Trịnh Công Sơn và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai tên tuổi của văn nghệ nước nhà, họ thuộc thế hệ vàng của văn nghệ Huế. Trong cuộc sống, nhạc sĩ họ Trịnh và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là những người bạn từ thuở thiếu niên. Bằng tình cảm với bạn cùng tài năng văn chương của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết cuốn sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé.
Cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn từ thuở ấu thơ, những tư tưởng ảnh hưởng đến quan niệm triết học của ông, tuổi trẻ đi dạy ở Bảo Lộc, những năm tháng sống trong chiến tranh và khi hòa bình…
Mới đây, cuốn sách được tái bản kỷ niệm 20 năm ngày mất cố nhạc sĩ (1/4/2001-1/4/2021). Sách có ba chương, lấy tên theo những ca khúc của Trịnh Công Sơn: “Dấu chân địa đàng”, “Tuổi đá buồn” và “Để gió cuốn đi”.
Sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé. Ảnh: NXB Trẻ. |
Chương đầu giới thiệu những ngày thơ ấu, tình yêu thương của mẹ, tư tưởng Phật giáo… và những điều ảnh hưởng đến âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Những ngày hoạt động âm nhạc sôi nổi của ông được khắc họa ở chương hai. Những sáng tác đầu tiên của Trịnh Công Sơn viết cho thiếu nhi. Khi chiến tranh ngày một căng thẳng, ông sáng tác nhạc phản chiến, cất lên khúc ca về thân phận con người. Giai đoạn viết tình ca của nhạc sĩ cũng được thể hiện trong chương sách này.
Thời kỳ dạy học ở B’lao, Trịnh Công Sơn đã cho ra đời loạt tác phẩm mang tên Phúc âm buồn, Chiều một mình qua phố, Gia tài của mẹ, Người hát bài quê hương, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng. "Có thể nói, những ngày sống ở B’lao đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn”, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết trong sách.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhận xét về phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn qua những bài hát như Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ: “Ở đâu có sự chân thành và tính giản dị thì ở đó có âm nhạc đích thực. Phải thừa nhận rằng, nhạc điệu của Trịnh Công Sơn không có những biến tấu phức tạp, nhưng cực kỳ chân thành và giản dị, dễ đến với mọi người”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ca ngợi chất thơ trong ca từ của Trịnh Công Sơn.
Chương cuối viết về những hoài niệm, ưu tư, những mối tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn lưu danh trong nền nghệ thuật Việt Nam, nhưng với ông, tất cả đều “để gió cuốn đi”. “Khát vọng lưu danh là một ý niệm rỗng không về vật chất, và Trịnh Công Sơn đã sống đúng với ý niệm ấy”, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết.
Bên cạnh những trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sách có những tư liệu khác về Trịnh Công Sơn. Gia đình họa sĩ Đinh Cường đã cung cấp ảnh bìa và những bức tranh quý vẽ chân dung Trịnh Công Sơn. Ông Trần Viết Ngạc đã cung cấp những tư liệu về hoạt động tham dự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình của sinh viên học sinh các thành phố…