Bắt tay xây dựng vào năm 1992, khi đất nước vẫn còn rất nghèo nàn, khó khăn, đường dây điện Bắc - Nam 500 kV vẫn được thi công và hoàn tất như một câu chuyện cổ tích đẹp kết thúc có hậu và là mốc son lịch sử, công trình thế kỷ, minh chứng cho sức mạnh phi thường của con người Việt Nam.
Công trình được thực hiện theo chủ trương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cũng là người đưa ra các quyết định quyết đoán mang tính bước ngoặt đối với dự án. Tuy nhiên, còn có một nhân vật khác gắn liền với kỳ tích đó.
Ông được xem như cánh tay đắc lực, người thư ký “ruột” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những năm tháng xây dựng đường dây điện lịch sử. Nhưng số phận cũng không mỉm cười với ông cho đến phút chót. Ông bị bắt và kết án 3 năm tù khi đang đương chức bộ trưởng.
Ông là Vũ Ngọc Hải - nguyên Bộ trưởng Năng lượng.
Nhân 25 năm ngày khánh thành và đưa điện vào miền Nam bằng đường dây truyền tải 500 kV Bắc - Nam, phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện với ông.
Có ngày sinh nhật thứ 2 nhờ công trình thế kỷ
- Thưa ông, đã 25 năm kể từ ngày đóng điện 500KV Bắc Nam, ông đã đi qua 25 năm mùa “sinh nhật” của công trình thế kỷ này với những cảm xúc như thế nào?
- Tôi cho đó là sự may mắn đối với cuộc đời mình, may mắn vì tôi trở thành một phần của đường điện 500 kV. Cứ đến ngày 27/5 hàng năm, tôi lại nhận được những cú điện thoại, những lời chúc mừng. Điều này giống như cuộc đời tôi có thêm một ngày sinh nhật vậy.
Đó là những chuyện vui. Còn điều quan trọng nhất là đường điện 500 kV đã đặt nền móng cho những công trình điện lưới sau này. Vai trò của điện lưới trong việc phát triển nền kinh tế, xã hội ngày nay chính là lời khẳng định cho những thành công và ý nghĩa của công trình 500 kV.
Cựu Bộ trưởng Năng Lượng Vũ Ngọc Hải. Ảnh: VTC News. |
- Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, khi đất nước vẫn còn nghèo, việc quyết định xây dựng một “siêu công trình” thế này chắc chắn phải có lý do rất đặc biệt?
- Đường điện 500 kV xuất phát từ nhu cầu thiết thực cấp điện cho miền Nam những năm 1992. Lúc đó miền Nam thiếu điện trầm trọng trong khi miền Bắc đang thừa điện.
Một ngày đầu xuân năm 1991, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tôi và một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng Việt Nam đến dùng bữa cơm tại nhà khách của Công ty Điện lực 2 ở TP.HCM. Mục đích là bàn về việc “làm cách nào để đưa điện vào miền Nam”.
Lúc đó, tôi nói chỉ có một cách đó là xây dựng đường dây siêu cao áp. Nhưng giữa lúc đất nước đang đối diện với nhiều khó khăn về vật chất, nhiều ý kiến chưa thực sự đồng tình, thậm chí phản đối, việc xây dựng đường dây cao áp dài 1.500 km với 3.000 cột trụ điện liệu có thực sự khả thi không? Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra “tối hậu thư” phải hoàn thành trong 2 năm và giao tôi phải trả lời sau 3 ngày.
- 3 ngày đó, ông đã suy nghĩ và trả lời cố Thủ tướng như thế nào?
- Sau chỉ đạo của anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi và những cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng lúc bấy giờ phải “vắt óc” suy nghĩ và tính toán đầy trăn trở.
Chúng tôi quyết tâm phải làm bằng được đường điện 500 kV vì chỉ có cách này điện mới vào miền Nam được. Cả miền Nam lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, doanh nghiệp miền Nam gửi thư kêu cứu ra miền Bắc để được cấp điện.
- Tính khẩn thiết của công trình là vậy nhưng nghe nói ông và các đồng nghiệp đã gặp không ít rào cản trong quá trình thực hiện?
- Nhiều khó khăn vô cùng. Đầu tiên là những ý kiến phản đối vì cho rằng công trình sẽ gây lãng phí ngân sách. Một luồng ý kiến khác lại đề xuất bán điện sang Trung Quốc để thắt chặt mối quan hệ bang giao của hai nước.
Nhưng vướng mắc lớn nhất đó là kinh tế. Lúc bấy giờ kinh tế rất khó khăn, công trình quy hoạch là đến năm 1995 nhưng năm 1992 đã bắt đầu, cái này không có trong kế hoạch mà phải chi hàng trăm nghìn tỷ. Nhưng chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cuối cùng công trình đã được khởi công trong sự quyết tâm cao độ.
Ngày 5/4/1992, giữa lúc Quốc hội đang có cuộc họp quan trọng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo khởi công công trình tại các cụm điểm: một vị trí ở Mãn Đức (Hòa Bình), một vị trí ở Hòa Sơn - Hòa Vang (Đà Nẵng) và một vị trí ở Phú Lâm.
Cựu Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn Kỷ niệm chương đường dây 500KV trong trại giam Thanh Xuân. Ảnh: VTC News. |
Gùi từng bao xi măng vượt núi, băng rừng
- Công trường thi công trải dài đất nước, vượt trùng điệp núi rừng Trường Sơn, qua 7 con sông lớn, lại được hoàn thành một cách nhanh chóng trong vòng 2 năm 1 tháng 22 ngày. Có khoảng bao nhiêu người tham gia siêu dự án này, thưa ông?
- Làm sao thống kê hết được. Riêng ngành điện đã phải huy động 20.000 cán bộ công nhân viên, ngành xây dựng huy động 12.000 người, ngành quốc phòng huy động 4.000 người, ngành giao thông vận tải huy động 7.000 người.
Đó là chưa tính lực lượng đồng bào địa phương tại chỗ đã đóng góp sức lực. Có rất nhiều vị trí hiểm trở, máy móc không thể đưa lên nên buộc phải huy động người địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng như đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo…
Nhưng trong cái khó mới biết tinh thần đoàn kết của nhân dân mình vĩ đại và tuyệt vời như thế nào. Tôi chẳng thể nào quên những đồng bào công giáo Quảng Trị đã ghép hàng trăm con thuyền để giúp kỹ sư kéo dây điện qua sông. Tôi mang ơn những đồng bào dân tộc đã vất vả gùi vật liệu vượt núi để làm đường điện 500 kV.
- Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm đường dây 500 kV?
- Đầu tiên là phải nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng nói với tôi, ông rất lo, nếu đường dây 500 kV mà thất bại thì ông sẽ từ chức.
Lúc đó tôi chỉ nói “làm sao để Thủ tướng từ chức được”. Tư tưởng đó bám theo toàn thể cán bộ công nhân viên suốt cả chặng đường làm công trình. Nếu Thủ tướng từ chức thì có nghĩa là Việt Nam làm không tốt. Suy nghĩ đó khiến tất cả công nhân anh em, rồi cán bộ kỹ sư nỗ lực phát huy trí tuệ.
Tuy chúng tôi có liên hệ với một số chuyên gia nước ngoài như Nga, Israel, Canada, Bỉ nhưng cái chính vẫn là lực lượng trong nước. Công trình này có thể nói đã huy động được tổng thể trí lực của đội ngũ người lao động đạt mức tối đa, kỹ sư phát huy chất xám tốt, công nhân thì tinh thần rất cao. Đây là nhân tố rất quan trọng.
Điều quan trọng nữa là lòng tự hào. Công trình lớn này mở đầu cho ngành điện toàn quốc. Tôi nói với anh em ngành điện phải tự hào bởi vì không có nước nào làm được đường dây 1.500 kV trong khoảng 2 năm, mà bắt đầu khi chưa có lộ trình. Không chỉ hoàn thành, giá trị kinh tế của công trình còn không vượt mức đề ra.
Mức quyết toán là 5.713 tỷ đồng nhưng thực hiện 5.237 tỷ, tức là còn tiết kiệm được so với dự toán là gần 500 tỷ. Vì vậy, có thể coi là công trình vừa đảm bảo chất lượng và vừa đảm bảo kinh tế.
- Công trình 500 kV mang đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những tháng ngày làm việc cùng cố Thủ tướng hẳn rất khó quên đối với ông?
- Chúng tôi gặp nhau thường xuyên, từ trên bàn họp đến công trường, thậm chí cả lúc nửa đêm. Một lần, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi tôi đến nhà gấp để “bàn việc”. Nhưng khi tôi đến thì anh Sáu Dân lại yêu cầu tôi “họp” với “bà Cầm” (bà Phan Lương Cầm, phu nhân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
GS-TS Phan Lương Cầm là nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực điện hóa - ăn mòn kim loại của Việt Nam. Bà muốn trao đổi với tôi về các kỹ thuật chống ăn mòn kim loại tại công trình đường điện 500 kV. Sau khi được tôi trình bày thì bà ấy hoàn toàn yên tâm về công trình.
Sau đúng 2 năm 1 tháng 22 ngày, công trình được hoàn thành và đi vào khai thác. 19h06 ngày 27/5/1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ lệnh hòa lưới điện quốc gia thành một mạng thống nhất.
“Những ngày trong tù, chỉ lo cho đường điện 500KV”
- Trong thời khắc thiêng liêng lưới điện 500 kV Bắc - Nam, ông lại đang ở trong trại giam?
- Đúng vậy, lúc đó tôi đang ở trại giam Thanh Xuân. Nhưng tình hình công trình đến đâu, tiến độ như thế nào tôi nắm được hết. Tôi ở tù nhưng thường xuyên có anh em vào thăm.
Có lẽ không có tù nhân nào lại có vinh hạnh được Thủ tướng rồi Phó thủ tướng vào thăm như tôi. Sau đó là cuộc ghé thăm của 28 vị bộ, thứ trưởng và phu nhân của 2 bộ trưởng.
Có đoàn doanh nghiệp từ miền Nam ra tận trại giam gặp tôi chỉ để cám ơn vì đã làm đường điện 500 kV; đoàn văn công cũng tìm đường đến thăm vì nhờ có công trình 500 kV mà sân khấu của họ được sáng đèn. Đó là những niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh.
- Ngã rẽ vào trại giam, ông có xem đó là những chuỗi ngày u tối trong cuộc đời?
- Tôi bị cáo buộc tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” và phải đối diện với mức án 3 năm tù. Nhưng bản thân tôi thấy rằng mình luôn trong sạch, liêm chính. Tôi cũng không xem đó là chuỗi ngày u tối.
Những ngày trong tù, tôi chỉ lo cho đường điện 500 kV. Tôi theo dõi, nắm tình hình từ xa. Giây phút dòng điện quốc gia được hòa lưới thành một, dù không có mặt ở đó nhưng trong trại giam, tôi cũng hồi hộp không kém.
5h sáng ngày hôm sau, anh Sáu Dân vào thăm tôi. Anh ôm tôi bằng một cái siết chặt. Nhìn nét mặt của anh tôi đoán ngay là việc đóng điện đã thành công. Anh Sáu Dân nói, "mấy hôm nay tôi lo không ngủ được”. Tôi hỏi lại, “thế hôm qua đóng điện thành công, anh có ngủ được không”. Anh nói, “đêm qua mình lại sướng quá không ngủ được”.
Sau đó, ngay tại phòng tiếp khách của trại giam Thanh Xuân, anh Sáu Dân lấy chiếc huy hiệu đường dây 500 kV mà anh em ngành điện tặng trao lại cho tôi.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải nâng ly chúc mừng lễ khởi công đường điện 500 kV. Ảnh: VTC News. |
Phải phát triển năng lượng tái tạo ngay
- Bao nhiêu năm qua, nhắc đến ngành điện, vẫn thấy ông đau đáu như những ngày còn là tư lệnh ngành, ông nghĩ gì về những vướng mắc của ngành điện hiện nay?
- Hiện nay, nguồn điện tương đối ổn định, nhưng về lâu dài chúng ta nên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió... còn nguồn thủy điện chỉ để duy trì.
Thực tế, thủy điện đã khai thác gần hết, giờ chỉ còn các mỏ khí. Ngành điện phải phối hợp chặt chẽ với ngành dầu khí. Nếu như mỏ khí ở miền Trung tốt thì ngành điện rất có lợi khi phát điện bằng khí.
Nhưng muốn làm được thì phải đầu tư, có lẽ việc này nên để nhà nước và các tập đoàn tư nhân cùng làm.
3 năm nữa nhiều khả năng tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra. Vì thế vấn đề cấp bách là cần phải triển khai ngay các dự án điện. Đặc biệt ưu tiên cả tư nhân cùng đồng hành.
- Ông có dự đoán gì cho những năm tới khi mà thực tế có quá nhiều dự án cung ứng điện chậm tiến độ, thưa ông?
- Việt Nam đang có làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cuối năm 2018 đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA).
Hai dự án công suất 86 MW đã hoạt động vào cuối năm ngoái và cách đây vài ngày là cụm nhà máy điện mặt trời quy mô 100 MW tại Đắk Lắk đã được đưa vào vận hành. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch…
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.
Nói thế để thấy nguồn là rất lớn, chỉ cần chúng ta làm tốt công tác giá điện, thì tôi tin trong vòng vài chục năm tới, Việt Nam không phải lo lắng gì về nguồn điện.