Triều Tiên xây hầm ngầm để thử hạt nhân lần thứ ba
Những báo cáo tình báo thu thập được cho thấy, Triều Tiên đang xây dựng nhiều đường hầm ngầm dưới lòng đất, động thái rõ ràng cho vụ thử hạt nhân lần ba của chính phủ Bình Nhưỡng.
>>Hình ảnh tên lửa Triều Tiên sẵn sàng trên bệ phóng
>>Triều Tiên nạp nhiên liệu vào tên lửa sớm hơn dự kiến
>>Triều Tiên đã chuyển tên lửa vào bệ phóng
>>Nhật triển khai tên lửa phòng thủ ở Tokyo
Theo những hình ảnh vệ tinh vừa thu thập được, nhiều gò đất xuất hiện trên lối vào của một đường hầm ngầm ở phía đông bắc Punggye-ri, nơi diễn ra hai vụ thử hạt nhân của chính phủ Triều Tiên vào những năm 2006 và 2009. Các nhà quan sát lo ngại, việc xây dựng một đường hầm mới có thể là minh chứng cho ý định tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo của Bình Nhưỡng.
Bản đồ mô phỏng khu vực Triều Tiên đang xây dựng các đường hầm để tiến hành thử hạt nhân. |
AP vừa thu thập được tài liệu do các sĩ quan tình báo Hàn Quốc biên soạn tiết lộ: “Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba. Đó sẽ là hành động khiêu khích nghiêm trọng nữa. Triều Tiên đang xây dựng một đường hầm mới dưới lòng đất ở khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Đường hầm này nằm hoàn toàn riêng biệt với hai đường hầm hiện có. Đường hầm mới được xây dựng đang sắp sửa hoàn thành”.
Nghi vấn Triều Tiên đang chuẩn bị cơ sở cho vụ thử nghiệm hạt nhân lần 3 được đưa ra đúng thời điểm thế giới đang lùm xùm xung quanh vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng. Triều Tiên tuyên bố vụ phóng vệ tinh phục vụ mục đích dân sự, nhằm kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người sáng lập Đảng Lao động Triều Tiên, ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh thì nghi ngại, vụ phóng vệ tinh là hành động núp danh cho vụ thử tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa Unha-3 được thử nghiệm trong vụ phóng lần này có tầm bay đạt tới 10.000 km, đủ khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Bản báo cáo cũng cho biết, vệ tinh Kwangmyongsong-3 của Triều Tiên sẽ bao gồm 220 hộp và 5 râu ăng-ten. Nó hoạt động bằng cách sử dụng điện năng tổng hợp được từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Tên lửa đẩy Unha-3 có tầm cao hơn 30 m và đường kính 2,4 m. Khi được bơm đầy nhiên liệu, tên lửa ba tầng của Triều Tiên sẽ đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo cao 500 km so với mặt đất.
Các phần tách ra của tên lửa trong quá trình phóng sẽ bị bắn hạ bởi lực lượng phòng vệ của Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu như nó xâm phạm không phận hai nước này. Trong trường hợp tên lửa bị lạc đường và xâm phạm không phận, nó cũng sẽ bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa và tàu khu trục mà hai người láng giềng của Triều Tiên đã triển khai.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn