Đáo lỗ và những trò chơi tự chế từ đồng xèng
Chơi xèng hay đáo lỗ cũng là trò chơi hấp dẫn. Chơi xèng cần một hòn cái và mấy đồng xèng. Hòn cái làm bằng chì, dày độ một phân và to hơn cái trôn bát. Ngày ấy chỉ có một cách kiếm chì, là tìm những cái vỏ hộp kem đánh răng Hoa Mai hay Ngọc Lan của Việt Nam, vì chúng làm bằng chì. Chúng tôi dùng đất sét làm khuôn. Tiếp đó bỏ các vỏ hộp kem đánh răng đã rửa sạch vào một cái ống bơ sữa bò, rồi đun lên cho đến khi chì chảy ra.
Cũng phải dùng que gỗ gạt bỏ rỉ bẩn để được chì sạch, rồi đem đổ vào khuôn. Thế là được một hòn cái. Hầu như đứa trẻ nào cũng có một hòn cái. Còn xèng là những cái nắp bia chai được đập thẳng ra. Kê lên đá rồi dùng búa ghè khéo cho đồng xèng được tròn và phẳng. Nắp chai thường do người lớn đem về. Đôi khi chúng tôi còn đem những đồng xèng đã ghè sơ qua đặt lên đường tàu điện để làm cho thật phẳng. Những đồng xèng loại này rất đẹp.
Sách Kim Liên một thuở. |
Khi chơi, thường chỉ hai đến ba đứa thôi. Không cần chỗ rộng lắm, chỉ cần chỗ đất phẳng và sạch là được. Vẽ vạch đích quy ước kiểu “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” cho khỏi cãi nhau. Sau đó góp xèng và chơi đánh đáo. Tung rải xèng rồi ném hòn cái vào trúng các nhóm xèng bị chạm đè lên nhau từ hai đồng trở lên cho tung ra là “ăn”. Nếu đánh hỏng phải chồng thêm xèng vào và chuyển lượt đánh cho người khác.
Cứ như vậy, từ mỗi người góp vào hai xèng ban đầu, có khi thắng được ván cuối ăn thêm được đến ba chục xèng. Thế là ăn to lắm. Trò này rất hấp dẫn. Khi đứa nào hết xèng là hết chơi. Có thể về nhà lấy thêm ra chơi tiếp, hoặc mua xèng của nhau để chơi. Thường mua một hào được ba mươi hay bốn mươi đồng xèng, tùy đứa bán. Đồng xèng dính đất bẩn thế, mà cứ đút túi, nặng trĩu cả túi quần. Nhưng càng nặng bao nhiêu càng vui bấy nhiêu, vì mình thắng.
Trò chơi đánh xèng không phải diễn ra quanh năm, mà tùy hứng và tuỳ mùa. Có khi ồn ào đi khắp khu tập thể, chỗ nào cũng thấy đánh xèng. Khi đã lắng thì chả thấy ai chơi nữa. Các đồng xèng được cất đi, chờ mùa hè năm sau. Vòng đi vòng lại, những đồng xèng rỉ quá phải vứt bỏ.
Trẻ em xưa chơi xèng (đáo lỗ). |
Đồng xèng còn được dùng để tạo một dụng cụ chơi khác, đó là bánh xe quay bằng giật dây. Chọn một đồng xèng thật tròn và phẳng, loại đã được tàu điện “cán”, đục hai cái lỗ nhỏ như đầu tăm thẳng hàng qua tâm, cách nhau chừng một phân. Luồn một sợi dây nhỏ vòng qua hai lỗ đó và buộc đầu lại, thế là xong.
Khi chơi, cầm hai đầu dây quay quay cho dây xoắn lại, sau đó kéo căng dây ra. Đồng xèng sẽ quay tít do dây xoắn bị rơi ra. Khi dây rơi gần hết, chùng hai tay lại để đồng xèng theo đà xoắn tiếp theo chiều ngược lại, sau đó lại kéo căng tay ra khi nó đã xoắn hết đà. Cứ như vậy, đồng xèng đổi chiều quay liên tục và quay tít, đến khi nào người chơi chán thì thôi.
Chúng tôi còn chơi “chọi” nhau bằng cách mài đồng xèng cho sắc, hoặc tạo răng cưa và đấu nhau. Ai kém khéo léo, bị đồng xèng của đối phương cắt đứt dây và bị hỏng, là thua. Tuy thế trò chọi nhau này dễ bị lia cả vào tay gây chảy máu, nên ít đứa chơi.
Trò chơi khăng, quay náo nhiệt
Một trò chơi khác dành cho lứa tuổi lớn một chút là trò đánh khăng. Chơi từ hai đến bốn người. Bãi đất phải đủ dài, đủ rộng thì mới thoải mái. Dụng cụ là hai thanh gỗ tròn, đường kính thân to cỡ ngón chân cái, gọi là thanh khăng.
Thanh khăng cái dài hơn bốn chục phân một chút. Thanh khăng con dài gần mười lăm phân. Thường không có gỗ mà là cành cây tước vỏ. Khi chơi khoét một cái lỗ dọc dài gần bằng thanh khăng con trên mặt đất, sâu hai, ba phân (gọi là “lồ”) và vạch một vạch mốc cách đó độ hai mét. Đó là khoảng cách bắt buộc để khi đánh khăng phải vượt qua được đó. Một vòng chơi khăng có ba mức là cầy, mắm và gà.
Người chơi đặt ngang que khăng ở lỗ rồi gẩy cho văng xa gọi là “cầy”. Những người còn lại đứng đón bắt thanh khăng con bằng tay. Nếu bắt được là người đang chơi mất lượt, đến người khác. Nếu không bắt được, những người đón bắt còn được dùng thanh khăng con, đứng ở vị trí thanh khăng con rơi, ném vào thanh khăng cái đặt ở “lồ”. Nếu ném trúng, người đang chơi bị mất lượt. Nếu ném trượt, chuyển qua mức hai khó hơn gọi là “mắm”.
Người chơi phải dùng một tay vừa tung thanh khăng con lên, vừa dùng thanh khăng cái vụt mạnh cho thanh khăng con văng đi xa. Nếu bị đối phương đón bắt được bằng tay là mất lượt. Nếu không, được tính điểm bằng cách dùng thanh khăng cái để đo từ chỗ thanh khăng con rơi về vị trí “lồ”.
Qua mức này, đến mức “gà”. Người chơi đặt thanh khăng con dọc vào “lồ”, cho một đầu khăng ngóc lên. Sau đó đập mạnh vào đầu thanh khăng con cho nảy lên cao, rồi dùng thanh cái vụt mạnh vào thanh khăng con, sao cho nó bay càng xa càng tốt. Nếu thanh khăng con không bị bắt thì lại được đo tính điểm từ chỗ khăng con rơi về “lồ”, nhưng lần này được đo bằng thanh khăng con, nên điểm nhiều hơn. Nếu bị đối phương bắt được thanh khăng con ở mức này, là bị trừ hết sạch điểm.
Mức “gà” còn khuyến khích, nếu “tâng” được thanh khăng con nhiều lần trước khi vụt đi. Khi đó, lúc tính điểm được tính bằng bội 2 hoặc bội 5 của đoạn khăng con. Hết một vòng đủ ba mức, có thể chơi lặp tiếp vòng khác có kế thừa điểm, hoặc thôi. Sau đó sang lượt người khác.
Trò chơi khăng cũng có thể chia hai phe để chơi tập thể. Chơi khăng rất náo nhiệt, song cũng có nguy hiểm. Đó là khi bộ khăng được tạo từ loại gỗ chắc, nặng. Khi đánh “mắm”, thanh khăng văng mạnh, có khi văng trúng trán đứa bắt khăng, gây u đầu hay chảy máu. Vì thế thường chỉ đồng tuổi chơi với nhau. Ít khi tụi lớn rủ đứa bé chơi cùng.
Trò chơi quay. |
Náo nhiệt và tốn kém hơn có lẽ là trò chơi quay. Trò này hình như miền trong gọi là chơi gụ, chơi cù. Con quay có thể đẽo hoặc tiện từ một khúc thân cây hay một cục gỗ. Thường bọn trẻ con không có tiền mua quay tiện, phải tự đẽo từ một đoạn thân cây. Thân cây tròn sẵn nên cũng dễ định hình. Quay to hay nhỏ, cứng nhiều hay cứng ít là tùy thuộc vào đoạn gỗ. Dưới trôn con quay có đóng một cái đinh “tù đầu” nhô ra cỡ một phân để con quay quay trên đó.
Chúng tôi thường chơi loại quay có “tu” để dễ quấn dây. Chơi quay có nhiều kiểu như “hầm”, “đồng triệt” hay “chọi” nhau. Thi xem con quay của đứa nào quay được lâu hơn. Có đứa còn vẽ màu lên thân con quay để khi quay tạo vòng màu cho đẹp và cũng là để khỏi lẫn. Thường những đứa lớn thích chơi “chọi” nhau, “bổ” quay mình vào quay của đứa khác sao cho cái đinh con quay của mình cắm thành vết, gọi là “vố”, trên thân con quay của đứa khác. Dây quấn con quay để bổ là đoạn dây vải hoặc dây gai.