Bom rơi đạn lạc tại chảo lửa Trung Đông đã không còn khiến thế giới phải kinh ngạc, khi vòng xoáy luẩn quẩn “căng thẳng quân sự leo thang - hạ nhiệt - rồi lại leo thang” vẫn diễn ra từ năm này qua năm khác.
Tuy nhiên, biểu hiện của cuộc chiến lần này không chỉ gói gọn trong tên lửa hay Vòm Sắt, mà còn là căng thẳng chính trị bùng phát mạnh mẽ từ những mâu thuẫn vốn đã dai dẳng trong nội bộ hai quốc gia.
Bức tranh toàn cảnh vốn đã xám xịt nay càng ảm đạm, củng cố thêm góc nhìn bi quan về khả năng chung sống hòa bình và hòa giải giữa hai nước “láng giềng”.
Israel đối mặt hai cuộc chiến song song
Như một lẽ dĩ nhiên, cội nguồn của mọi xung đột lớn nhỏ tại Dải Gaza là mâu thuẫn gần như không thể hóa giải giữa Israel và Palestine.
Nhưng nếu như biểu hiện của 3 cuộc chiến tranh Gaza trước đây chủ yếu là leo thang vũ trang giữa Hamas và quân đội Israel hay những cuộc biểu tình của người Palestine tại Bờ Tây, thì cuộc đụng độ lần này đã bộc lộ rõ nét sự phẫn nộ của chính những cộng đồng dân cư trong lòng Israel.
Cùng ngày những quả tên lửa từ Gaza xé toạc bầu trời Tel Aviv, một cuộc chiến khác cũng bùng nổ dưới mặt đất, lan đến từng ngôi nhà, từng góc phố.
Công dân Israel gốc Arab đồng loạt biểu tình để phản đối sự kiện cảnh sát Israel đột kích thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. Đáp lại, những người Do Thái cực đoan ngay lập tức tiến hành phản công. Bạo loạn nhanh chóng càn quét khắp Israel, đặc biệt ở những “thành phố hỗn hợp” như Lod, Arce, Tiberia...
Người Israel gốc Arab biểu tình tại thị trấn Lod, miền trung Israel vào ngày 10/5. Ảnh: Flash 90. |
Hamas đã kêu gọi người Israel gốc Arab nổi dậy chống lại nhà nước Israel, tuyên bố sự hy sinh của họ chính là “động lực để tiến hành cách mạng dân tộc và giải phóng lãnh thổ”.
Đây là làn sóng biểu tình nghiêm trọng nhất tại Israel trong 2 thập kỷ vừa qua, khiến cho chính giới Israel lo lắng đến mức Tổng thống Reuven Rivlin phải cảnh báo về nguy cơ diễn ra một cuộc nội chiến “điên rồ” và “vô nghĩa”.
Tổng thống Rivlin cũng tuyên bố rằng biểu tình đang nổ ra mà “không có bất kỳ một lý do nào”.
Nhưng có lẽ ông Rivlin đã cố tình ngó lơ lý do hiển nhiên nhất, đó là sự thờ ơ của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu trước mối thù hằn ngày càng khoét sâu, chia rẽ hai cộng đồng người Arab và Do Thái.
Thậm chí, chính quyền Netanyahu còn làm mâu thuẫn tồi tệ hơn khi đưa ra những chính sách cực hữu nhằm vào người Arab. Tamer Nafar - một rapper, diễn viên và nhà hoạt động xã hội người Israel gốc Arab - đã bộc bạch rằng họ phải sống như “công dân hạng hai” và “không được hưởng quyền bình đẳng tại Israel”.
Sự bức xúc của công dân Arab như một cốc nước đã đầy. Al-Aqsa là giọt nước tràn ly đánh thức những uất nghẹn dồn nén hàng thập kỷ và thôi thúc họ nổi dậy biểu tình.
Nếu những chính quyền kế nhiệm của Israel tiếp tục gạt công dân gốc Arab sang một bên, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai quốc gia này lún sâu vào một cuộc chiến tranh với sức ép gọng kìm “thù trong giặc ngoài”.
Hình ảnh và động cơ mới của Hamas
Không chỉ Israel nội bộ lục đục, cuộc xung đột vừa qua cũng cho thấy sự gia tăng mâu thuẫn gay gắt bên phía Palestine.
Trong 3 cuộc chiến tranh Gaza trước đây, hành động của Hamas phục vụ mục tiêu quân sự nhiều hơn, đó là tiến hành chiến tranh vũ trang để đánh đuổi Israel ra khỏi đất của người Palestine, thậm chí là xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới.
Nhưng lần này Hamas đã khéo léo gắn liền xung đột quân sự với tầm nhìn chiến lược dài hạn của tổ chức này, đó là xác lập vị thế trở thành “Người bảo vệ Jerusalem”, không chỉ với người Palestine mà còn với cả thế giới Arab và khu vực Trung Đông.
Hamas gửi tối hậu thư đến Israel đề ra điều kiện rằng lực lượng Israel phải ngay lập tức rút khỏi Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem và Tổ hợp Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa trong khu vực Thành cổ Jerusalem. Vài phút sau hạn chót của tối hậu thư, tên lửa bắt đầu được phóng đi từ Gaza.
“Thanh kiếm của Jerusalem” là cái tên mỹ miều mà Hamas đặt cho chiến dịch quân sự này.
Dải đất hẹp Gaza là nơi phải oằn mình chống chọi với chiến tranh, nhưng trung tâm mọi mâu thuẫn vẫn là vùng đất thiêng Jerusalem.
Hamas kiểm soát Gaza nhưng đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Jerusalem và Bờ Tây do Fatah kiểm soát. Ảnh: Như Ý. |
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nội bộ Palestine bị chia rẽ nghiêm trọng và khoảng trống quyền lực đang hiện hữu.
Đảng chính trị Fatah lãnh đạo chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas ở Bờ Tây, trong khi Hamas hoàn toàn kiểm soát Dải Gaza. Sau 15 năm ròng rã, cuộc tổng tuyển cử Palestine lần đầu tiên được ấn định vào tháng 5/2021.
Tuy nhiên, Tổng thống Abbas đã quyết định hoãn bầu cử vô thời hạn với lý do Israel hạn chế người Palestine bầu cử, khiến cho Hamas cảm thấy bất mãn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trên thực tế ông Abbas đang lo ngại Fatah bị “lép vế” so với Hamas.
Quyết định leo thang xung đột vũ trang thể hiện rõ nét động cơ chính trị của Hamas, đó là chứng minh với người Palestine và các nước Arab rằng Hamas là lực lượng duy nhất có quyết tâm và khả năng bảo vệ Jerusalem cũng như dẫn dắt người Palestine đi đến độc lập.
Trong tháng Ramadan linh thiêng của đạo Hồi, sự cộng hưởng về mặt chính trị và tôn giáo càng được gia tăng. Với những người Palestine đang oán hận và tuyệt vọng sau Sheikh Jarrah và Al-Aqsa, Hamas đã thành công trong việc xây dựng danh tiếng mạnh mẽ và dứt khoát, đối lập với hình ảnh một Fatah “yếu đuối” chỉ biết bất lực nhìn quân đội Israel đàn áp đồng bào mình.
Bằng việc thu hút sự ủng hộ của người Palestine tại Jerusalem và Bờ Tây, Hamas đang tích cực hạ thấp uy tín và trực tiếp tranh giành quyền lực với Fatah ngay tại chính vùng lãnh thổ mà Fatah đang quản lý.
Tương lai nào cho nội bộ Palestine?
“Trò chơi vương quyền” dai dẳng chưa hồi kết giữa Hamas và Fatah bắt nguồn từ khi Hamas chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp Palestine năm 2006 và đánh bật Fatah ra khỏi Dải Gaza vào năm 2007. Kể từ đó, Palestine bị chia đôi thành hai thực thể riêng biệt.
Tuy có cùng mục đích là xây dựng nhà nước Palestine dựa theo đường biên giới phân định lãnh thổ năm 1967, phương pháp của Fatah và Hamas hoàn toàn đối lập.
Fatah công nhận nhà nước Israel và chủ trương đối thoại hòa bình, trong khi Hamas không công nhận nhà nước Do Thái “láng giềng” và chủ trương lấy đấu tranh vũ trang làm con đường duy nhất để dành lại độc lập cho Palestine.
Nhưng thật đáng buồn là không biết đến bao giờ thì Fatah mới có thể “đàm phán hòa bình” thành công với Israel để thành lập nên một nhà nước Palestine đúng nghĩa. Tổ chức này có lẽ sẽ không thể tự định đoạt sự thành bại của chính mình.
Và cũng thật đáng buồn là Hamas thì có thể tùy thích phóng tên lửa vào Israel bất cứ lúc nào. Hamas cũng chẳng cần phải “chiến thắng” hoàn toàn mà chỉ cần quyết liệt chống lại Israel là đã nhận được sự ủng hộ của người Palestine, và từ đó lại có lý do để khơi mào một cuộc xung đột khác.
Người ủng hộ Hamas biểu tình phản đối quyết định hoãn bầu cử của Tổng thống Mahmoud Abbas vào ngày 30/4. Ảnh: AP. |
Hamas là bên đang có lợi thế hơn khi nắm trong tay quyền chủ động tạo ra những đột biến mới.
Chừng nào tên lửa còn là công cụ giải quyết chính thay cho đối thoại, thì những người dân ở cả Israel và Palestine sẽ chẳng bao giờ được biết đến hai chữ “bình yên”.
Vào năm 2014, sức ép kinh tế và chính trị lên Hamas cũng là một trong những nguyên nhân đằng sau khiến cho Chiến tranh Gaza bùng nổ. Trong tương lai, những cuộc xung đột ở Gaza sẽ phản ánh nhiều hơn nữa những tính toán chính trị của Hamas.
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas được xem như một chiến thắng cho nhóm vũ trang này trong mắt người Palestine, ngay cả ở Bờ Tây. Những cuộc biểu tình ở Bờ Tây của người Palestine gần đây đã chứng kiến một cảnh tượng ít gặp: lá cờ với chữ Hamas.
Gaza là một chuyện, nhưng một khi đụng đến Jerusalem, thế giới Arab bắt buộc phải bảo vệ giá trị của vùng Đất Thánh. Điều này đồng nghĩa với việc các nước Arab sẽ phải nghiêm túc xem xét thông điệp “người bảo vệ Jerusalem” và đánh giá lại vai trò của Hamas.
Về lâu dài, Hamas có thể sẽ ngày càng sở hữu nhiều đặc quyền của một chủ thể nhà nước, tác động đến tính chính danh của tổ chức này không chỉ ở lãnh thổ Palestine mà còn ở quy mô khu vực.