong quá trình tiến tới minh bạch.
Trong thời gian tới khi chúng ta bước vào quá trình hội nhập, sự thay đổi sẽ đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn nữa từ nhiều phương diện, như con người quản lý, quan điểm, tầm nhìn của các ông chủ ngân hàng, nguồn vốn…, nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Hiện nay, chúng ta đã thấy các ngân hàng nước ngoài đang xâm lấn thị trường một cách mạnh mẽ, và thậm chí là họ xâm lấn một cách bị động. Vì các ngân hàng trong nước đang gặp quá nhiều vấn đề khiến niềm tin của khách hàng ngày càng giảm sút. Đến khi mọi cánh cửa đều mở toang thì sự cạnh tranh sẽ càng lớn.
- Nhìn lại quãng thời gian làm việc ở Việt Nam, ông có suy nghĩ gì? Ông sẽ gắn bó với ngành ngân hàng Việt Nam trong bao lâu nữa, thưa ông?
- Khi quyết định trở về Việt Nam làm việc, người thân và gia đình tôi không đồng ý. Nhưng tôi vẫn quyết tâm về nước để làm điều gì đó cho quê hương. Với đất nước, tôi nghĩ mình đã đóng góp một phần qua công việc hằng ngày. Với cá nhân, tôi hài lòng vì mình vẫn tiếp tục thực hiện những mục tiêu mà mình đặt ra. Điều tôi chưa hài lòng trong năm qua là chưa đạt được những điều mong muốn. Trong công việc, tôi muốn mình đi lên hàng đầu. Trong cuộc sống muốn làm nhiều điều, đóng góp rất nhiều nhưng chưa đạt được.
Những chuyên gia kinh tế có tâm, có tầm đều muốn một sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng để đất nước phát triển. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những ý kiến đóng góp của các chuyên gia chưa được lắng nghe đúng mức, vì vậy khiến không ít người có tâm trở nên chán nản. Tuy nhiên với tôi, những đóng góp cho sự phát triển của đất nước đã trở thành mục tiêu sống trong cuộc đời và là sự trăn trở của riêng bản thân.
Tôi không biết đến lúc nào mình sẽ dừng lại. Thời gian còn nhiều cho tôi, tôi chưa nói trước điều gì cả. Trước mắt tôi sẽ hết mình cho công việc hiện tại, và hy vọng sẽ có thể đóng góp được nhiều cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng nước nhà.
- Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Trí Hiếu sinh năm 1947. Ông có bằng tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Ludwig Maximilians, Đức. Ông đã có 35 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và tại Việt Nam. Cũng là người lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ năm 2005, mang tên First Vietnamese-American Bank (FVAB) với vốn ban đầu là 15 triệu USD.
Năm 2007-2008, kinh tế Mỹ khủng hoảng và suy thoái toàn cầu, nguyên do bắt nguồn từ thị trường bất động sản. Ngân hàng của ông cho vay các cá nhân và doanh nghiệp trong địa hạt quận Cam (Orange County), trong đó có cho vay bất động sản. Khi thị trường đi xuống thì nợ khó đòi, nợ xấu và có khả năng mất vốn đã phát sinh. Năm 2009, Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Green Point Bank ở Los Angeles.
Đầu năm 2009, theo lời mời của bạn thân là TS Lê Xuân Nghĩa, ông đã trở về Việt Nam đóng góp xây dựng ngành ngân hàng Việt Nam. Ông là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam. Ngoài vai trò là tiến sĩ kinh tế, Nguyễn Trí Hiếu còn là một giáo sư môn Aikido (Hiệp khí đạo) tại Mỹ.